Tại tỉnh Thanh Hóa, theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh này, trong 5 ngày của kỳ nghỉ lễ từ 27/4 đến 1/5, các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đón khoảng trên 1,5 triệu lượt khách, tăng 27,3% so với dịp nghỉ lễ cùng kỳ năm 2023.
Trong dịp nghỉ lễ này, một số khu, điểm du lịch biển và nghỉ dưỡng của tỉnh này rơi vào tình trạng “quá tải”, đón lượng lớn khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng. Cụ thể: Thành phố Sầm Sơn đón 905.000 lượt khách; thị xã Nghi Sơn gần 87.000 lượt khách; Khu Du lịch sinh thái biển Hải Tiến (Hoằng Hóa) gần 89.000 lượt khách; thành phố Thanh Hóa hơn 65.000 lượt khách; Khu du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông (Bá Thước) hơn 62.000 lượt khách...
Tổng thu du lịch của Thanh Hóa trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay đạt hơn 3.800 tỷ đồng, tăng 32,8% so với dịp nghỉ lễ cùng kỳ năm 2023.
Tương tự, tại tỉnh Nghệ An, theo Báo cáo của Sở Du lịch tỉnh này, kết quả trong 5 ngày lễ từ 27/4 - 1/5, toàn tỉnh này đón và phục vụ 950.000 lượt khách du lịch (bằng 122% so với năm 2023), trong đó, khách lưu trú ước đạt 350.000 lượt. Công suất phòng bình quân đạt trên 90%. Tổng thu du lịch ước đạt hơn 1.700 tỷ đồng.
Một số khu, điểm du lịch đông khách nổi bật như: Thị xã Cửa Lò hơn 300.000 lượt (trong đó 140.000 lượt khách lưu trú); Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên (Nam Đàn) hơn 60.000 lượt khách; Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn (Đô Lương) 24.000 lượt khách; Đền Ông Hoàng Mười (Hưng Nguyên) khoảng 23.000 lượt khách; huyện Con Cuông khoảng 22.000 lượt khách.
Bên cạnh đó, các điểm đến như biển Quỳnh, biển Diễn Thành, Khu du lịch sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm (Diễn Châu), quần thể thác 7 tầng (Quế Phong)… cũng thu hút được một lượng lớn du khách về tham quan, trải nghiệm.
Tại Hà Tĩnh, theo tổng hợp của Sở Văn hóa Thể Thao và Du lịch tỉnh này, trong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, các khu, điểm du lịch trên toàn tỉnh đã đón khoảng 603.000 lượt khách tham quan, tăng khoảng 68% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khách nước ngoài đạt 841 lượt. Lượng khách lưu trú ước đạt 51.455 lượt, tăng gần 28.000 lượt so với cùng kỳ 2023.
Nhiều địa phương có lượng du khách tham quan, nghỉ dưỡng lớn như: Nghi Xuân 180.000 lượt, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2023, Thị xã Kỳ Anh 150.000 lượt, Cẩm Xuyên 150.000 lượt, Hương Sơn 15.000 lượt... Tổng công suất sử dụng phòng trên toàn tỉnh của kỳ nghỉ lễ đạt khoảng 85%, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023.
Tại tỉnh Quảng Bình, theo báo cáo của Sở Du lịch tỉnh tỉnh này, tổng thu từ khách du lịch trong dịp nghỉ lễ ước đạt 365,7 tỷ đồng, tăng 29,45% so với dịp nghỉ lễ 30/4 - 01/5 của năm 2023. Trong đó khách quốc tế khoảng 8.000 lượt khách (năm 2023 là 7.500 lượt), tăng 6,7% so với dịp nghỉ lễ 30/4 và 01/5 năm 2023. Khách du lịch quốc tế đến từ nhiều quốc gia khác nhau và chiếm phần lớn là từ các thị trường Anh, Mỹ, Pháp, Hàn, Nhật, Đức... Khách du lịch nội địa khoảng 308.000 lượt khách, tăng 27,01% so với dịp nghỉ lễ 30/4 và 01/5 năm 2023, chủ yếu là khách ngoại tỉnh (từ các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ như Hà Nội, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Đà Nẵng...
Dịp nghỉ lễ vừa qua, thời tiết tại Quảng Bình nắng nóng kèm nhiệt độ tăng cao, nên các điểm tham quan du lịch sinh thái, thiên nhiên là những điểm đến lý tưởng, thu hút số lượng lớn khách du lịch Động Phong Nha, động Thiên Đường, suối Nước Moọc, sông Chày - hang Tối, Công viên Ozo, các sản phẩm du lịch trải nghiệm, khám phá thiên nhiên tại Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong....
Các điểm tham quan tại thành phố Đồng Hới như Phố đi bộ và Phố đêm tại Khu đô thị Bảo Ninh 1 (Regal Legend), Bãi tắm biển Bảo Ninh, Bãi tắm biển Nhật Lệ - Quang Phú, Bảo tàng Quảng Bình, Quảng trường Hồ Chí Minh, Quảng trường biển Bảo Ninh có số lượng khách du lịch và người dân tập trung đông. Đặc biệt, khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong thời gian từ ngày 27/4 đến 30/4 đã đón gần 33.000 lượt khách đến thăm viếng.
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, theo Sở Du lịnh tỉnh này cho biết, trong 5 ngày từ 27/4 đến 1/5/2024, toàn tỉnh ước đón khoảng 110.000 khách du lịch đến địa phương, tổng lượng khách đã đặt phòng lưu trú ước đạt 58.000 lượt (trong đó có khoảng 43.000 khách nội địa và 15.000 khách quốc tế). Tổng doanh thu ước đạt 170 tỷ đồng, công suất phòng bình quân của các cơ sở lưu trú du lịch đạt 85%, hầu hết các khách sạn, kể cả nhóm khách sạn 4-5 sao và homestay đã kín phòng trong những ngày cao điểm từ 27/4 đến 30/4. Bên cạnh đó, các điểm du lịch nghỉ dưỡng hoặc dịch vụ trải nghiệm gắn với thiên nhiên (đồi núi, suối, thác, biển và đầm phá) đều kín khách.
Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết, từ ngày 27/4 đến ngày 30/04 đã có 58.385 lượt khách tham quan, khách nội địa 43.510 lượt, khách quốc tế 14.875 lượt, doanh thu đạt hơn 8,7 tỷ đồng.
Đại diện Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cho biết, dịp lễ 30/4 - 1/5 năm nay trên địa bàn Thừa Thiên Huế tổ chức các sự kiện lễ hội quy mô nên đã thu hút đông du khách và người dân địa phương như: Tuần ẩm thực truyền thống Huế các đêm từ 27/4 - 1/5, ước khoảng 100.000 lượt người dự, chương trình Thuận An biển gọi ngày 29/4, khoảng 8,000 người dự; từ ngày 26/4 đến 1/5, tại các phiên Chợ đêm Cầu ngói Thanh, Chợ phiên vùng cao A Lưới và Nam Đông thu hút hàng ngàn lượt khách tham gia … So với dịp lễ 30/4 và 01/5 cùng kỳ, lượng khách năm nay tăng 15,8%, doanh thu du lịch tăng 9,7%.