“Liệu có cái gì thay thế được điện?”, bà Trần Thị Minh Chính, Phó giám đốc Công ty Thương mại và Công nghiệp Mỹ Việt, nói.
Khi công việc kinh doanh của Mỹ Việt đang gặp lúc thuận lợi thì hoạt động sản xuất lại vướng chu kỳ thiếu điện, nên đối với lãnh đạo doanh nghiệp này, “đây là vấn đề nan giải nhất trong năm nay”.
Lãi suất, tỷ giá thay đổi chóng mặt kể từ cuối năm 2010, khiến cho các doanh nghiệp đang hứng chịu hàng chồng sức ép từ tăng chi phí đầu vào sản xuất. Với nhiều doanh nghiệp, chia sẻ với người tiêu dùng lúc lạm phát tăng cao là việc cần làm, nhưng bài toán lấy tăng doanh thu bù tỷ suất lợi nhuận giảm đang vấp phải rào cản về điện.
Bài toán khó
Theo lãnh đạo Mỹ Việt - doanh nghiệp chuyên sản xuất tấm lợp kim loại và bình nước nóng thương hiệu Olympic, từ cuối năm 2010 đến đầu năm nay, giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh đang tạo sức ép lớn đến sản xuất kinh doanh của công ty.
Giá thép cuộn nhập khẩu tăng đến 20% so với cuối năm ngoái, vỏ nhựa mua theo USD thì đã bị đẩy giá lên khoảng 9-10%, người bán lại lên giá thêm 10% nữa, tính ra cũng tăng 20% so với cuối năm 2010.
Trong tính toán của Mỹ Việt, tỷ giá tính thuế nhập khẩu của công ty là 18.932 đồng/USD cuối năm 2010, thì nay lên 20.683 đồng/USD, tăng khoảng 9,3%. Chưa kể, đồng USD mất giá so với ngoại tệ khác, các nước mà Mỹ Việt nhập khẩu nguyên liệu lại lạm phát và tăng giá bán lên nữa. “Mình bị đến mấy lần tăng giá chồng nhau”, bà Chính nói.
Nhưng rồi chi phí lương cũng phải tăng lên để theo kịp tình hình lạm phát gia tăng, những khoản chi khác như phí vận tải tăng do tăng giá xăng dầu cũng không tính được vào giá thành mà phải hỗ trợ đại lý…, nên tính ra, Mỹ Việt “tốn” thêm khoảng 2% chi phí nữa.
Trong khi đó, trước tình hình lạm phát tăng cao, tiêu dùng thắt chặt thì ngay bản thân doanh nghiệp cũng không dám gây “sốc” nếu tăng giá bán đúng với phần chi phí sản xuất tăng thêm. “Chúng tôi mới chỉ tăng giá bằng một phần mức tăng của nguyên liệu chính thôi”, bà Chính cho hay. “Bây giờ xác định không thể đảm bảo tỷ suất lợi nhuận so với doanh thu như năm ngoái”.
“Chỉ còn cách là tăng được sản lượng lên mới bù được tỷ suất lợi nhuận giảm, nhưng, bây giờ lại gặp khó khăn về điện như thế này. Không biết kế hoạch năm nay sẽ thực hiện như thế nào”, bà Chính than thở.
Theo kế hoạch, năm nay Mỹ Việt sẽ đầu tư tăng công suất, tuyển thêm nhân lực vào làm. Dây chuyền máy móc dự kiến đến tháng 4/2011 sẽ về đến nhà máy nhưng ngành điện sau Tết Nguyên đán đã có yêu cầu cắt giảm sản lượng tiêu thụ 20% so với năm 2010, nếu không cam kết sẽ cắt điện.
“Năm nay, khó khăn nhất là thiếu điện”, bà Chính nói.
Giá bao nhiêu cũng được, miễn là cấp đủ
“Tăng giá không thành vấn đề, tùy vào các bộ, các ngành thôi, nhưng cái chính là không có đủ điện cho sản xuất”, Phó giám đốc Chính bày tỏ. Đây cũng là quan điểm chung của nhiều doanh nghiệp, thậm chí là cả các cấp quản lý nhà nước.
Tại hội nghị giao ban sản xuất cuối tháng 2 vừa qua, đại diện Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam cũng nhân tiện “kêu” với Bộ Công Thương và ngành điện, không phải vì giá điện tăng, mà vì điện thiếu và cắt luân phiên.
Theo vị đại diện này, với việc tăng giá điện làm giá thành sản xuất xi măng tăng thêm khoảng 20.000 đồng/tấn, dẫn tới khả năng doanh nghiệp này phải điều chỉnh giá bán trước dự kiến. “Nhưng tăng giá điện cũng không thành vấn đề”, ông cho hay, “chúng tôi làm việc với ngành điện, miễn là đủ điện thôi, còn giá nào cũng được”.
Năm 2011 là năm đầu tiên ngành xi măng đạt công suất thiết kế dư thừa so với nhu cầu, khoảng 4 triệu tấn, trong khi trước đó năm 2010 vẫn còn phải nhập khoảng 3 triệu tấn clinke. Nhưng vì thiếu điện, “có lẽ năm nay, tăng trưởng xi măng so với năm ngoái sẽ tiếp tục thấp hơn”, đại diện “tổng” Tổng công ty Công nghiệp Xi măng cho biết.
Chia sẻ khó khăn với ngành xi măng, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Văn Tứ cho rằng, năm nay điện chắc chắn là thiếu, đặc biệt từ tháng 3/2011. “Rất mong ngành điện tính toán làm sao cắt điện cho chúng tôi sử dụng có hiệu quả kinh tế nhất, và đặc biệt là góp phần thực hiện Nghị quyết 11”, ông Tứ hướng đến các vị đại diện Bộ Công Thương và ngành điện để chuyển ý kiến.
Vào năm ngoái, cũng tại một hội nghị giao ban sản xuất, ông Tứ đã “viện cớ” 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội để yêu cầu ngành điện cấp điện ưu tiên cho Thủ đô. Năm nay, “lý do” là ổn định vĩ mô.
“Trên cơ sở tính chi phí cơ hội thì nên chăng, khi cắt điện cần tính toán cắt sao cho có lợi nhất cho nền kinh tế. Tại khu vực Hà Nội, năm nay doanh nghiệp xuất khẩu không tăng trưởng được thì sẽ rất ảnh hưởng đến các vấn đề vĩ mô”, ông Tứ khuyến cáo.
Đứng trước tình hình nhiều hồ thủy điện vừa qua đợt xả nước, một số nơi nhà máy điện đang hoạt động dưới vùng đảm bảo so với tính toán, khả năng thiếu điện và cắt điện luân phiên đang ngày càng rõ ràng. Tại hội nghị nói trên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung phải đề nghị ngành điện nói rõ về tiến độ các nhà máy nhiệt điện và xem xét các khuyến nghị về cấp điện cho sản xuất.
Ngành điện phản hồi ra sao? “Nếu kinh tế suy giảm thì ngành điện có nhiều thuận lợi trong việc cung cấp điện hơn, vì mức độ tiêu thụ sẽ giảm bớt. Thực tế là trong các tháng vừa qua, nhu cầu điện đều thấp hơn kế hoạch vận hành năm 2011 do Bộ Công Thương cùng với ngành điện xây dựng”, vị đại diện của ngành điện nói trước hội nghị.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate