Bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, mặc dù là một trong bốn địa phương phía Nam chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 (cùng với TP.HCM, Bình Dương và Long An), nhưng tăng trưởng GRDP của tỉnh Đồng Nai trong năm 2021 đạt hơn 214,3 nghìn tỷ đồng, tăng 2,15% so với năm 2020 và thu ngân sách vượt chỉ tiêu.
ĐỒNG NAI SẼ MỞ RỘNG HƠN CÁC LĨNH VỰC TRỌNG ĐIỂM THU HÚT VỐN FDI
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, hiện địa phương này xếp thứ 4 cả nước về thu hút vốn FDI với 1.800 dự án FDI, tổng số vốn hơn 32,4 tỷ USD. Hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ đã đầu tư vào tỉnh và dẫn đầu là Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản. Đồng Nai trở thành một trung tâm công nghiệp lớn của Việt Nam, cung ứng sản phẩm cho nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Riêng trong quý 1/2022, các doanh nghiệp FDI đã tiến hành giải ngân nguồn vốn đăng ký đầu tư vào Đồng Nai trên 13.000 tỷ đồng, tăng hơn 37% so với cùng kỳ năm 2021 và chiếm trên 49% tổng nguồn vốn trên địa bàn tỉnh.
Dòng vốn FDI đã góp phần quan trọng giúp cho Đồng Nai trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế, đóng góp ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm cho khoảng 1 triệu lao động trong và ngoài tỉnh (chiếm 60%). Các doanh nghiệp còn tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội, bảo vệ môi trường.
Vốn dĩ luôn nằm trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu về thu hút vốn FDI, Đồng Nai đang đứng trước những cơ hội mới khi hàng loạt dự án và siêu dự án hạ tầng giao thông đa dạng loại hình (sân bay, cảng, đường cao tốc, đường sắt...) đang được triển khai.
Chia sẻ về định hướng chiến lược để thu hút nguồn vốn FDI giai đoạn hậu đại dịch, bà Nguyễn Thị Hoàng cho biết, thời gian tới, Đồng Nai sẽ mở rộng hơn các lĩnh vực trọng điểm trong thu hút dòng vốn quan trọng này. Đó là ưu tiên các nhóm dự án dịch vụ, thương mại, hậu cần sân bay, tài chính, kho vận, logistics, giáo dục đào tạo… để đón đầu giai đoạn phát triển mới trong vòng 5 năm tới.
Đồng Nai cũng sẽ thu hút vốn FDI được dự đoán sẽ có chiều sâu hơn, đem lại giá trị cao hơn chứ không đơn thuần chỉ tập trung ở các dự án sản xuất như giai đoạn trước.
Địa phương này đã và đang có xu hướng phân bố lại các dự án thiên về dịch vụ, có hàm lượng công nghệ cao, kêu gọi doanh nghiệp đổi mới công nghệ, sử dụng công nghệ xanh thân thiện môi trường, sử dụng diện tích đất hiệu quả, ít lao động trực tiếp. Nâng cao năng suất, sử dụng robot, đòi hỏi tính kết nối cao (cả trong nước lẫn quốc tế), nguồn nhân lực chất lượng cao và đảm bảo phát triển bền vững…
Trước mắt, tỉnh Đồng Nai nhanh chóng mở rộng quỹ đất cho thuê, quy hoạch sẵn sàng để có thể đón dòng vốn ngay khi các dự án hạ tầng lớn đi vào sử dụng. Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho giai đoạn mới, quy hoạch các dự án như: khu dân cư, trường học, bệnh viện, dịch vụ tài chính, kho vận… nhằm xây dựng một hệ sinh thái tương đối cơ bản, sẵn sàng cho giai đoạn phát triển mới. Bên cạnh đó, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính, đồng hành cùng doanh nghiệp.
Cùng với TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai là một trong những địa phương đi đầu trong miền Đông Nam bộ trong việc thu hút doanh nghiệp nước ngoài đầu tư. Ngay từ những ngày đầu thành lập, Đồng Nai đã là cái nôi phát triển các khu công nghiệp. Trong tổng số 32 khu công nghiệp, có 31 khu công nghiệp đang hoạt động hiệu quả.
Quan điểm của Đồng Nai là không đánh đổi phát triển kinh tế bằng mọi giá, để lại hậu quả nặng nề về môi trường. Chính vì vậy, trong tổng số 31 khu công nghiệp đang hoạt động hiện nay đều có hệ thống xử lý nước thải. Đồng Nai cũng là tỉnh tiên phong trong cả nước phát triển khu công nghiệp và đảm bảo vấn đề môi trường. Với lượng nước thải hơn 163.000 nghìn m3 ngày đêm, 25/31 khu công nghiệp có hoạt động quan trắc để đánh giá tác động môi trường.
Xu hướng giai đoạn hiện nay, các doanh nghiệp gần như phải chuyển đổi, thích ứng với các tiêu chuẩn của thế giới trong việc ứng dụng công nghệ xanh, thân thiện với môi trường. Đó cũng là định hướng của Trung ương cũng như hiện thực hóa các chủ trương của UBND tỉnh Đồng Nai là sử dụng công nghệ xanh, sạch, thân thiện môi trường và phát triển bền vững.
Trong thời gian tới, UBND tỉnh đang xem xét trình Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, thành lập thêm 8 khu công nghiệp mới, nâng tổng số lên 39 khu công nghiệp. Nếu được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận Đồng Nai sẽ có thêm khoảng 7.573 ha đất khu công nghiệp.
NHỮNG LĨNH VỰC ƯU TIÊN CỦA ĐỒNG NAI
Theo ông Phạm Văn Cường, Phó trưởng ban Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, quan điểm xuyên suốt và thống nhất của Đồng Nai là không đánh đổi phát triển kinh tế bằng mọi giá, để lại hậu quả nặng nề về môi trường.
Chính vì vậy, trong tổng số 31 khu công nghiệp đang hoạt động hiện nay đều có hệ thống xử lý nước thải. Đồng Nai cũng là tỉnh tiên phong trong cả nước phát triển khu công nghiệp và đảm bảo vấn đề môi trường. Với lượng nước thải hơn 163.000 nghìn m3 ngày đêm, 25/31 khu công nghiệp có hoạt động quan trắc để đánh giá tác động môi trường.
Xu hướng giai đoạn hiện nay, các doanh nghiệp gần như phải chuyển đổi, thích ứng với các tiêu chuẩn của thế giới trong việc ứng dụng công nghệ xanh, thân thiện với môi trường.
Đó cũng là định hướng của Trung ương cũng như hiện thực hóa các chủ trương của UBND tỉnh Đồng Nai là sử dụng công nghệ xanh, sạch, thân thiện môi trường và phát triển bền vững. Trong thời gian tới, UBND tỉnh đang xem xét trình Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, thành lập thêm 8 khu công nghiệp mới, nâng tổng số lên 39 khu công nghiệp. Nếu được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận Đồng Nai sẽ có thêm khoảng 7.573 ha đất khu công nghiệp.
"Đồng Nai từng bước chọn lọc những nhà đầu tư quan tâm đến chiến lược phát triển bền vững như ứng dụng công nghệ xanh, thân thiện môi trường, mang lại hiệu quả cao trong việc sử dụng đất, sử dụng lao động, đảm bảo môi trường và an sinh xã hội.
Thời gian qua, tỉnh cũng tiếp xúc các nhà đầu tư đến từ châu Âu. Họ có yêu cầu rất cao về việc bảo vệ môi trường như sử dụng điện áp mái, đảm bảo sử dụng nguồn điện sạch và đáp ứng các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường châu Âu…", ông Phạm Văn Cường chia sẻ.
HÀ NAM QUY HOẠCH KHU CÔNG NGHIỆP LỚN ĐỂ ĐÓN NHÀ ĐẦU TƯ LỚN
Trao đổi với VnEconomy về quá trình phục hồi kinh tế cũng như thu hút nguồn vốn FDI trong giai đoạn sau Covid -19, ông Trần Xuân Dưỡng Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết, vừa qua, Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ 20 đã đề ra mục tiêu phát triển nhanh nhưng phải đảm bảo bền vững.
Tỉnh hiện đang tập trung thu hút và phát triển các doanh nghiệp, tập trung thu hút các ngành nghề như công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo...
Theo ông Trần Xuân Dưỡng, năm 2021, Hà Nam đã thu hút được 35 dự án đăng ký mới đầu tư vào các khu công nghiệp, trong đó có 20 dự án FDI và 15 dự án đầu tư trong nước. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng điều chỉnh 170 lượt dự án, với tổng nguồn vốn hơn 536 triệu USD và hơn 9.405 tỷ đồng, vượt 81% kế hoạch năm...
Để có được kết quả tích cực về thu hút vốn đầu tư đó, tỉnh Hà Nam đã luôn quan tâm đầu tư xây dựng và hoàn thiện hạ tầng, tăng cường công tác xúc tiến đầu tư vào các khu công nghiệp, bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư. Chính quyền luôn cam kết đồng hành, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ nhà đầu tư nhanh chóng triển khai dự án, phấn đấu đi vào hoạt động theo đúng cam kết.
Dự báo, trong năm 2022, xu hướng nhiều nhà đầu tư Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản… vẫn tiếp tục đầu tư vào địa bàn tỉnh. Nhiều tập đoàn lớn trên thế giới, với công nghệ sản xuất hiện đại đã tìm hiểu môi trường thu hút đầu tư của Hà Nam.
Để chuẩn bị cho làn sóng đầu tư mới, đặc biệt là giai đoạn phục hồi sau đại dịch, Hà Nam đã quy hoạch khu công nghệ cao, với quy mô hơn 500 ha. Tỉnh rất quan tâm đến các nhà đầu tư tới từ châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Ngoài ra, Hà Nam cũng đang tập trung phát triển nhà ở cho công nhân giúp người lao động có chỗ ở ổn định, khang trang, qua đó người lao động có thêm động lực gắn bó với doanh nghiệp. Hà Nam xác định, thành công của doanh nghiệp chính là thành công của địa phương.