May 28, 2022 | 10:00 GMT+7

Nhóm lao động nào đang nhận lương cao nhất?

Phúc Minh -

Nhóm lãnh đạo/quản lý/chuyên môn bậc cao được hưởng mức lương cao nhất kèm theo những yêu cầu khắt khe về năm kinh nghiệm, thường từ 3 năm trở lên với vị trí tương đương…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thông tin về tình hình thị trường lao động Hà Nội, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, thị trường lao động thành phố tiếp tục có sự phục hồi và phát triển mạnh khi dần thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 với phát triển kinh tế - xã hội.

Trong tháng 4, thành phố có 2.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký đạt 22,9 nghìn tỷ đồng, giảm 30%; thực hiện thủ tục giải thể cho 302 doanh nghiệp, tăng 25%; 1.542 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 43%; 1.255 doanh nghiệp trở lại hoạt động, tăng 62%.

Tháng 4, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp tại Hà Nội tăng mạnh. Theo số liệu tổng hợp từ Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, một số nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng nhiều trong tháng như: Công nghiệp chế biến, chế tạo; bất động sản; ngân hàng…

Bên cạnh đó, nhu cầu tuyển dụng ở một số ngành như: Xây dựng; vận tải, kho bãi; dịch vụ, lưu trú và ăn uống tiếp tục đăng tuyển, tuy nhiên có xu hướng giảm nhẹ do nhiều vị trí đã được doanh nghiệp tuyển dụng thành công trong tháng trước.

Trong tháng 4, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo có xu hướng tăng mạnh nhu cầu tuyển dụng, tăng 38,63% so với tháng 3. Trong đó, nhu cầu tuyển dụng tăng mạnh nhất ở vị trí lao động giản đơn, chuyên viên nghiệp vụ, tăng 22,5%; vị trí nhân viên hành chính văn phòng tăng 29,03%...

Đối với mức lương, nhóm lãnh đạo/quản lý/chuyên môn bậc cao được hưởng mức lương cao nhất kèm theo những yêu cầu khắt khe về năm kinh nghiệm, thường là từ 3 năm trở lên với vị trí tương đương, cùng các kỹ năng và có trình độ từ đại học trở lên.

Đối với nhóm chuyên viên nghiệp vụ, mức lương dao động trong khoảng từ 7-15 triệu đồng/tháng, yêu cầu bằng cấp từ cao đẳng trở lên tùy từng vị trí. Đối với nhóm nhân viên hành chính văn phòng và dịch vụ, mức dao động lương từ 8-10 triệu đồng/tháng.

Trong lĩnh vực bất động sản, nhu cầu tuyển dụng tháng 4 của các doanh nghiệp cũng tăng so với tháng 3 là 15,19%. Nhu cầu tuyển dụng tăng mạnh nhất ở vị trí lao động giản đơn, tăng 133,3%; tiếp đến là vị trí lãnh đạo/quản lý với 92%; nhóm chuyên viên nghiệp vụ tăng 25,71%.

Về mức lương, đối với vị trí chuyên viên nghiệp vụ, dao động từ 10-50 triệu đồng/tháng, nhân viên hành chính văn phòng từ 6-25 triệu đồng/tháng. Đối với lao động giản đơn, thường không có sự đòi hỏi bằng cấp, dao động thường từ 7-15 triệu/tháng.

Với lĩnh vực ngân hàng, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tăng 165,5%, tập trung vào các vị trí nhân viên hành chính văn phòng, lãnh đạo/quản lý/chuyên môn bậc cao.

Mức lương trung bình mà các ngân hàng đưa ra luôn nằm ở ngưỡng hấp dẫn, đặc biệt ở một số vị trí đòi hỏi chuyên môn, trình độ cao, cùng mức kinh nghiệm lâu năm như lãnh đạo/quản lý. Đối với chuyên viên nghiệp vụ và nhân viên hành chính, văn phòng có mức lương dao động trong khoảng từ 7-25 triệu đồng/tháng.

Theo đánh giá của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, trong tháng 4, người lao động quay trở lại làm việc nhiều hơn, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động đang tăng cao tại các doanh nghiệp. Tính đến thời điểm cuối tháng 4, lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp ước tính tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước.

Nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động trong tháng tập trung vào một số nhóm ngành như: Công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 30,26%; bán buôn bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy chiếm 20,12% nhu cầu tìm kiếm việc làm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm chiếm 13,74%; thông tin và truyền thông chiếm 14,11%; xây dựng chiếm 7,08%...

Trong tháng 5, dự kiến nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tại Hà Nội là khoảng 90.000 - 120.000 lao động, tập trung chủ yếu ở các vị trí nhân viên văn phòng, nhân viên kinh doanh - bán hàng, công nhân sản xuất, công nhân lắp ráp linh kiện điện tử,…

Ngoài ra, với việc mở cửa trở lại hoạt động du lịch, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong nhóm ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống; dịch vụ du lịch, lữ hành cũng sẽ tăng từ 15-20% so với giai đoạn trước, chủ yếu tập trung vào các vị trí như hướng dẫn viên, nhân viên phục vụ,…

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate