Ủy ban pháp luật Quốc hội thông tin là đa số thành viên thường trực của Cơ quan thẩm tra dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) không tán thành việc quy định sở hữu chung cư có thời hạn.
“Bởi nhà ở là tài sản lớn của người dân, nên việc quy định sở hữu nhà chung cư có thời hạn khiến quyền sở hữu của người dân sẽ không được xác lập, mà phụ thuộc vào quyết định hành chính của cơ quan quản lý khi kiểm định nhà chung cư. Đây có thể gây tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản vốn đang gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, có thể dẫn tới mất cân đối cung - cầu nhà ở, người dân tăng mua đất thay vì mua căn hộ chung cư và giá nhà đất sẽ lại tiếp tục tăng cao”, vị đại diện của Ủy ban chia sẻ.
Tương tự, khi đưa ra ý kiến kết luận về Báo cáo thẩm tra dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng không tán thành, vì cho rằng như vậy đã can thiệp vào quyền sở hữu tài sản của người dân. Tuy nhiên, Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu, cần quy định cụ thể việc Nhà nước có quyền quyết định, trách nhiệm di dời, phá dỡ, cải tạo chung cư không còn an toàn để đảm bảo sức khỏe, an toàn của người dân.
Về vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (HoREA) đánh giá, không phải vì quy định sở hữu nhà chung cư không xác định thời hạn gắn liền với quyền sử dụng đất ổn định lâu dài là nguyên nhân dẫn đến vướng mắc, khó khăn trong công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư những năm qua.
Mà “nguyên nhân chủ yếu của việc trên là do chưa xây dựng các quy định pháp luật đầy đủ, khả thi. Chưa bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của quy định pháp luật và cũng chưa tìm được điểm cân bằng về lợi ích, đảm bảo hài hoà quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng giữa chủ sở hữu nhà chung cư cũng như nhà đầu tư. Đặc biệt, do chưa thực hiện đầy đủ “quy chế dân chủ cơ sở” để các chủ sở hữu nhà chung cư thông suốt và tự giác tham gia vào quá trình thực hiện cải tạo, xây dựng lại", đại diện HoREA nêu quan điểm.
Trên cơ sở đó, Hiệp hội bất động sản TP.HCM nhận thấy, việc Bộ Xây dựng đề xuất quy định "sở hữu nhà chung cư có thời hạn được xác định theo hồ sơ thiết kế và thời gian sử dụng thực tế, do cơ quan có thẩm quyền thẩm định, kết luận; chủ sở hữu nhà chung cư sẽ phải chấm dứt quyền sở hữu khi nhà chung cư thuộc diện bị phá dỡ và được tiếp tục sử dụng phần diện tích đất có nhà chung cư, nhưng phải nộp kinh phí xây dựng lại nhà chung cư mới, áp dụng đối với tất cả nhà chung cư xây dựng mới" sẽ làm tăng gánh nặng lẫn độ phức tạp cho công tác quản lý nhà nước của ngành xây dựng, nhất là cấp tỉnh và cấp huyện.
Vì như vậy, vừa phải quản lý hàng ngàn tòa nhà chung cư hiện hữu theo chế độ “sở hữu nhà chung cư không xác định thời hạn gắn liền với quyền sử dụng đất ổn định lâu dài”, mà trong đó có hàng trăm tòa nhà chung cư là công trình cấp I với tuổi thọ trên 100 năm (có tính ổn định lâu dài), lại vừa phải quản lý hàng ngàn tòa nhà chung cư được xây dựng trong tương lai theo chế độ “sở hữu nhà chung cư có thời hạn gắn liền với quyền sử dụng đất có thời hạn hoặc có quyền sử dụng đất ổn định lâu dài”.
Do đó, về “quy định sở hữu nhà chung cư có thời hạn” trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng xem xét không nên tiếp tục đề xuất này.
Các chuyên gia cho rằng sở hữu nhà chung cư là vấn đề lớn, tác động lập tức tới nhiều triệu người dân đang sống tại chung cư, hoặc đang có ý định mua chung cư, đồng thời ảnh hưởng đến thị trường bất động sản, nhà ở trước mắt cũng như lâu dài. Vì vậy cần cân nhắc kĩ lưỡng, thấu đáo, thực tế.