Phát biểu tại buổi lễ khai mạc, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp Hoàng Văn Dự cho biết, sau 5 năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay cả nước đã có 10.322 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên của 5.361 chủ thể; trong đó, có 51 sản phẩm 5 sao. Vượt xa kế hoạch chính phủ giao đến 2025 đạt 10.000 sản phẩm.
Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ thị trường đầu ra cho sản phẩm nông sản. Trong số đó, chú trọng khai thác thị trường nội địa gần 100 triệu dân và du khách quốc tế đến Việt Nam; tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm, hoạt động hội nghị, hội thảo, kết nối cung cầu, điểm tiêu thụ sản phẩm nông sản.
Đặc biệt, với không gian quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP gắn với hoạt động du lịch cấp vùng, ban tổ chức kỳ vọng sẽ góp phần tôn vinh, tuyên truyền, quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP với người dân Huế và du khách trong và ngoài nước.
Không gian trưng bày, giới thiệu nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú với sản phẩm OCOP tiêu biểu của các địa phương trong nước như trà cung đình Huế, các sản phẩm từ sâm bố chính, tinh dầu bưởi thanh trà, gạo hữu cơ Phong Điền, phở sắn Caromi, xoài sấy Cam Lâm, tương Sa Nam, miến tỏi đen, long nhãn ôm sen, mật chuối Tabai, sầu riêng sấy và các sản phẩm chế biến từ tổ yến, rượu yến...
Trong khuôn khổ sự kiện, còn diễn ra nhiều hoạt động bên lề như tổ chức lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức xúc tiến thương mại cho nông dân, hợp tác xã tham gia vùng nguyên liệu; hoạt động thao diễn nghề và nếm thử sản phẩm tại Không gian quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP gắn với hoạt động du lịch cấp vùng; tổ chức chương trình livestream quảng bá, bán sản phẩm OCOP trên nền tảng TikTok Shop.
Chuỗi sự kiện đã góp phần giới thiệu, quảng bá, kết nối các sản phẩm OCOP; nâng cao hình ảnh thương hiệu OCOP Việt Nam đối với khách du lịch trong nước, quốc tế. Từ đó, khơi dậy các tiềm năng, sản vật, giá trị ẩm thực văn hóa vùng miền và mở rộng thị trường tiêu thụ, kết nối, giao thương cho sản phẩm OCOP của địa phương.
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đã gia tăng giá trị, góp phần giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu.
Cụ thể, có hơn 60% chủ thể OCOP có doanh thu tăng bình quân khoảng 17%/năm, giá bán các sản phẩm OCOP tăng bình quân 12%. Đặc biệt, các sản phẩm 5 sao tăng doanh thu từ 20 - 30%. Nhiều sản phẩm OCOP được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn là quà tặng cho các nguyên thủ và khách quốc tế. Nhiều sản phẩm OCOP được xuất khẩu tại chỗ thông qua khách du lịch quốc tế.
Bên cạnh những kênh truyền thống quảng bá, xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm… ngành nông nghiệp cũng chú trọng đến hoạt động quảng bá tiêu thụ sản phẩm nông sản Việt Nam trên sàn thương mại điện tử; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại thông qua việc mở các gian hàng nông sản Việt Nam trên các trang thương mại trong và ngoài nước như amazon, alibaba, taobao, lazada, shopee, tiki, sen đỏ, vỏ sò; triển khai mạnh mẽ hình thức livestream quảng bá bán hàng trực tuyến trên youtube, tiktok, facebook, zalo… nhằm mở rộng thị trường đầu ra cho sản phẩm nông sản, nhất là sản phẩm OCOP.