November 24, 2022 | 07:00 GMT+7

Nhóm đối tượng thu thập hơn 17 triệu dữ liệu cá nhân để lừa đảo

Như Nguyệt -

Ước tính, số lượng tài khoản ngân hàng giả mạo dùng để nhận tiền chiếm đoạt được và các tài khoản “rửa tiền” là khoảng 40 tài khoản với tổng số lượng giao dịch lên đến hơn 100 tỷ đồng...

Đối tượng Mạch Thị Mỵ (trái) và đối tượng Mạch Thị Nga (phải). Ảnh: Bộ Công an.
Đối tượng Mạch Thị Mỵ (trái) và đối tượng Mạch Thị Nga (phải). Ảnh: Bộ Công an.

Ngày 18/11/2021, chị Hoàng T.L.N, trú tại xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình đã trình báo Công an tỉnh Quảng Bình về việc tài khoản ngân hàng và số điện thoại dùng để đăng ký dịch vụ Smart Banking của chị đã bị người khác chiếm quyền sử dụng, thực hiện các lệnh chuyển số tiền 60 triệu đồng trong tài khoản đến một tài khoản ngân hàng khác.

Chị N., không có thao tác liên quan đến chuyển tiền và mất hoàn toàn quyền sử dụng SIM điện thoại cũng như tài khoản ngân hàng.

Sau khi tiếp nhận thông tin của bị hại, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Quảng Bình đã khẩn trương tiến hành xác minh, bước đầu xác định: Sau khi chiếm đoạt số tiền của chị N., đối tượng lừa đảo chuyển tiền qua nhiều tài khoản ngân hàng với tên chủ tài khoản giả mạo khác nhau, thực hiện các giao dịch thanh toán hóa đơn điện, nước sau đó chuyển tiếp qua nhiều tài khoản khác nhằm che giấu dòng tiền trước khi chuyển về tài khoản cuối cùng để sử dụng.

Đối tượng Phạm Lý Hùng (trái) và Phan Thị Bạc (phải). Ảnh: Bộ Công an.
Đối tượng Phạm Lý Hùng (trái) và Phan Thị Bạc (phải). Ảnh: Bộ Công an.

Xác định đây là thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản mới, cần phải tập trung đấu tranh phát hiện, ngăn chặn. Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao tập trung triển khai các biện pháp nghiệp vụ để xác định tội phạm và lập chuyên án đấu tranh. Qua xác minh, truy vết xác định vụ việc liên quan đến nhiều đối tượng hoạt động trên phạm vi nhiều tỉnh, thành trong cả nước, trong đó nghi vấn có dấu hiệu của tội phạm rửa tiền. Trên cơ sở các tài liệu thu thập được Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã báo cáo xác lập chuyên án để phối hợp nhiều lực lượng, huy động phương tiện đấu tranh.

Thực hiện kế hoạch đấu tranh chuyên án đã thu thập chứng cứ, tài liệu, xác định được địa điểm, thủ đoạn hoạt động của nhóm đối tượng lừa đảo. Đầu tháng 10/2022  Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao chủ trì phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự và một số đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an tỉnh Quảng Bình thực hiện kế hoạch phá án. Nhiều mũi tiến công di chuyển đến TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Tây Ninh, Bến Tre, Thanh Hóa... truy bắt, khám xét, triệu tập các đối tượng liên quan để khai thác, đấu tranh. 

Trong giai đoạn 1, Ban chuyên án phối hợp với Công an TP. Hồ Chí Minh và Công an tỉnh Tiền Giang triển khai lực lượng đấu tranh với Nguyễn Phát Tài (SN 1999, trú tại TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang), được xác định là đối tượng hoạt động “rửa tiền” thông qua việc dùng “tiền bẩn” để thanh toán hộ các hóa đơn điện, nước trên phạm vi toàn quốc.

Khám xét nơi ở của đối tượng Tài, Cơ quan Công an đã thu giữ 01 bộ máy tính, 01 màn hình máy tính, 01 điện thoại, 04 thẻ ATM và nhiều tài liệu liên quan. Trên cơ sở chứng cứ, tài liệu thu thập được, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Bình đã ra Quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với Nguyễn Phát Tài về hành vi “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử chiếm đoạt tài sản”.

Từ kết quả đấu tranh giai đoạn 1, Ban chuyên án đã xác định các đối tượng khác liên quan. Tiếp đó Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cùng phối hợp với Phòng Cảnh sát Hình sự và một số đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an tỉnh Quảng Bình, Bộ Công an và Công an TP. Hồ Chí Minh triệu tập, đấu tranh với Mạch Thị Nga (SN 1993, trú tại tỉnh Thanh Hóa), Phan Thị Bạc (SN 1994, trú tại tỉnh An Giang), Phạm Lý Hùng (SN 1994, trú tại TP. Hồ Chí Minh) và Mạch Thị Mỵ (SN 1996, trú tại tỉnh Thanh Hóa).

Khám xét nơi ở của các đối tượng đã thu giữ 01 máy tính laptop, 02 máy tính bàn, 05 điện thoại di động, 03 sim điện thoại, 01 túi nilon chứa chất bột màu trắng nghi là ma túy và khoảng 4.000 file dữ liệu chứa thông tin cá nhân bị đánh cắp…

Bước đầu xác định, các đối tượng lợi dụng triệt để lỗ hổng của các cá nhân, công ty, tổ chức trong việc quản lý, bảo vệ thông tin, nội dung số để thực hiện các hành vi phạm tội.

Từ tháng 8/2021 đến nay, ổ nhóm tội phạm này đã thu thập hơn 17 triệu thông tin dữ liệu cá nhân của người khác trên phạm vi cả nước, theo các nhóm vùng, miền, chức danh, nghề nghiệp… để bán cho người khác nhằm thu lợi bất chính. Đặc biệt, các đối tượng đã thu thập trái phép thông tin hàng nghìn khách hàng có hồ sơ vay vốn tín dụng ngân hàng, dùng các thông tin này để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn chiếm quyền truy cập SIM điện thoại, khôi phục lại mật khẩu đăng nhập tài khoản internet Banking có liên kết với SIM để chiếm đoạt tài khoản ngân hàng.

Nhằm che dấu hành vi của mình, nhóm của Mạch Thị Nga, Mạch Thị Mỵ đã cấu kết với Nguyễn Phát Tài, đối tượng chuyên thực hiện hành vi “rửa tiền” thông qua việc thanh toán các hóa đơn điện, nước trên phạm vi toàn quốc.

Ước tính, số lượng tài khoản ngân hàng giả mạo dùng để nhận tiền chiếm đoạt được và các tài khoản “rửa tiền” là khoảng 40 tài khoản với tổng số lượng giao dịch lên đến hơn 100 tỷ đồng.

Qua các tài liệu, chứng cứ thu nhận được, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Bình đã ra Quyết định khởi tố bị can đối với Mạch Thị Nga về hành vi “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử chiếm đoạt tài sản” và Mạch Thị Mỵ về hành vi “Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác”. Đồng thời, tiếp tục phối hợp các Công an các địa phương để tiếp tục đấu tranh, mở rộng và xử lý các đối tượng liên quan.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate