January 01, 2025 | 09:52 GMT+7

Nhìn lại một năm đầy ấn tượng của ngành giao thông

Huỳnh Dũng -

Trong bối cảnh Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, hạ tầng giao thông trở thành điểm sáng với nhiều thành tựu đáng tự hào, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước...

Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025 của Bộ Giao thông vận tải.
Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025 của Bộ Giao thông vận tải.

Mới đây, Bộ Giao thông vận tải tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh khẳng định năm 2024 là năm bản lề, đóng vai trò quan trọng đối với Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 – 2025. Mặc dù trong bối cảnh đất nước ta còn nhiều khó khăn, thách thức, ngành Giao thông vận tải với phương châm hành động “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả” đã có những kết quả quan trọng.

THÁO GỠ ĐIỂM NGHẼN, ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ CÁC DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM

Theo đó, năm 2024, Bộ Giao thông vận tải có nhiều đột phá thể chế. Năm qua, Bộ đã ban hành nhiều Thông tư, Nghị định quan trọng, đồng thời, sửa đổi, xây dựng và ban hành nhiều chính chính sách tháo gỡ “điểm nghiêm” trong việc đầu tư xây dựng các dự án giao thông vận tải.

Năm 2024, Bộ đã trình và được Thủ tướng phê duyệt các quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển; mạng lưới đường bộ, kết cấu hạ tầng đường thuỷ nội địa; phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 6 Cảng hàng không. Hiện, Bộ đang hoàn thiện điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đặc biệt Dề án Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam đã được Quốc hội thông qua. Trong khi Đề án hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh được Bộ Giao thông vận tải phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo địa phương trình Bộ Chính trị thông qua.

Đối với lĩnh vực đường bộ, Bộ Giao thông vận tải đã trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành, đã khởi công 08 dự án, hoàn thành đưa vào khai thác 7 dự án. Đặc biệt hoàn thành 2 Dự án thành phần còn lại đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm để hoàn thành toàn bộ Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020, nâng tổng số km đường cao tốc cả nước đến nay lên 2.021 km.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải đã tiến hành rà soát, xây dựng kế hoạch chi tiết, chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu quyết liệt tổ chức triển khai để hoàn thành mục tiêu 3.000 km vào năm 2025. Hiện Bộ đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà đầu tư 8 trạm dừng nghỉ, đang triển khai mời thầu 13 trạm dừng nghỉ còn lại.

 

Năm 2024, sản lượng vận chuyển hàng hóa ước đạt 2.450 triệu tấn, tăng 14,5%; Vận chuyển hành khách ước đạt 4.7 triệu lượt khách, tăng 11,2% so với năm 2023.

Trong lĩnh vực hàng không, Bộ Giao thông vận tải đã trình Quốc hội thông qua điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành; tiến độ các dự án Càng hàng không Quốc tế Long Thành, dự án Nhà ga hành khách T3- Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn nhất cơ bản được bảo đảm, đặc biệt DATP 2, DATP 3 Cảng hàng không Quốc tế Long Thành có nhiều hạng mục vượt kế hoạch.

Đối với đường sắt, bên cạnh Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam đã được Quốc hội thông qua, Bộ Giao thông vận tải đang tích cực triển khai dự án Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng để phấn đấu khởi công vào cuối năm 2025. Đồng thời, phối hợp với thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đưa vào khai thác các dự án đường sắt đô thị gồm đoạn trên cao tuyến Nhổn - Ga Hà Nội và tuyến Bến Thành - Suối Tiên.       

Với vai trò là cơ quan quản lý chuyên trách, Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ các địa phương trong quá trình chuẩn bị, triển khai 9 dự án đường bộ cao tốc do địa phương là cơ quan chủ quản. Nhiều khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong quá trình chuẩn bị đầu tư, triển khai dự án, nhất là trong công tác thẩm định dự án, thủ tục khai thác vật liệu phục vụ thi công, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, công tác tác tổ chức thi công, quản lý dự án đã được Bộ Giao thông vận tải phối hợp, hỗ trợ, cùng các địa phương tháo gỡ kịp thời hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền sớm cho chủ trương.

Một trong những điểm sáng lớn nhất của Bộ Giao thông vận tải trong năm 2024 vừa qua là tốc độ giải ngân vốn đầu tư công. Theo đó, năm 2024, Bộ Giao thông vận tải đã được được giao khoảng 75.481 tỷ đồng (trong đó 71.288 tỷ đồng được giao và kéo dài theo Kế hoạch năm 2024, 4.193 tỷ được giao bổ sung từ tháng 11 năm 2024). Dự kiến hết tháng 12/2024, Bộ GTVT giải ngân khoảng 60.200 tỷ đồng, đạt 80% kế hoạch và phấn đấu hết niên độ tài chính đạt 95% kế hoạch.

Bên cạnh những điểm sáng, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần được Bộ Giao thông vận tải xem xét, giải quyết để có được sự chuyển biến thực chất, mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Theo đánh giá từ lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, vấn đề giải phóng mặt bằng tại một số dự án trọng điểm vẫn còn tồn động.

Song song đó, tiến độ triển khai DATP 4 CHK Quốc tế Long Thành còn chậm. Nguồn cung cấp cát khu vực đồng bằng sông Cửu Long tuy được giải quyết nhưng chưa triệt để, công suất khai thác vẫn chưa đáp ứng được tiến độ yêu cầu.

“Nhiều công trình dự án đường bộ cao tốc sớm hoàn thành, đưa vào khai thác, nhưng các trạm dừng nghỉ, hệ thống giám sát điều hành giao thông chưa được đầu tư đồng bộ dẫn đến sự bất tiện đối với người dân. Đặc biệt, việc thu hút nguồn vốn xã hội trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông còn hạn chế, chưa đáp ứng được kỳ vọng”, Bộ trưởng Trần Hồng Minh nói.

MỤC TIÊU CỦA NGÀNH GIAO THÔNG TRONG NĂM 2025

Đúc rút bài học kinh nghiệm một năm qua, năm 2025, Bộ trưởng Trần Hồng Minh cho biết năm 2025 là năm tăng tốc và về đích để hoàn thành mục tiêu của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2025. Do đó, toàn ngành cần thể hiện quyết tâm cao độ, phối hợp chặt chẽ, thực hiện đột phá về hạ tầng giao thông, góp phần hiện thực hoá khát vọng phát triển đất nước phồn thịnh, hùng cường.

Cụ thể, đối với vấn đề vận tải. Mục được đặt ra trong năm 2025 là tăng 9% khối lượng vận tải hàng hoá và tăng 8% vận tải hàng khách. Song song đó, đặt mục tiêu khối lượng hàng hoá thông qua cảng biển đạt 900 triệu tấn, tăng 4% so với năm 2024.

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị

Đối với lĩnh vực đường bộ, Bộ trưởng yêu cầu toàn ngành tập trung đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng để hoàn thành các dự án thành phần thuộc Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 và các dự án đường bộ cao tốc khác, góp phần hoàn thành mục tiêu cả nước đưa vào khai thác 3.000 km đường bộ cao tốc vào cuối năm 2025.

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư để khởi công các dự án: Dự án nâng cấp, mở rộng cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận, TP. Hồ Chí Minh - Long Thành, Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Túy Loan; cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn, cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1,… ngay trong quý I và II/2025.

Đặc biệt, khẩn trương triển khai đầu tư hệ thống giám sát điều hành giao thông, trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc để đảm bảo khai thác đồng bộ, hiệu quả, hoàn thành trong quý II/2025.

Đối với lĩnh vực đường sắt, Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam cần sớm triển khai báo cáo nghiên cứu khả thi cũng như ban hành các Nghị định hướng dẫn các cơ chế đặc thù đã được Quốc hội thông qua.

Song song đó, đẩy nhanh tiến độ triển khai quy hoạch chi tiết 2 tuyến Hà Nội - Đồng Đăng; Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái. Nghiên cứu các tuyến đường sắt quan trọng quốc gia gồm TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ, Biên Hòa - Vũng Tàu, Long Thành - Thủ Thiêm. Đặt mục tiêu khởi công Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng vào cuối năm 2025.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh phát biểu tại Hội nghị
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh phát biểu tại Hội nghị

Ngoài ra, khẩn trương rà soát và tổ chức triển khai thực hiện các Dự án đang dừng, chậm tiến độ để phòng, chống lãng phí, đặc biệt là Dự án Hà Nội - Yên Viên - Phả Lại - Cái Lân; Dự án hiện đại hóa Trung tâm điều hành vận tải đường sắt (OCC).

Trong lĩnh vực hàng không, phải hoàn thành Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành trong năm 2025, bao gồm có cả dự án đường cất hạ cánh thứ 2 thuộc dự án thành phần 3 cũng như nghiên cứu các phương án kết nối bằng đường sắt hoặc tàu điện ngắn và nhanh nhất để báo cáo Chính phủ ngay trong quý I/2025.

Trong lĩnh vực về hàng hải, đường thuỷ nội địa, Bộ Giao thông vận tải đặt mục tiêu hoàn thành dự án Nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ, đường sắt cắt qua tuyến đường thủy nội địa quốc gia giai đoạn 1 (Khu vực phía Nam). Đồng thời, hoàn thiện các thủ tục đầu tư Dự án Phát triển các Hành lang đường thủy và Logistics khu vực phía Nam để phấn đấu khởi công trong quý IV/2025.

Đặc biệt, năm 2025, Bộ Giao thông vận tải dự kiến được giao với số vốn vô cùng lớn 87 nghìn tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu hoàn thành giải ngân 95% kế hoạch năm, Bộ Giao thông vận tải triển khai mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và tiếp tục gắn trách nhiệm người đứng đầu, đưa nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công là một trong những tiêu chí hàng đầu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong năm 2025 với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate