Ngay sau khi nhận được công văn của Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) về việc nhãn hàng của doanh nghiệp đang có quảng cáo trong các clip mang nội dung phản động, chống phá nhà nước trên YouTube, nhiều nhãn hàng cho VnEconomy biết đã dừng quảng cáo trên Youtube và sẽ siết chặt quảng cáo trên kênh này.
Ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu
Phản hồi về vụ việc quảng cáo xuất hiện trên video có nội dung xấu độc của Youtube, FPT Shop - một trong những nhãn hàng đã nhận được công văn trên của Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử - cho biết, khi phát hiện quảng cáo của công ty bị chèn vào clip có nội dung độc hại, FPT Shop đã kiểm tra và xác định mẫu quảng cáo này là do nhãn hàng Honor tự chạy từ ngày 22/1/2019 và đã kết thúc vào ngày 28/2/2019, có dẫn link về trang web của FPT Shop, bởi FPT Shop là đại lý bán hàng của nhãn hàng này.
"Đây là quảng cáo của hãng sản xuất nên nằm ngoài sự kiểm soát của chúng tôi", đại diện FPT Shop cho biết.
Công ty Cổ phần VNG cho biết đã nhận được cảnh báo từ Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử về việc nội dung quảng cáo cho 21 nhãn hàng, trong đó có PUBG (một tựa game của hãng) xuất hiện trên các clip thông tin xấu độc.
Theo VNG, trước đây, công ty đã nhiều lần trao đổi với Google về việc ngăn chặn phân phối nội dung quảng cáo của PUBG Mobile nói riêng và các sản phẩm của VNG nói chung trên những Channel YouTube có nội dung xấu, đặc biệt là những kênh/video có tính chất phản động.
Công ty này cho biết, do nhận biết được những điểm yếu trong cơ chế hiển thị quảng cáo random của YouTube và Google, nên bản thân VNG đã tự tổng hợp một danh sách "loại trừ quảng cáo" ra khỏi hàng trăm kênh có nội dung xấu. Danh sách này được doanh nghiệp cập nhật liên tục và gửi sang đối tác quảng cáo/Google/YouTube thường xuyên. Vì vậy, thời gian qua, tần suất xuất hiện quảng cáo của sản phẩm PUBG Mobile trên các trang có nội dung xấu là rất ít.
Tuy nhiên, VNG cho biết, do việc quản lý nội dung các kênh của Youtube còn nhiều bất cập, nên các kênh xấu độc mới vẫn mọc lên liên tục và với tốc độ rất nhanh. Bên cạnh đó, Youtube vẫn chủ động phân phối quảng cáo trên các Channel có nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của thương hiệu, của doanh nghiệp quảng cáo trên Google Ads Platform.
"Chúng tôi đã yêu cầu chính thức Google không được hiển thị quảng cáo của sản phẩm PubG Mobile cũng như toàn bộ các sản phẩm của VNG trên những kênh vi phạm, đồng thời đình chỉ mọi quảng cáo của PUBG Mobile trên hệ thống của Google cho tới khi phía Google có phản hồi chính thức về vấn đề này. Chúng tôi cũng xem xét mở rộng việc đình chỉ ra toàn bộ các sản phẩm khác nếu tình trạng tương tự còn tái diễn", VNG cho biết.
Cần có công cụ mạnh tay hơn
Về thông tin quảng cáo trên các trang có nội dung xấu, ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam cho biết, ngay khi nhận được thông tin, Shopee đã yêu cầu Google - đối tác quảng cáo cung cấp danh sách những trang quảng cáo phù hợp.
Ngoài ra, để kiểm soát chặt chẽ hơn, Shopee cũng chủ động rà soát, gỡ bỏ và kịp thời cảnh báo cho các đối tác cung cấp dịch vụ nhằm bảo đảm hoạt động quảng cáo một cách phù hợp với các qui định pháp luật hiện hành.
Cũng theo ông Trần Tuấn Anh, việc kiểm tra, rà soát và ngăn chặn quảng cáo trên các trang quảng cáo không phù hợp là một trong những nội dung mà Shopee thực hiện thường xuyên trong suốt thời gian qua. Công ty cũng có cơ chế và biện pháp kiểm tra, xử lí kịp thời và gỡ bỏ quảng cáo trên các kênh vi phạm khi nhận được phản ánh có căn cứ xác thực từ các đơn vị/tổ chức có liên quan.
Đại diện FPT Shop cho biết, trong thời gian tới, công ty sẽ siết chặt hơn nữa việc hợp tác quảng cáo nói chung và quảng cáo trực tuyến nói riêng với tất cả các đối tác.
Ở góc độc quản lý, công ty VNG bày tỏ mong muốn cơ quan quản lý sẽ có những giải pháp và công cụ mạnh tay hơn để để bảo vệ uy tín và quyền lợi chính đáng cho các thương hiệu, doanh nghiệp - đều là nạn nhân của kênh bẩn và sự không chặt chẽ của Youtube trong kiểm duyệt nội dung, chẳng hạn như kiên quyết yêu cầu Google/Youtube gỡ bỏ các kênh có nội dung xấu, hoặc cập nhật một danh sách kênh xấu (hàng ngày, hàng tuần) công khai để doanh nghiệp có thể tự mình "loại trừ quảng cáo" trên tất cả những kênh này.