May 06, 2010 | 09:49 GMT+7

Nhìn từ dự báo GDP quý 2: “Cặp đôi” tăng trưởng và rủi ro vĩ mô

Anh Quân

GDP quý 2 có thể tăng cao hơn quý 1, nhưng vẫn còn đó nguy cơ lạm phát và mất cân đối vĩ mô

Công nghiệp tiếp tục cho thấy dấu hiệu phục hồi rõ rệt khi đạt mức tăng 13,5% so với cùng kỳ, cao hơn so với chỉ tiêu kế hoạch 12% của năm nay.
Công nghiệp tiếp tục cho thấy dấu hiệu phục hồi rõ rệt khi đạt mức tăng 13,5% so với cùng kỳ, cao hơn so với chỉ tiêu kế hoạch 12% của năm nay.
“Tăng trưởng GDP quý 2 sẽ cao hơn so với quý 1”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư “chốt” lại phần dự báo tình hình kinh tế trong nước trong bản báo cáo tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ ngày 5/5.

Cơ sở cho nhận định này đến từ những phân tích tình hình kinh tế thế giới, nhưng quan trọng hơn là những diễn biến sản xuất trong nước 4 tháng vừa qua.

Sản xuất lấy lại đà

Với sản xuất hàng hóa, công nghiệp tiếp tục cho thấy dấu hiệu phục hồi rõ rệt khi đạt mức tăng 13,5% về giá trị so với cùng kỳ, cao hơn so với chỉ tiêu kế hoạch 12% của năm nay.

Đối với ngành kinh tế dịch vụ, rất nhiều lĩnh vực đạt mức tăng trưởng hai con số. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 4 tháng qua đã tăng 25%; lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng 35,7%; khối lượng vận chuyển hàng hóa tăng 11,9%; thuê bao điện thoại tăng 25,1% so với cùng kỳ năm trước.

“Các ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đều có triển vọng phát triển tốt trong thời gian tới”, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo.

Kết quả này có sự hỗ trợ rất lớn của dòng tiền đổ vào các ngành sản xuất, cũng như diễn biến tích cực từ thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bội chi ngân sách nhà nước trong 4 tháng đầu năm vào khoảng 15,46 nghìn tỷ đồng; giải ngân vốn FDI đạt 3,6 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ; giải ngân vốn ODA đạt khoảng 390 triệu USD.

Tổng phương tiện thanh toán (M2) tính đến ngày 30/4 ước tăng 2,92% so với cuối tháng trước và tăng 5,88% so với tháng 12/2009. Tổng dư nợ tiền gửi tại các tổ chức tín dụng tăng tương ứng 2,8% và 5,93%, trong đó huy động VND tăng 3,33% và 7,45%; huy động ngoại tệ tăng 0,93% và 0,78%.

Tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế ước tăng 1,73% so với tháng trước và tăng 5,58% so với tháng 12/2009, trong đó dư nợ VND tăng tương ứng 1,41% và 2,72%; dư nợ ngoại tệ tăng 3% và 18,94%.

Xuất khẩu đã phục hồi trở lại khi đạt 5,7 tỷ USD kim ngạch tháng 4, mức cao nhất trong 19 tháng gần đây, đẩy tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 4 tháng tăng 8,9% so với cùng kỳ; nhập khẩu cũng tăng mạnh, tới 35,6%.

Kết quả là trong 4 tháng qua, đã có khoảng 22.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, vốn đăng ký ước đạt 130 nghìn tỷ đồng, so với cùng kỳ giảm 18,5% về số doanh nghiệp nhưng tăng 14,2% về vốn đăng ký.

Vĩ mô chưa vững chắc

Cũng báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, trong thới gian tới, nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như nguy cơ lạm phát cao trở lại, mất cân đối xuất nhập khẩu, cán cân thanh toán...

Trên thực tế, dù hỗ trợ tăng trưởng trong 4 tháng qua, chi ngân sách, tín dụng, xuất nhập khẩu, lạm phát vẫn tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn, khiến cho sự ổn định kinh tế vĩ mô chưa thật vững chắc.

Như nói ở trên, bội chi tuy không ở mức quá cao vượt chỉ tiêu, nhưng trong 4 tháng qua, bội chi đã tương ứng khoảng 11,5% tổng thu ngân sách, chiếm khoảng 13% kế hoạch bội chi cả năm.

Tổng phương tiện thanh toán còn một khoảng cách khá xa so với mục tiêu, nhưng tăng 5,88% so với cuối năm 2009, là năm cung tiền tăng tới 28,67%. Tương tự là tín dụng, dù còn dự địa tăng khi cách chỉ tiêu 25% khá xa, nhưng mức tăng 5,58% là so với cuối năm 2009, khi tăng trưởng tín dụng đã đạt 37,73%.

Huy động vốn và dư nợ tín dụng bất đối xứng giữa dòng tiền VND và USD là một bất lợi cho hệ thống ngân hàng, trong khi lãi suất cho vay ngắn hạn đã vượt trần và đạt mức 14-15% đối với nhóm ngân hàng thương mại nhà nước, khoảng 14-16% với ngân hàng thương mại cổ phần; lãi suất cho vay trung, dài hạn thỏa thuận tương tự vào khoảng 14,5-15,5%/năm và 15-17%/năm.

Trong khi đó, nhập siêu đang tăng mạnh. Trong 4 tháng đầu năm nay, nhập siêu đạt khoảng 4,65 tỷ USD, bằng 23,1% tổng kim ngạch xuất khẩu và vượt chỉ tiêu 20% Quốc hội đặt ra.

Kết quả là chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 9,23% so với tháng 4/2009, dẫn đến khả năng kiềm chế lạm phát cả năm khoảng 7% là rất khó khăn.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate