Ngày 09/6/2023, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông báo kết luận về việc thanh tra trách nhiệm của UBND tỉnh Hải Dương trong công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản và quản lý, sử dụng đất đai giai đoạn 2016-2020. Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, Thanh tra Chính phủ cũng nêu rõ những hạn chế, thiếu sót trong công tác này trên địa bàn tỉnh.
THIẾU SÓT DIỄN RA Ở NHIỀU KHÂU
Kết luận của Thanh tra Chính phủ cho biết, qua thanh tra 16 dự án sử dụng đất thì có 7 dự án có thiếu sót về công tác quy hoạch như: thời điểm phê duyệt quy hoạch chi tiết sử dụng đất còn chưa phù hợp, đồng bộ với quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch xây dựng tại khu công nghiệp có lô đất y tế chưa phù hợp chức năng sử dụng đất khu công nghiệp. Khi phê duyệt quy hoạch xây dựng, chủ trương đầu tư không xin ý kiến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về quy hoạch khoáng sản.
13/16 dự án có hạn chế thiếu sót về phê duyệt giá đất, xác định bổ sung tiền sử dụng đất khi điều chỉnh quy hoạch hoặc giao bổ sung, xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất là tạm tính, phê duyệt giá đất cho cả phần diện tích đất chưa được giao; chậm điều chỉnh đơn giá thuê đất khi hết thời gian ổn định 5 năm; không xác định cụ thể diện tích từng loại đất, dẫn đến diện tích đất phải nộp tiền thuê đất không thống nhất tại các hồ sơ, thu nộp tiền bảo vệ phát triển đất trồng lúa. Trong đó có 4 dự án đã được giao đất trên một năm nhưng vẫn chưa phê duyệt giá đất xác định nghĩa vụ tài chính về đất là dự án khu đô thị Đại Sơn tại thành phố Chí Linh; dự án đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng khu dân cư dịch vụ thương mại phía Bắc thị trấn Ninh Giang; dự án khu dân cư, dịch vụ, thương mại phía Bắc thị trấn Phú Thứ; dự án khu dân cư phía Đông đường Trần hưng đạo thành phố Chí Linh.
Có 7/16 dự án có thiếu sót vi phạm khi phê duyệt giá đất xác định nghĩa vụ tài chính về đất như việc xác định tổng mức đầu tư dự án có một số chi phí chưa phù hợp hoặc vẫn để các khoản thuế VAT trong tổng chi phí hạ tầng kĩ thuật của chi phí phát triển giả định để tính tiền sử dụng đất theo phương pháp thặng dư, làm phát sinh, bổ sung tiền đất phải nộp; chậm xác định khối lượng, thẩm định dự toán đối với một số hạng mục có giá trị đầu tư tạm tính, không tiến hành các thủ tục về quản lý đất đai, không có hợp đồng thuê đất, dẫn đến không xác định và thu hồi tiền thuê đất kịp thời. Trong đó có dự án xác định tiền sử dụng đất không đúng thời điểm giao đất bàn giao thực tế.
Có 4/16 dự án thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư nhưng chưa thực hiện thủ tục báo cáo hội đồng nhân dân tỉnh thông qua danh mục dự án có sử dụng đất cần lựa chọn nhà đầu tư; thu hồi đất để thực hiện dự án khi chưa tiến hành đầy đủ trình tự thủ tục sắp xếp lại, xử lý tài sản công theo quy định; chậm hoặc chưa tiến hành thủ tục giao đất bàn giao đất trên thực địa cho chủ đầu tư khi đã giải phóng mặt bằng xong; chậm tiến độ do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.
Có 4/16 dự án chủ đầu tư tổ chức thi công khi chưa được cấp giấy phép xây dựng; không thực hiện các thủ tục thăm dò khai thác khoáng sản hoặc đóng cửa mỏ tại khu vực dự án. Trong đó, tại dự án khu dân cư Đại An hai, công ty cổ phần Đại An đang tạm quản lý đất khu vực dự án chưa được lựa chọn chính thức làm chủ đầu tư đã thi công đầu tư công trình hạ tầng kĩ thuật, tiến hành xây dựng nhà trên một số đất vi phạm quy định quản lý, sử dụng đất và trật tự xây dựng…
KIẾN NGHỊ XỬ LÝ KINH TẾ HƠN 110 TỶ ĐỒNG
Trên cơ sở đó Thanh tra chính phủ kiến nghị UBND tỉnh Hải Dương rà soát, thu hồi bổ sung tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa với tổng số tiền tạm tính hơn 50 tỷ đồng.
Trong đó, dự án khu dân cư May I là 293,597 triệu đồng; dự án khu dân cư, nhà ở công nhân và dịch vụ khu công nghiệp Tân Trường 19.774,542 triệu đồng; dự án đầu tư xây dựng khu dân cư mới xã Đoàn Tùng 2.528, 024 triệu đồng; dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu dân cư tập trung thị trấn Thanh Miện 10.147,302 triệu đồng; dự án khu đô thị sinh thái ven sông Thái Bình 5.440,014 triệu đồng; dự án khu đô thị sinh thái Thành công 8.113,248 triệu đồng; dự án khu đô thị Phú Quý 519,179 triệu đồng tiền sử dụng đất và 3.379,672 triệu đồng tiền bảo vệ, phát triển trồng lúa.
UBND tỉnh Hải Dương cũng cần chỉ đạo cục thuế tỉnh đôn đốc các chủ đầu tư nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất còn nợ 29.468 triệu đồng tiền bảo vệ, tiền chậm nộp 5.785 triệu đồng.
Ngoài ra, Thanh tra chính phủ cũng kiến nghị xử lý kinh tế 24.946,059 triệu đồng đối với các dự án đầu tư xây dựng. Đồng thời kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của từng tổ chức cá nhân có liên quan đến các hạn chế, thiếu sót, vi phạm được nêu trong kết luận thanh tra và các biên bản làm việc của đoàn thanh tra trong công tác quản lý đầu tư xây dựng và quản lý sử dụng đất đai. Từ đó, xác định hình thức xử lý nghiêm theo quy định pháp luật…
Theo báo cáo của UBND tỉnh Hải Dương, đến thời điểm thanh tra, trên địa bàn tỉnh còn 26 dự án khu đô thị, dân cư đã được giao đất với tổng diện tích 290,29 ha nhưng chưa được xác định tiền sử dụng đất. Trong đó, có 14 dự án giao đất trước năm 2021. Sau thời gian thanh tra trực tiếp, UBND tỉnh Hải Dương đã từng bước khắc phục: đã phê duyệt giá đất đối với 6 dự án; Sở Tài nguyên môi trường tỉnh đã trình hội đồng thẩm định giá đất tỉnh phương án giá đất đối với 4 dự án, đã thuê đơn vị tư vấn rà soát hoàn thiện phương án giá đất đối với 10 dự án.