Hàng loạt vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội đã được các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp chỉ rõ tại Hội nghị toàn quốc triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” do Bộ Xây dựng tổ chức ngày 22/2.
ĐẤT DÀNH CHO NHÀ Ở XÃ HỘI TĂNG THÊM 5.031HA
Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện Đề án, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, tính đến nay, cả nước hiện đã quy hoạch 1.249 khu đất với quy mô 8.390ha làm nhà ở xã hội, tăng thêm 5.031ha so với năm 2020.
Trong giai đoạn từ năm 2021 đến hết năm 2023, trên địa bàn cả nước có 499 dự án nhà ở xã hội được triển khai với quy mô hơn 411.250 căn. Trong đó, đã hoàn thành 71 dự án với quy mô 37.868 căn; khởi công xây dựng 127 dự án với quy mô hơn 107.896 căn; được chấp thuận chủ trương đầu tư 301 dự án với quy mô khoảng 265.486 căn.
Về nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ, hiện nay đã có đã có 27 địa phương công bố danh mục 63 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhu cầu vay vốn hơn 27.966 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, có 05 dự án tại 05 địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 416 tỷ đồng….
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhận định: chúng ta đều mong muốn, kỳ vọng vào một kết quả tích cực trong việc triển khai Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn nhà ở xã hội. Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận việc triển khai Đề án vẫn còn rất nhiều khó khăn, còn tồn tại những hạn chế, vướng mắc cần phải tập trung và quyết liệt giải quyết trong thời gian tới.
Cụ thể là: nhiều địa phương có kết quả thực hiện chậm so với kế hoạch đăng ký tại Đề án, thậm chí một số địa phương không có dự án khởi công trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay; Việc giải ngân gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng còn chậm so với mong muốn và nhu cầu thực tiễn của các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; Vẫn còn vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân trong tiếp cận đất đai, thủ tục đầu tư xây dựng, tín dụng, chính sách ưu đãi…
KHÓ THU HÚT DOANH NGHIỆP THAM GIA
Nêu rõ hơn về thực trạng này, nhiều địa phương, doanh nghiệp phản ánh họ rất thiếu quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại vị trí thuận lợi, nhất là ở các đô thị lớn; Nhiều khu công nghiệp được hình thành nhưng chưa bố trí quỹ đất xây nhà ở cho công nhân. Hơn nữa, số lượng thủ tục thực hiện đầu tư dự án nhà ở xã hội nhiều hơn so với dự án nhà ở thương mại, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện, tăng chi phí đầu tư.
Cùng với lợi nhuận bị khống chế ở mức 10%, thì suất vốn đầu tư xây dựng công trình nhà ở xã hội lại được quy định thấp hơn vốn đầu tư xây dựng công trình chung cư nhà ở thương mại khoảng 25%. Việc giảm suất vốn đầu tư khi xây dựng công trình nhà ở xã hội khiến chủ đầu tư phải giảm chi phí tối đa để phù hợp với suất vốn đầu tư theo quy định. Trong khi đó, nhiều công trình nhà ở xã hội có quy mô lớn, có tầng hầm, được đầu tư hạ tầng và áp dụng biện pháp thi công không khác gì nhà ở thương mại.
Ngoài ra, các chủ đầu tư không thể dùng khu đất dự án nhà ở xã hội làm tài sản bảo đảm thế chấp, vay vốn nên rất khó tiếp cận gói tín dụng 120.000 tỷ đồng… Bởi vậy, rất khó hấp dẫn doanh nghiệp tham gia làm nhà ở xã hội.
Trên cơ sở đó, ông Phạm Thiếu Hoa, Tổng giám đốc Vinhomes, đề xuất phải đơn giản hoá, rút ngắn thời gian làm thủ tục đầu tư nhà ở xã hội, bằng hoặc nhanh hơn so với nhà ở thương mại: việc phê duyệt quy hoạch chi tiết của các dự án cũng cần phải nhanh, có thể làm song song với điều chỉnh quy hoạch phân khu; Để đảm bảo công trình nhà ở xã hội có chất lượng tốt hơn, cần phải xem xét lại quy định về suất đầu tư…
Còn ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch tập đoàn Hoàng Quân, kiến nghị rằng để xây dựng được 1 triệu căn nhà ở xã hội như mục tiêu đề án đưa ra, ước tính cần khoảng 800.000 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh nghiệp muốn tham gia xây nhà ở xã hội phải chứng minh được nguồn vốn. Do vậy, cần có nguồn vốn ổn định cho chương trình này.
Từ thực tế vướng mắc của doanh nghiệp, ông Trần Ngọc Anh, Phó Tổng giám đốc Viglacera, cho biết Viglareara đã hoàn thành khoảng 8.000 căn hộ nhà ở cho công nhân khu công nghiệp và đang chuẩn bị quỹ đất, thủ tục để xây dựng 9.000 căn nữa. Trong 8.000 căn đã hoàn thành, mới vào ở 5000 căn, còn tồn kho 3.000 căn do quy định chỉ công nhân khu công nghiệp mới được mua. Do đó, đề nghị cho phép các địa phương tuỳ đặc thù, nhu cầu thực tế của địa phương mà quy định các đối tượng được mua nhà ở xã hội, có thể mở rộng hơn các đối tượng được tiếp cận loại hình nhà ở này.
Nhiều doanh nghiệp khác thì đề nghị phải có đất sạch, vị trí thuận tiện dành cho nhà ở xã hội. Mỗi tỉnh chỉ cần 100ha thì đã có 30.000 căn nhà ở xã hội. Ngoài ra, rất cần ngân hàng đơn giản hoá thủ tục vay vốn và xem xét giảm thêm lãi suất cho vay gói 120.000 tỷ đồng…
NHU CẦU LỚN, KHÔNG THỂ BỊ CẢN TRỞ BỞI VƯỚNG MẮC NHỎ
Phát biểu kết luận Hội nghị Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà bày tỏ: Nhiều khó khăn, vướng mắc mà các đại biểu nêu ra đã được giải quyết trong Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023 vừa được Quốc hội thông qua. Bộ Xây dựng, cùng với các bộ, ngành cần rà soát, phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ; đồng thời khẩn trương xây dựng văn bản hướng dẫn, đưa những quy định mới trong pháp luật đất đai, nhà ở … vào cuộc sống.
Phải đơn giản hoá các tiêu chí xác định đối tượng được mua nhà ở xã hội; đồng thời bổ sung các doanh nghiệp trong khu công nghiệp vào đối tượng được thuê, mua nhà ở xã hội làm ký túc xá cho công nhân. Các bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp… cần “vào cuộc” tham gia thống kê nhu cầu nhà ở của người dân để các địa phương tổng hợp. Từ đó, Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ TN&MT đưa vào quy hoạch phát triển hệ thống đô thị và nông thôn, xác định nhu cầu nhà ở khi phát triển các khu công nghiệp, cơ sở giáo dục, y tế, giải phóng mặt bằng, tái định cư, xoá nhà tạm, chỉnh trang đô thị, nông thôn…
Đồng tình với kiến nghị cần có nguồn tài chính ổn định cho phát triển nhà ở xã hội, Phó Thủ tướng cho rằng bên cạnh nguồn lực Nhà nước, cần huy động được các nguồn lực khác tham gia. Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên & Môi trường nghiên cứu phương án, giải pháp tạo thuận lợi, hỗ trợ các ngân hàng triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng cho lĩnh vực nhà ở xã hội theo cơ chế thị trường; cho phép doanh nghiệp thế chấp tài sản hình thành trên đất để vay vốn tín dụng; thành lập quỹ tín dụng ổn định dành cho nhà ở xã hội…
UBND các tỉnh, thành phố cần khẩn trương hoàn thành việc lập, sửa đổi, bổ sung Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của các địa phương. Đồng thời, phải có trách nhiệm công khai, giới thiệu quỹ đất đầu tư nhà ở xã hội cho doanh nghiệp để nghiên cứu, đề xuất đầu tư; cân đối bố trí ngân sách địa phương để khuyến khích, ưu đãi, kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn.
“Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội mới là bước thí điểm. Chính phủ mong muốn thông quan đề án này, huy động sự hưởng ứng của toàn hệ thống chính trị ở cả Trung ương, địa phương và cả các doanh nghiệp… trong việc tạo dựng nhà ở cho người dân Việt Nam. Nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn, không thể bị cản trở bởi những khó khăn, vướng mắc nhỏ”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.