Cập nhật mới nhất của FiinTrade cho thấy tính đến sáng ngày 29/1/2024, đã có 661 doanh nghiệp niêm yết đại diện 45,6% vốn hóa trên ba sàn công bố báo cáo tài chính hoặc đưa ra ước tính sơ bộ về kết quả kinh doanh quý 4 và năm 2023.
Tổng lợi nhuận sau thuế Q4/2023 của 661 doanh nghiệp này tăng 25,9% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 17,6% so với quý 3/2023. Trong đó, tăng trưởng đột biến được ghi nhận ở khối Phi tài chính tăng 35,1% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 31,1% so với quý liền kề trước đó trong khi lợi nhuận sau thuế của khối Tài chính tăng lần lượt 20,2% theo năm và 9,8% theo quý.
Cần lưu ý rằng mức tăng trưởng đột biến này xuất phát từ nền so sánh Q4/2022 ở mức rất thấp bởi đây là quý mà lợi nhuận sau thuế tạo đáy ở phần lớn các doanh nghiệp niêm yết.
Bên cạnh đó, sự hồi phục về lợi nhuận ở nhóm Thép (HPG, HSG) và thu nhập không thường xuyên của Đạm Hà Bắc (DHB) cũng góp phần đáng kể vào mức tăng trưởng cao này. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế Q4/2023 của nhóm Thép tăng lần lượt 212,1% so với cùng kỳ năm ngoái và +56% so với quý trước.
Với DHB, thu nhập từ đề án tái cơ cấu các khoản vay của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (hơn 1,8 nghìn tỷ đồng) đã giúp doanh nghiệp này có được mức lợi nhuận sau thuế hơn 1,6 nghìn tỷ đồng, so với mức khiêm tốn 85,2 tỷ đồng trong Q4-2022 và khoản lỗ -308,6 tỷ đồng trong quý 3/2023.
Nếu không tính đến nhóm Thép và DHB, lợi nhuận sau thuế Q4/2023 của các doanh nghiệp Phi tài chính còn lại giảm 6,1% theo năm nhưng vẫn cao hơn so 16,4% với quý 3 trước đó.
Ngoại trừ Thép, vẫn có 1 số ngành ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng trưởng cao, bao gồm Đường (QNS) và CNTT (FPT). Giá cổ phiếu FPT và QNS phản ứng không mấy tích cực với tin lợi nhuận tăng trưởng cao này khi giảm lần lượt -0,42% và -0,74% trong tuần vừa qua.
Ngược lại, lợi nhuận sau thuế tiếp tục giảm sâu ở một số doanh nghiệp thuộc ngành Hóa chất (DCM, DGC), Khí đốt (GAS), Dầu khí (OIL, PVS).