Khả năng cầm cự đi ngang với khối lượng bán yếu vẫn duy trì tới tận 2h15 chiều nay, trước khi một đợt xả bất thình lình xuất hiện. Chỉ trong 15 phút cuối đợt liên tục VN-Index để mất hơn 15 điểm với thanh khoản khá cao và đóng cửa ở mức thấp nhất, bốc hơi 22,83 điểm (-1,82%) và thủng luôn đáy tháng 6 (1240 điểm), rơi xuống ngưỡng 1231,81 điểm.
Sức ép của nhịp giảm 15 phút này rất mạnh, riêng rổ VN30 trong thời gian này giao dịch tới 2.220 tỷ đồng. Đồng loạt các blue-chips giảm rất sâu đã tạo gánh nặng khủng khiếp lên VN-Index.
Điều còn may mắn là một vài cổ phiếu vốn hóa lớn nhất chưa tham gia vào nhóm giảm mạnh nhất: VCB tại đáy chỉ giảm 0,23%, GAS giảm 0,26%, VIC giảm 0,86%, HPG giảm 0,71%. Trong khi đó loạt trụ rơi tự do có thể kể tới BID giảm sâu nhất 6,71% so với tham chiếu, CTG giảm 4,75%, VHM giảm 1,45%, TCB giảm 2,75%, VPB giảm 3,19%, MSN giảm 2,91%...
Nhóm blue-chips giảm nhiều khiến điểm số rơi chóng mặt và dĩ nhiên ảnh hưởng nghiêm trọng tới toàn thị trường. Thống kê VN-Index tại đáy có tới 205 mã giảm quá 2% tương đương 55,7% số cổ phiếu có giao dịch trong phiên.
Lúc đóng cửa, sàn HoSE chứng kiến 15 mã giảm sàn, 130 mã khác giảm từ 2% tới trên mức sàn. Ngoài ra còn 60 mã khác giảm trong biên độ 1% tới 2%. Đây là mức độ tổn thương rất lớn đối với các nhà đầu tư cầm cổ phiếu.
Nhịp rơi mạnh này không phải quá dài, phần lớn thời gian của phiên chiều thị trường điều chỉnh bình thường. VN-Index đến trước 2h15 cũng chỉ giảm hơn 7 điểm. Chiều nay cũng không phải là phiên có lượng hàng khổng lồ về tài khoản, ngày T2 chỉ giao dịch khoảng 18,4 ngàn tỷ đồng khớp lệnh. Đợt ép này trước hết xuất phát từ các blue-chips và hiệu quả lớn nhất là đẩy VN-Index xuống dưới mức đáy tháng 6 quanh 1240 điểm. Chỉ trong khoảng 3 phút chỉ số đã bục đáy và ngay lập tức kích hoạt áp lực bán nối tiếp cực mạnh.
Thanh khoản sàn HoSE chiều nay tăng vọt 156% so với buổi sáng, đạt 11.606 tỷ đồng, cao nhất 4 phiên. Nếu tính cả HNX, tổng khớp hai sàn phiên chiều đạt 12.381 tỷ đồng, tăng 158%.
Hoạt động bắt đáy có xuất hiện, nhưng không phải cổ phiếu nào cũng được đẩy giá lên. MBB đóng cửa giảm 5,16% với thanh khoản khổng lồ 1.169 tỷ đồng và cầu bắt đáy tạo phục hồi nhỏ trước khi lại bị ép xuống đợt ATC và chỉ đóng cửa trên mức thấp nhất có 1 bước giá. SSI giảm 2,31% thanh khoản 434,9 tỷ đồng và giá đóng cửa thấp nhất. ACB giảm 3,03%, STB giảm 3,33%, DGW giảm sàn, HDG giảm 5,72%, TCH giảm 4,44%... đều có thanh khoản rất lớn và giá không hồi nổi.
Dù vậy cũng có một số cổ phiếu đạt hiệu quả phục hồi nhất định nhờ dòng tiền bắt đáy. BID chẳng hạn, lấy lại được khoảng 3,37% so với mức đáy, CTG hồi 1,09%, HDB hồi 1%, MSN hồi 1,28%, TPB hồi 2,6%, VHM hồi 1,34%, VIC hồi 1,11%, VPB hồi 1,1%.
Mở rộng toàn sàn HoSE, có 109 cổ phiếu phục hồi được trên 1% so với mức thấp nhất trong ngày, tương đương 29,5% số cổ phiếu có giao dịch. Đây là tỷ lệ khá nhỏ, phản ánh dòng tiền bắt đáy cũng chỉ thận trọng. VN-Index lúc đóng cửa cũng có 83 mã đi ngược dòng nhưng đại đa số thanh khoản rất nhỏ. Số ít mã thực sự có được dòng tiền đỡ khỏe là VPI tăng 4,69% giao dịch 107,6 tỷ đồng; VOS tăng 1,5% với 70,6 tỷ; SSB tăng 1,42% với 57,5 tỷ; FPT tăng 1,13% với 672,7 tỷ; VNM tăng 0,76% với 249,2 tỷ…
Nhà đầu tư nước ngoài không phải là bên tham gia ép giá chiều nay, dù tổng giá trị bán ra có tăng gấp đôi phiên sáng, đạt 1.131 tỷ đồng. Phía mua chiều nay cũng tương đương, đạt 1.060 tỷ đồng nên mức ròng khá nhỏ. Nhà đầu tư trong nước vẫn là lực lượng giao dịch chủ đạo khi tổng bán của khối ngoại chỉ chiếm 9,3% giao dịch sàn HoSE.