Những thông tin xấu nhất liên quan đến vĩ mô thế giới và trong nước đã phản ánh toàn bộ vào thị trường 6 tháng đầu năm 2022. VN-Index đã có những nhịp rớt sâu khiến nhiều nhà đầu tư cá nhân và cả kể quỹ ngoại lỗ chỏng vó.
Tuy nhiên, trong tháng 7, gần về cuối tháng thị trường quay đầu đảo chiều tăng trở lại. Kết thúc phiên tháng 7, VN-Index phục hồi ở mức 1.206 điểm, tương đương mức tăng 0,7%.
Và từ đầu tháng 8 đến nay, chỉ số đã có tuần tăng thứ 5 liên tiếp, đang chạm mốc 1.260 điểm. Nhờ đó, nhiều quỹ ngoại bắt đầu báo lãi trong tháng 7 vừa qua, dù mức lãi khiêm tốn song với mức hồi phục tốt của chỉ số hiện tại, dự báo tháng 8 sẽ là một tháng lấy lại phong độ cho các quỹ ngoại.
Cụ thể, Lumen Vietnam Fund báo lỗ 7,86% trong tháng 6, tuy nhiên tháng 7 vừa qua quỹ này bất ngờ báo hiệu suất tăng 2,65%. Nhờ đó, tính từ đầu năm đến nay, hiệu suất quỹ âm 14,88%, giảm đáng kể so với con số của cuối tháng 6 là 15,7%.
Top 10 cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục của Lumen Vietnam Fund gồm FPT; VHM; CTG; HCM; HPG; CTR; VRE, NLG, BVH; LPB. Trong đó có nhiều cổ phiếu đã hồi phục khá tốt trong tháng 7 vừa qua như CTG, BVH; HCM; VRE....
Xét theo nhóm ngành, ngân hàng và dịch vụ tài chính hiện chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục của Lumen Vietnam Fund; tiếp theo là bất động sản, sản xuất chế biến, năng lượng....
Trong bối cảnh thị trường giảm sâu từ tháng 4 đến tháng 6, Lumen Vietnam Fund cho rằng đây là thời điểm tuyệt vời cho các nhà đầu tư dài hạn mua vào. Các cơ quan quản lý Việt Nam đang ưu tiên các giải pháp ổn định và phát triển thị trường chứng khoán. Trước mắt, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu HOSE và HNX tiếp tục công bố dữ liệu giao dịch của tự doanh công ty chứng khoán.
Hoạt động tích cực hơn trong tháng 7 vừa qua cũng cần phải nhắc đến Vietnam Holding Limited. Trong tháng 6, quỹ này đã ghi nhận hiệu suất âm 6% lũy kế 6 tháng đầu năm âm 16%. Tuy nhiên, tháng 7 quỹ "lội ngược dòng" tăng 3,2%, hiệu suất từ đầu năm nhờ đó chỉ còn âm khoảng 14%.
Trong khi đó, một quỹ thuộc Dragon Capital là Vietnam Equity Fund (VEF) ghi nhận hiệu suất dương 4,04% trong vòng một tháng trở lại đây. Hiệu suất từ đầu năm nhờ đó chỉ còn âm 19,14%. Trước đó, vào thời điểm tháng 6, quỹ này ghi nhận hiệu suất âm 7,76% và 6 tháng đầu năm âm 23%.
Đối với trường hợp Vaneck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF), một trong những quỹ ETF lâu đời và lớn nhất thị trường Việt Nam với danh mục 369 triệu USD, đã ghi nhận hiệu suất danh mục dương 0,87% trong tháng vừa qua.
Mới đây, báo cáo hiệu suất đầu tư tháng 7, PYN Elite Fund cũng đã ghi nhận tăng 0,9% nhờ ACV, MBB và CTG. Tính từ đầu năm, hiệu suất của PYN Elite âm 19,3% và Vn-Index đã âm 19,5%.
Top 10 cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục của quỹ đến từ Phần Lan vẫn là những cái tên quen thuộc như: CTG, VHM, VEA, VRE, TPB, MBB, HDB, KHD, SCS. Trong khi ACV, NLG, KDC là công thần giúp quỹ lội ngược dòng hiệu suất dương thì TPB, MIG, VHM lại là ba tội đồ kéo sự sụt giảm hiệu suất của quỹ.
Về vĩ mô, tăng trưởng GDP đã mạnh mẽ trong quý 2, nhưng các số liệu vĩ mô của tháng 7 cho thấy sự phát triển thậm chí còn mạnh mẽ hơn trong quý 3. Sản xuất công nghiệp tăng 11,2%, xuất khẩu tăng 8,9%, đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 20%. Thương mại bán lẻ tăng trưởng đáng kể, 42,6% so với cùng kỳ năm ngoái và hiện đã cao hơn 12% so với mức tháng 7 năm 2020 và cao hơn 18% so với mức tháng 7 năm 2019.
Doanh thu của ngành du lịch tăng 3451% so với cùng kỳ năm ngoái và đã bằng 82% so với mức tháng 7 năm 2019. Mặc dù tốc độ tăng trưởng mạnh, lạm phát vẫn ổn định ở mức 3,14%. Áp lực lạm phát thậm chí còn suy yếu khi giá nhiên liệu giảm.
Pyn Elite Fund đánh giá, P/E của VN-Index cho năm 2022 hiện là 11,1 ở mức thấp đáng kinh ngạc so với mức 15,4 của chỉ số MSCI ACWI World. MSCI ACWI là thước đo dựa trên thị trường chứng khoán của 47 quốc gia.