Mới đây, ngành du lịch Thái Lan đã bày tỏ kỳ vọng việc Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Bangkok vào tháng 11 tới sẽ giúp thúc đẩy lượng khách Trung Quốc đến Thái Lan. Theo tờ Bangkok Post, ông Phiphat Ratchakitprakan, Bộ trưởng Du lịch và Thể thao Thái Lan tin rằng 1,5 triệu lượt khách Trung Quốc sẽ đến Thái Lan vào tháng 12, nếu Trung Quốc cho phép người dân đi du lịch nước ngoài. Theo kịch bản này, Thái Lan sẽ đón 12 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2022.
Theo ông Ratchakitprakan, hiện các chuyến bay giữa Thái Lan và miền Nam của Trung Quốc đã tăng lên 15 chuyến mỗi tuần, so với chỉ 7 chuyến/tuần trước đó, với hầu hết hành khách là sinh viên và doanh nhân. Ngoài ra, việc Hong Kong (Trung Quốc) và Đài Loan (Trung Quốc) dần nới lỏng các quy định cũng được kỳ vọng sẽ mang đến nguồn khách lớn. Năm 2018, Thái Lan đón khoảng 16,9 triệu lượt du khách Trung Quốc, nhóm khách này đã đóng góp 16,1 tỷ USD vào nền kinh tế xứ Chùa Vàng.
Còn theo nhà sáng lập Công ty lữ hành Oriental Travel and Tours (Singapore), ông Stanley Foo, từ khi Singapore mở cửa biên giới trở lại vào tháng 4, đã có một “làn sóng” du khách Ấn Độ. Tuy nhiên, thành phố này cũng từng đón 1,4 triệu lượt khách Ấn vào năm 2019 nên việc quay trở lại của khách Ấn theo cách nói của Stanley Foo là không có gì bất thường. Trong khi đó, thay đổi lớn nhất ở quốc đảo này là lượng khách du lịch Trung Quốc sụt giảm thê thảm.
Tại Singapore, trong số 1,5 triệu du khách được ghi nhận trong nửa đầu năm nay, 282.000 khách đến từ Indonesia và 219.000 từ Ấn Độ và chỉ có khoảng 17.000 đến từ Trung Quốc - khác xa so với 3,6 triệu công dân Trung Quốc đã đến thăm thành phố này vào năm 2019.
Theo tờ SCMP, không chỉ Singapore, sự vắng mặt của khách du lịch từ Trung Quốc đến hầu hết các nước ở khu vực Đông Nam Á chủ yếu do chính sách “zero Covid” nghiêm ngặt của Bắc Kinh. Hầu hết các biên giới bị đóng cửa với quốc gia này đều "cảm nhận sâu sắc" sự vắng bóng của khách Trung Quốc trên toàn khu vực. Indonesia từ chỗ đón hơn 2 triệu khách Trung Quốc vào năm 2019 đã tụt xuống còn khoảng 20.000 trong năm nay.
Trước Covid-19, Hàn Quốc, quê hương của Kpop và ngành công nghiệp mỹ phẩm tiên tiến, thu hút người Trung Quốc với tốc độ chóng mặt. Năm 2018, xứ kim chi thu hút 4,8 triệu du khách Trung Quốc, tăng 15% so với năm 2017 và thu về khoảng 8,9 tỷ USD, theo tính toán của Bloomberg dựa trên dữ liệu của chính phủ về chi tiêu. Tuy nhiên, hiện mọi thứ đã rất khác xưa.
“Trước đại dịch, gần 70% tổng số du khách Trung Quốc đến Hàn Quốc thông qua các gói du lịch theo nhóm. Giờ đây, doanh thu là con số 0 tròn trĩnh. Tôi từng chứng kiến nhiều người bỏ việc và chuyển sang nghề giao hàng”, Cho Il-sang, công ty du lịch lớn nhất Hàn Quốc đại diện Hana Tour Service Inc., nói.
Hiện biên giới Trung Quốc vẫn đóng cửa. Ước tính 140 triệu du khách nước này không thể đi du lịch trong khu vực. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), vào năm 2019, trước khi bùng phát dịch Covid-19, 154,6 triệu người Trung Quốc đại lục đã đi du lịch nước ngoài. Còn theo công ty tư vấn bất động sản JLL, du khách Trung Quốc chiếm 40% lượng du khách ở châu Á - Thái Bình Dương trước đại dịch.
Ông Koichiro Obu, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường châu Á - Thái Bình Dương của công ty quản lý tài sản DWS (Đức), nhận định sự phục hồi của lĩnh vực khách sạn đang bị trì trệ do thiếu du khách Trung Quốc. "90% du khách Trung Quốc từng đi du lịch trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Số lượng du khách nước này ra nước ngoài đã tăng ít nhất 10 triệu người mỗi năm, vì vậy có thể thấy rằng họ là động lực chính của tăng trưởng", ông Koichiro cho biết. "Chúng tôi không thấy thị trường sẽ phục hồi hoàn toàn trong năm tới, tôi nghĩ rằng sớm nhất là năm 2024".
Tương tự, sự phục hồi hoàn toàn của ngành khách sạn Hồng Kông có thể sẽ mất từ 2 - 3 năm. Chính quyền Hồng Kông vừa quyết định chấm dứt yêu cầu cách ly bắt buộc 3 ngày đối với khách nhập cảnh vào Hồng Kông kể từ ngày 26/9 nhưng vẫn duy trì các biện pháp kiểm dịch khác, bao gồm xét nghiệm Covid-19 nhiều lần.
Quyết định này có thể là tin không vui đến nhiều khách sạn vì hai năm qua, họ “sống” nhờ lượng khách cách ly bắt buộc. Trong khi việc nới lỏng các hạn chế du lịch dự kiến sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ lấp đầy phòng của các khách sạn ở Hồng Kông vì thị trường lưu trú phục vụ nhu cầu du lịch tại chỗ có khả năng bị ảnh hưởng khi người dân Hồng Kông chọn phương án đi du lịch và nghỉ ngơi ở nước ngoài.
Ngân hàng Goldman Sachs Group Inc. dự đoán việc Trung Quốc đóng cửa biên giới có thể kéo dài tới mùa xuân năm 2023 bởi tốc độ lây nhiễm thường cao hơn vào mùa đông. Không chỉ ảnh hưởng tới tốc độ khôi phục du lịch tại châu Á, đây là một rắc rối lớn đối với các điểm du lịch trên toàn thế giới. Theo Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên Hợp Quốc (UNWTO), du khách Trung Quốc đã chi 277 tỷ USD ở nước ngoài vào năm 2018 và 255 tỷ USD vào năm 2019, chiếm gần 20% tổng chi tiêu du lịch quốc tế.
“Chúng tôi không thể dự đoán được khi nào sẽ gặp lại những vị khách Trung Quốc. Ngay cả khi biên giới mở lại và không cần cách ly, du lịch cần thời gian để phục hồi hoàn toàn vì sẽ chỉ có nhóm nhỏ du khách cất cánh ngay lập tức”, Imke Wouters, đối tác công ty tư vấn quản lý Oliver Wyman, chia sẻ.