Bộ Giao thông vận tải vừa hoàn thiện Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải và lấy ý kiến công khai các bên.
CẮT GIẢM THỜI GIAN, ĐƠN GIẢN HOÁ THỰC HIỆN CÁC THỦ TỤC
Dự thảo đưa ra phương án đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải thể hiện tại Quyết định 1977/QĐ-TTg ngày 24/11/2021 phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Giao thông vận tải. Trong đó có các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải.
Những nội dung sửa đổi, bổ sung tại Nghị định là yêu cầu về cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, quy định của thủ tục hành chính và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và giảm bớt chi phí tuân thủ.
Đáng chú ý, dự thảo Nghị định có ba đề xuất.
Thứ nhất, giảm kinh nghiệm làm việc cho người được bổ nhiệm giữ vị trí phụ trách bộ phận trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải từ “tối thiểu 05 năm” xuống “tối thiểu 03 năm”.
Thứ hai, giảm thời hạn giải quyết thủ tục hành chính từ 10 ngày làm việc xuống 7 ngày làm việc đối với thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khai thác cảng biển; từ 5 ngày làm việc xuống 3 ngày làm việc đối với thủ tục cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khai thác cảng biển.
Thứ ba, bổ sung thêm hình thức của thành phần hồ sơ là “hoặc văn bản điện tử hoặc bản sao điện” đối với thành phần hồ sơ là các giấy tờ yêu cầu là bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu; bổ sung hình thức nộp hồ sơ “qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến”.
GIẢM TẦNG NẤC TRUNG GIAN, CẦN QUY ĐỊNH RÕ RÀNG HƠN
Đóng góp về dự thảo Nghị định này, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đồng tình về tinh thần cải cách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, VCCI cũng bổ sung nhiều vấn đề và đề nghị ban soạn thảo xem xét mở rộng việc sửa đổi các quy định so với các đề xuất tại Quyết định 1977/QĐ-TTG.
Một là, về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 70/2016/NĐ-CP về điều kiện cung cấp dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải theo Điều 1 dự thảo, VCCI đề nghị giảm tầng nấc giải quyết thủ tục hành chính.
Theo VCCI, hiện nay, Chính phủ đang triển khai rà soát để phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính.
Trong đó, xu hướng chủ yếu là phân cấp từ cấp trung ương về địa phương; hoặc từ bộ về các cục quản lý chuyên môn; UBND về các sở chuyên môn hay là giảm các tầng nấc trong giải quyết thủ tục hành chính.
Việc phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính sẽ góp phần đơn giản hóa và giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Vì vậy, để vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vừa đảm bảo tính ổn định của pháp luật đề nghị ban soạn thảo cân nhắc sửa đổi quy định về phân cấp giải quyết thủ tục hành chính ngay tại dự thảo này.
Cụ thể, về thủ tục giao tuyến dẫn tàu, Điều 19 Nghị định 70/2016/NĐ-CP đang thiết kế quy trình thủ tục này theo hướng: công ty hoa tiêu gửi hồ sơ đến Cục Hàng hải Việt Nam. Sau đó, Cục Hàng hải sẽ xem xét thẩm định hồ sơ và xin ý kiến chấp thuận của Bộ Giao thông vận tải.
Vì vậy, VCCI đề nghị ban soạn thảo cân nhắc sửa đổi quy trình thủ tục giao tuyến dẫn tàu theo hướng giảm tầng nấc giải quyết thủ tục hành chính. Khi đó, Cục Hàng hải sẽ là cơ quan thẩm định và ra quyết định mà không cần phải xin ý kiến chấp thuận của Bộ Giao thông vận tải, đồng thời, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính này do bỏ thời gian bộ xem xét và cho ý kiến đối với văn bản xin ý kiến chấp thuận của cục.
Bộ Giao thông vận tải sau khi nhận văn bản xin ý kiến của Cục Hàng hải sẽ có văn bản trả lời. Sau khi nhận được ý kiến chấp thuận của Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng hải sẽ ban hành quyết định giao tuyến dẫn tàu cho công ty hoa tiêu.
Hai là, về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 37/2017/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh khai thác cảng biển, tại Khoản 1 Điều 2 dự thảo quy định hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khai thác cảng biển có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp dưới dạng bản chụp có chứng thực hoặc bản sao chụp kèm bản chính để đối chiếu hoặc văn bản điện tử hoặc bản sao điện tử có giá trị pháp lý.
VCCI đề nghị, ban soạn thảo bỏ yêu cầu phải có giấy tờ này, bởi vì đây là thông tin có thể tra cứu được trong hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Hơn nữa, trong các hồ sơ xin cấp giấy phép, các quy định đang được thiết kế theo hướng không yêu cầu doanh nghiệp phải cung cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mà cơ quan cấp phép sẽ tra cứu trong hệ thống thông tin của Nhà nước.
Ba là, thủ tục thỏa thuận việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cảng biển tạm thời.
Điểm a khoản 6 Điều 3 dự thảo sửa đổi, bổ sung quy trình thủ tục thỏa thuận việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cảng biển tạm thời. Theo đó, để hoàn tất thủ tục thỏa thuận này, quy trình được thực hiện theo nhiều cấp.
Cụ thể, chủ đầu tư nộp hồ sơ tới Cục Hàng hải Việt Nam. Sau đó, Cục Hàng hải sẽ lấy ý kiến của các Cảng vụ Hàng hải khu vực, tiếp đó, báo cáo Bộ Giao thông chấp thuận thỏa thuận việc đầu tư.
Đối với hạ tầng cảng biển tạm thời là bến phao, khu chuyển tải phục vụ phát triển kinh tế – xã hội khu vực, Bộ Giao thông vận tải sẽ gửi lấy ý kiến các UBND cấp tỉnh nơi thiết lập bến phao, khu chuyển tải (nếu cần). Bộ Giao thông vận tải sẽ trả lời Cục Hàng hải. Cục Hàng hải sẽ trả lời doanh nghiệp là chấp thuận hoặc không chấp thuận.
Tương tự góp ý như trên, VCCI đề nghị, ban soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc liệu có phân cấp thẩm quyền được trong trường hợp này không, để giảm các tầng nấc thực hiện thủ tục hành chính. Đồng thời, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính khi đã giảm các tầng nấc thực hiện thủ tục.
Bên cạnh đó, "quy định rõ trong thời hạn UBND tỉnh phải trả lời trong trường hợp được lấy ý kiến, tránh trường hợp thủ tục kéo dài, gây khó khăn trong quá trình thực hiện", VCCI đề nghị.
Ngoài ra, liên quan đến thủ tục gia hạn kết cấu hạ tầng cảng biển tạm thời, theo quy định tai điểm b khoản 6 Điều 3 dự thảo, trường hợp kết cấu hạ tầng cảng biển tạm thời vượt quá thời hạn hoạt động, chủ đầu tư phải có văn bản đề nghị gia hạn kèm theo ý kiến của Cảng vụ Hàng hải khu vực.
Trình tự thủ tục thẩm định tại Cục Hảng hải cũng đi theo các cấp là phải báo cáo của Bộ Giao thông vận tải và sau khi có ý kiến của Bộ thì Cục Hàng hải mới có văn bản trả lời chủ đầu tư.
Tuy nhiên, VCCI cho rằng, hồ sơ xin gia hạn là chưa đủ rõ ràng. Ngoài văn bản đề nghị và ý kiến của Cảng vụ Hàng hải khu vực, chủ đầu tư có phải cung cấp thêm tài liệu gì không? Cảng vụ Hàng hải sẽ cho ý kiến gì trong trường hợp này? Thủ tục để chủ đầu tư xin ý kiến của Cảng vụ Hàng hải như thế nào?