Theo biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) giai đoạn 2020 – 2022, thuế suất thuế nhập khẩu của nhiều loại xe ô tô có xuất xứ từ lãnh thổ thành viên Liên minh châu Âu (EU), Vương quốc liên hiệp Anh và Bắc Ireland, Công quốc Andorra và Cộng hoà San Marino sẽ bắt đầu giảm đáng kể từ ngày 1/1/2021.
GIẢM THUẾ NHẬP KHẨU Ô TÔ XUẤT XỨ TỪ CHÂU ÂU
Cụ thể, biểu thuế ban hành kèm theo Nghị định 111/2020/NĐ-CP của Chính phủ cho biết, các dòng xe xuất xứ từ châu Âu hiện đang áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu 70,9% sẽ giảm xuống còn 63,8% từ ngày 1/1/2021. Các dòng xe có thuế suất hiện hành 70,2% sẽ giảm xuống còn 62,4%. Một số dòng xe đang chịu mức thuế suất thuế nhập khẩu 67,2% sẽ giảm xuống còn 60,5%.
Cũng theo lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu tại biểu thuế nêu trên, các mức thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ châu Âu sẽ tiếp tục giảm xuống kể từ ngày 1/1/2022. Các mức thuế suất phổ biến áp dụng trong năm 2020 sẽ từ 53,8% đến 56,7%.
Một số loại xe chuyên dụng hoặc xe có tính năng đặc biệt hiện đang hưởng các mức thuế suất thuế nhập khẩu thấp sẽ có tỷ lệ giảm nhỏ hơn. Chẳng hạn, thuế suất thuế nhập khẩu xe cứu thương sẽ giảm lần lượt xuống còn 12,2% vào năm 2021 và giảm tiếp còn 10,9% vào năm 2022 so với mức thuế suất hiện hành 13,6%...
Đa số các loại xe được hưởng tỷ lệ giảm thuế khá cao đều là những dòng xe ô tô du lịch được nhập khẩu phổ biến về Việt Nam từ nhiều năm nay.
GIÁ XE THAY ĐỔI THẾ NÀO?
Như vậy, có thể thấy rằng tỷ lệ giảm thuế đối với nhiều dòng xe ô tô nhập khẩu có xuất xứ từ châu Âu là khá cao, giảm phổ biến ở các mức 6,7% đến 7,1% và 7,8% so với các mức thuế suất hiện hành.
Đáng chú ý là đa số các loại xe nhập khẩu từ châu Âu đều nằm trong nhóm các thương hiệu ô tô hạng sang đến siêu sang và siêu xe thể thao. Có thể điểm danh một loạt các thương hiệu ô tô cao cấp đang hiện diện và được ưa chuộng tại Việt Nam như Acura, Audi, BMW, Mercedes, Jaguar, Land Rover, Lexus, Maserati, Volvo hay các loại siêu xe như Bentley, Mercedes-Maybach, Lamborghini hay Rolss-Royce.
Bên cạnh đó, một số thương hiệu xe nhập khẩu châu Âu khác dù chưa được định vị đến các phân khúc hạng sang hay siêu xe cũng đều có giá trị rất cao như Peugeot, Renault hay Volswagen …
So với hầu hết các loại xe ô tô phổ thông có xuất xứ từ châu Á như Toyota, Honda, Subaru, Mitsubishi… thì đa số xe nhập khẩu châu Âu đều có giá trị cao hơn rất nhiều. Do đó, việc giảm thuế nhập khẩu được cho là sẽ có tác động đáng kể lên mặt bằng giá bán lẻ của nhiều loại xe hạng sang, xe cao cấp.
Nếu tính toán dựa trên "công thức" đơn thuần, giả sử một chiếc xe hạng sang trang bị động cơ dung tích xi-lanh trên 3.0 lít có giá khai báo hải quan 2 tỷ đồng đang chịu mức thuế suất thuế nhập khẩu 70,2% thì kể từ ngày 1/1/2021, khi thuế suất giảm xuống còn 62,4% (giảm 7,8%), giá bán lẻ của chiếc xe này trên lý thuyết sẽ được giảm khoảng 156 triệu đồng.
Tuy nhiên, trên thực tế thì mặt bằng giá bán lẻ ô tô nhập khẩu từ châu Âu sẽ khó giảm sâu đến như vậy. Lý do nằm ở cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ô tô nhập khẩu.
Cụ thể là theo Nghị định 108/2015/NĐ-CP ngày 28/10/2015 của Chính phủ, kể từ ngày 1/1/2016, thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng với mặt hàng ô tô chở người dưới 24 chỗ ngồi sẽ được tính trên GIÁ BÁN của nhà nhập khẩu.
Chi tiết hơn, Nghị định 108 quy định "giá làm căn cứ tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá bán của cơ sở nhập khẩu nhưng không được thấp hơn 105% giá vốn xe nhập khẩu. Giá vốn xe nhập khẩu bao gồm: Giá tính thuế nhập khẩu cộng (+) thuế nhập khẩu (nếu có) cộng (+) thuế tiêu thụ đặc biệt tại khâu nhập khẩu. Trường hợp giá bán của cơ sở nhập khẩu ô tô dưới 24 chỗ ngồi thấp hơn 105% giá vốn xe nhập khẩu thì giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá do cơ quan thuế ấn định theo quy định của pháp luật về quản lý thuế".
Như vậy, có thể hiểu đơn giản là dựa trên cách tính thuế mới, thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ áp dụng ở mức giá tính thuế tối thiểu bằng 105% so với giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt theo cách tính trước thời điểm 1/1/2016.
Còn một cách hiểu khác là thuế tiêu thụ đặc biệt được tính trên giá bán xe, nghĩa là đã bao gồm cả các loại chi phí khác lẫn lợi nhuận của doanh nghiệp.
Với cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt mới, đại diện một nhà nhập ô tô hạng sang xuất xứ từ châu Âu cho rằng trên thực tế, với tỷ lệ giảm thuế nhập khẩu theo EVFTA, giá bán lẻ của ô tô sẽ chỉ giảm bằng khoảng một nửa so với với số tiền giảm tương ứng với tỷ lệ giảm thuế.
Chẳng hạn với ví dụ nêu trên, chiếc xe có giá khai báo hải quan 2 tỷ đồng, nếu theo cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt cũ, giá xe sẽ giảm khoảng 156 triệu đồng. Thế nhưng, theo cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt mới, mức giảm giá xe sẽ chỉ vào khoảng trên 70 triệu đồng.
Theo lý giải của vị doanh nhân này, do thuế tiêu thụ đặc biệt tính trên giá bán (tức là tính trên cả lợi nhuận của doanh nghiệp) nên sẽ đẩy doanh nghiệp đến tình huống phải nâng mức lợi nhuận dự tính trên từng chiếc xe nhập khẩu lên ít nhất 50%, thường là gấp đôi so với trước đây.
Cũng theo vị doanh nhân này, với cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt có hiệu lực từ 2016, các loại xe có giá trị càng cao thì tỷ lệ giảm giá bán lẻ nhờ giảm thuế sẽ càng ít đi. Lý do là các loại xe này luôn có các chi phí kinh doanh, kho vận, nhà xưởng, hoa hồng bán hàng… lớn trong khi tỷ suất lợi nhuận cũng luôn cao hơn các loại xe khác bởi sản lượng nhỏ giọt.
XE SANG KHÓ GIẢM GIÁ
Một điểm đáng lưu ý nữa là hầu hết các loại xe "lai" kể cả mid-hybrid hay plug-in hybrid… đều không nằm trong diện được điều chỉnh thuế theo biểu thuế thực hiện EVFTA. Theo đó, thuế nhập khẩu các loại xe này vẫn sẽ giữ nguyên như hiện hành hoặc có thể theo lộ trình cắt giảm thuế quan rất chậm quy định tại các cam kết thương mại khác mà Việt Nam đang tham gia WTO hay EFTA.
Vấn đề nằm ở chỗ, kể từ năm 2021, các loại xe nhập khẩu từ châu Âu sẽ có tỷ lệ xe lai tăng lên rất nhanh. Điều này không phụ thuộc vào các nhà nhập khẩu mà phụ thuộc vào các nhà sản xuất ô tô tại châu Âu.
Lý do là hiện nay, các hãng ô tô tại châu Âu đang phải chạy đua với thời gian để đáp ứng các quy định mới về khí thải ô tô của Liên minh châu Âu (EU). Từ đó, những hãng xe lớn như BMW, Audi, Mercedes-Benz hay Jaguar Land Rover… đều đang cấp tập áp dụng các công nghệ thân thiện với môi trường lên các dòng xe mới, chủ yếu là công nghệ hybrid.
Ngay tại thị trường Việt Nam, không ít các mẫu xe hạng sang được nhập khẩu về nước từ cuối năm 2019 đã trang bị công nghệ hybrid. Thậm chí, theo thông tin từ đại diện một hãng xe sang lớn, tất cả các mẫu xe mới được nhập khẩu về Việt Nam từ năm 2021 sẽ đều là xe "lai".
Vì vậy, viễn cảnh xe hạng sang giảm giá nhờ giảm thuế nhập khẩu sẽ không có nhiều sáng sủa.