Ngân hàng Nhà nước vừa có báo cáo số 360 /BC-NHNN gửi tới Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khoá XV.
Tại báo cáo, Ngân hàng Nhà nước cho biết những năm qua đã liên tục hoàn thiện cơ sở pháp lý và quyết liệt triển khai các giải pháp ngăn ngừa, xử lý sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định tại các tổ chức tín dụng, sở hữu chéo, cho vay, đầu tư không đúng quy định cùng với quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng.
Luật Các Tổ chức tín dụng 2024 ban hành đã bổ sung các quy định giúp tăng cường ngăn ngừa tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các tổ chức tín dụng.
Trong năm 2023, các đoàn thanh tra của Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng tập trung triển khai thanh tra các nội dung về tỷ tỷ lệ sở hữu cổ phần; mua bán, chuyển nhượng cổ phần của ngân hàng; cấp tín dụng đối với khách hàng/nhóm khách hàng lớn (cho vay, bảo lãnh, L/C, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp). Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đưa nội dung thanh tra hoạt động chuyển nhượng, sở hữu cổ phần, cổ phiếu có thể dẫn đến việc thâu tóm, chi phối tổ chức tín dụng vào Kế hoạch thanh tra năm 2024.
Theo Ngân hàng Nhà nước, những giải pháp trên đã giúp giảm thiểu đáng kể tình trạng sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định tại các tổ chức tín dụng; sở hữu chéo trực tiếp giữa các tổ chức tín dụng với nhau và giữa tổ chức tín dụng với doanh nghiệp chủ yếu phát sinh trước khi Luật Các Tổ chức tín dụng năm 2010 có hiệu lực.
“Việc cổ đông, cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định chủ yếu còn tại các Tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước; vấn đề này cần được Chính phủ tiếp tục chỉ đạo xử lý để doanh nghiệp nhà nước tập trung vốn cho hoạt động kinh doanh chính và sử dụng vốn có hiệu quả hơn”, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước nêu.
Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ ra những rủi ro tiềm ẩn và khe hở của pháp luật khiến các cổ đông có thể lợi dụng để lách luật nhằm chi phối hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Thứ nhất, một số tổ chức tín dụng có mức độ tập trung sở hữu cổ phần tại một số cổ đông và người liên quan, mặc dù không vi phạm quy định của pháp luật nhưng cần quan tâm lưu ý nhằm ngăn ngừa những rủi ro tiềm ẩn có thể xảy ra.
Thứ hai, việc phát hiện mối liên quan giữa các doanh nghiệp còn hạn chế do thông tin để xác định tính liên quan về sở hữu của các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp không phải là công ty đại chúng rất khó khăn, Ngân hàng Nhà nước không chủ động được việc tra cứu thông tin cũng như xác định độ chính xác, tin cậy của các nguồn thông tin; đặc biệt trong bối cảnh thị trường chứng khoán, công nghệ phát triển nhanh như hiện nay.
Thứ ba, sở hữu chéo liên quan đến nhiều đối tượng thuộc sự quản lý của các bộ/ngành, tuy nhiên, đối tượng quản lý của Ngân hàng Nhà nước chỉ là các tổ chức tín dụng nên việc sở hữu giữa các công ty trong lĩnh vực khác Ngân hàng Nhà nước không có thông tin cũng như công cụ để kiểm soát.
Việc kiểm soát sở hữu chéo giữa các công ty ngoài ngành với ngân hàng rất khó khăn trong trường hợp cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông lớn cố tình che giấu, nhờ cá nhân/tổ chức khác đúng tên hộ số cổ phần sở hữu để lách quy định của pháp luật về sở hữu chéo/sở hữu vượt mức quy định hoặc lách quy định về giới hạn cấp tín dụng nhóm khách hàng liên quan, tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông và người có liên quan. Điều này dẫn tới tiềm ẩn nguy cơ hoạt động của tổ chức tín dụng thiếu công khai, minh bạch. Đồng thời, việc này chỉ có thể được phát hiện và nhận diện thông qua công tác điều tra, xác minh của cơ quan điều tra theo quy định của pháp luật.
Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm việc giám sát an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng. Qua công tác thanh tra về vốn, tình hình sở hữu cổ phần của tổ chức tín dụng, hoạt động đầu tư, góp vốn... trường hợp phát hiện rủi ro, vi phạm, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo tổ chức tín dụng xử lý các tồn tại nhằm ngăn ngừa rủi ro. Đối với các trường hợp phát hiện có dấu hiệu của tội phạm, Ngân hàng Nhà nước xem xét chuyển cơ quan công an điều tra, làm rõ hành vi vi phạm pháp luật (nếu có) để xử lý nhằm ngăn ngừa rủi ro.
Ngân hàng Nhà nước kiến nghị các bộ, ban ngành, đơn vị chủ quản của doanh nghiệp cần quan tâm chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện việc đầu tư, góp vốn mua cổ phần tại các tổ chức tín dụng tuân thủ quy định, sử dụng nguồn vốn đi vay, đặc biệt vốn vay từ các tổ chức tín dụng đúng mục đích, hiệu quả, đảm bảo an toàn và trả nợ đúng hạn cho các tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục rà soát nghiên cứu tham mưu sửa đổi, bổ sung văn bản liên quan đến cổ đông, sở hữu cổ phần của tổ chức tín dụng để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm triển khai Luật Các Tổ chức tín dụng năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7 vừa qua.