Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội thông tin về tình hình người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp tháng 3/2025 trên địa bàn, cho thấy nhiều nhóm lao động vẫn đối mặt với nguy cơ thất nghiệp cao.
LAO ĐỘNG PHỔ THÔNG ĐỐI DIỆN NGUY CƠ THẤT NGHIỆP CAO
Trong tháng 3/2025, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tiếp nhận 4.978 hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp, tăng 1,4 nghìn trường hợp so với tháng trước, và giảm 493 trường hợp so với cùng kỳ năm trước; thẩm định và ra quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 5.198 trường hợp, tăng 1.740 hồ sơ so với tháng 2 (3.458 hồ sơ), và tăng 727 hồ sơ so với cùng kỳ năm 2024. Số tiền hỗ trợ 201,4 tỷ đồng.
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, đây là mức tăng mạnh, phản ánh thực tế rằng một bộ phận lao động sau Tết vẫn gặp khó khăn trong quá trình tái hòa nhập thị trường lao động.
Trên cơ sở khảo sát, thu thập thông tin 5.198 hồ sơ có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội nhận thấy nhóm lao động trẻ từ 25-34 tuổi tiếp tục đối diện nguy cơ thất nghiệp cao.
Nhóm tuổi 25-34 chiếm tỷ lệ 42,79% trong tháng 3, tăng nhẹ so với 40,44% của tháng 2/2025, và tăng đáng kể so với 39,32% của tháng 1.
Điều này khẳng định nhóm lao động trẻ vẫn là nhóm có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất và gặp nhiều khó khăn trong việc ổn định việc làm sau Tết. Nhóm 35-54 tuổi cũng chiếm tỷ lệ cao (46,26% trong tháng 3), tăng nhẹ so với tháng 2, nhưng giảm so với tháng 1 (50,61%).
Đáng chú ý, lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật có số người hưởng tăng cao. Đây là điểm đáng báo động nhất trong tháng 3. Tỷ lệ lao động không có chuyên môn kỹ thuật tăng mạnh lên 56,85%, cao hơn rất nhiều so với 40,08% của tháng 2 và 46,88% của tháng 1.
“Sự gia tăng đột biến này cho thấy nhóm lao động phổ thông đang đối mặt với thách thức cực kỳ lớn, và là nhóm dễ bị tổn thương nhất trên thị trường lao động hiện tại”, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, nhận định.
Ngược lại với nhóm không có chuyên môn kỹ thuật, tỷ lệ lao động có trình độ đại học trở lên thất nghiệp trong tháng 3 là 33,39%, giảm đáng kể so với 40,63% của tháng 2 và 40,54% của tháng 1. Điều này cho thấy nhóm lao động có trình độ cao hơn có lợi thế rõ rệt trong việc tìm lại việc làm sau giai đoạn biến động.
NGUYÊN NHÂN KHIẾN NGƯỜI LAO ĐỘNG THẤT NGHIỆP
Phân tích về nguyên nhân thất nghiệp của người lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết với nhóm “hết hạn hợp đồng hoặc hai bên thỏa thuận” chiếm 22,73% trong tháng 3, tương đương với 22,45% của tháng 2, nhưng cao hơn nhiều so với 12,51% của tháng 1. Nhóm “người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng” chiếm 31,28% trong tháng 3, tăng so với 27,88% của tháng 2, song giảm so với 36,15% của tháng 1.

Các nguyên nhân như doanh nghiệp thu hẹp, giải thể, hoặc bị xử lý kỷ luật, sa thải, chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tháng 3, tương tự các tháng trước. Còn nhóm mất việc do nguyên nhân khác chiếm khoảng 45,78% trong tháng 3, giảm nhẹ so với 49,1% của tháng 2 và 50,80% của tháng 1. Tỷ lệ này vẫn rất cao, cho thấy sự biến động và các lý do nghỉ việc đa dạng như chuyển đổi, lý do cá nhân…vẫn phổ biến.
Bên cạnh đó, một số ngành nghề có nguy cơ thất nghiệp cao dựa trên tỷ trọng lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp gồm: Công nghệ thông tin - viễn thông. Tỷ lệ lao động thất nghiệp ngành này trong tháng 3 là 39,62%, tăng nhẹ so với 38,24% của tháng 2, nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với mức đỉnh điểm 57,75% của tháng 1.
Xu hướng cắt giảm nhân sự xuất phát từ nhiều nguyên nhân, như yêu cầu kỹ năng ngày càng cao, các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI) hay điện toán đám mây, cùng với sự dịch chuyển lao động sang các thị trường có nhu cầu cao hơn, khiến tình trạng thất nghiệp trong ngành có những biến động nhất định.
Dệt may – da giày - dệt nhuộm chiếm 6,34% tổng số lao động thất nghiệp trong tháng 3, giảm so với 8,31% của tháng 2 và 10,47% của tháng 1. Điều này cho thấy tình hình việc làm đang dần cải thiện, có thể do đơn hàng phục hồi hoặc doanh nghiệp đã ổn định lại sản xuất sau Tết. Đây là một điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh chung.
Với ngành tài chính - ngân hàng - kế toán - kiểm toán, tỷ lệ thất nghiệp ngành này tăng vọt lên 24,41% trong tháng 3, cao gấp đôi so với 11,64% của tháng 2 và cao gấp hơn 5 lần so với 4,65% của tháng 1. Đây là ngành có biến động tiêu cực mạnh nhất trong tháng 3, cho thấy sự bất ổn hoặc tái cơ cấu đang diễn ra mạnh mẽ.
Với số lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng mạnh trong tháng 3, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết đã thực hiện tư vấn, hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho trên 3,9 nghìn người lao động, hỗ trợ học nghề cho 81 người với số tiền 321,7 triệu đồng.
Theo ông Vũ Quang Thành, có thể thấy chính sách bảo hiểm thất nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định thị trường lao động và đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động, thông qua các biện pháp hỗ trợ tài chính, tư vấn giới thiệu việc làm cho lao động thất nghiệp và hỗ trợ đào tạo, nâng cao tay nghề, giúp người lao động sớm trở lại thị trường.