Diễn đàn công nghệ tài chính Việt Nam (FVF) vừa được tổ chức tại Hà Nội. Đây là chương trình nhằm khuyến khích sự phát triển của công nghệ tài chính, thúc đẩy hợp tác giữa khu vực tài chính và các nhà cung ứng giải pháp công nghệ nhằm thúc đẩy phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ thanh toán Ngân hàng Nhà nước đánh giá về xu hướng hợp tác giữa các ngân hàng và Fintech là một sự hợp tác tuyệt vời.
"Nếu không có fintech thì Mobile Banking của các ngân hàng sẽ không thể phát triển như ngày hôm nay", ông Dũng nhấn mạnh.
Vị lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, trước đây từ 7 đến 10 năm, các ngân hàng đã từng trang bị dự án Mobile Banking và một số đã phải dừng lại. Nhưng khi bắt đầu có sự hợp tác giữa ngân hàng và Fintech thì Mobile Banking và Internet Banking rất khác.
Ngoài giao diện, phần lõi của Internet Banking và Mobile Banking được thay đổi, đáp ứng nhu cầu hàng ngày của khách hàng. "Nhờ đến với Fintech, các ngân hàng có cả một hệ sinh thái số", ông nhận định.
Vụ trưởng Vụ thanh toán lấy ví dụ, các ngân hàng triển khai với Fintech, chẳng hạn với VNPAY thì ngoài việc sử dụng Mobile Banking, tập khách hàng gia tăng đáng kể khi có hệ sinh thái khách hàng từ nhà hàng, y tế, vận tải, vé máy bay... Ông cho rằng, hệ sinh thái số đóng vai trò tiên quyết, và Fintech nào có hệ sinh thái lớn sẽ làm chủ thị trường và cuộc chơi.
"Nhiều đơn vị đến với chúng tôi để xin giấy phép hoạt động trung gian thanh toán. Tuy nhiên, khi tôi chỉ hỏi đã có hệ sinh thái chưa thì họ đã không quay trở lại. Vì giấy phép chỉ là cái ban đầu, nếu không có hệ sinh thái thì sẽ nhanh chóng phá sản", ông Dũng nói.
Với sự hợp tác của ngân hàng và Fintech trong những năm qua, ông Phạm Tiến Dũng kỳ vọng 2-3 năm nữa lĩnh vực cho vay ngang hàng (P2P) trong tương lai cũng sẽ đạt được hiệu quả tương tự, trở thành cầu nối giúp kết nối với nhiều khách hàng hơn.
Mặt khác, thói quen sử dụng mobile banking của người dân Việt Nam dần hình thành. Các khoản thu hàng tháng như tiền điện, tiền nước, tiền mạng... không còn phải "gõ cửa" từng nhà.
Ông bật mí, dịch vụ công đang được Chính phủ đẩy mạnh, các Fintech dần tạo cho Chính phủ một hệ sinh thái dịch vụ công. Thông tin khách hàng sẽ được chuyển từ bộ này sang bộ khác và không phải mất nhiều thời gian kê khai lại. Trong tháng 11 hoặc 12 sẽ có một số dịch vụ công được Chính phủ cho ra đời.
Quay lại với vấn đề Fintech hợp tác với ngân hàng hay ngân hàng số, ông Dũng cho rằng, không nên nói nhiều về công nghệ mà nên nhấn mạnh khía cạnh sử dụng công nghệ để xây dựng hệ sinh thái số, ứng dụng cho người dùng.
Định hướng trong thời gian tới, ông Dũng cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành mới, sửa đổi, bổ sung khuôn khổ pháp lý thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, hỗ trợ chuyển đổi số ngân hàng. Xây dựng khuôn khổ Sand Box, xây dựng hoàn thiện hạ tầng dùng chung, mở rộng hợp tác quốc tế, cấp phép ngân hàng...
Ngoài ra, các ngân hàng thương mại sẽ xây dựng, triển khai chiến lược chuyển đổi số, ứng dụng các mô hình kinh doanh mới, sản phẩm, dịch vụ sáng tạo; đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ 4.0 để tăng trải nghiệm khách hàng. Đồng thời, cần tăng cường rủi ro an ninh mạng, bảo vệ bí mật khách hàng.
"Ngân hàng Nhà nước cam kết luôn đồng hành cùng các ngân hàng, cùng các Fintech để đưa các dịch vụ của mình phát triển tốt nhất như trong thời gian vừa qua", ông Dũng phát biểu.