May 30, 2021 | 13:12 GMT+7

Nhóm ngân hàng tư nhân bứt tốc ở hàng loạt chỉ tiêu tài chính cơ bản

Khối ngân hàng tư nhân đã vượt qua khối ngân hàng thương mại nhà nước ở hàng loạt các chỉ tiêu quan cơ bản trọng như tổng tài sản, vốn điều lệ, vốn tự có, tỷ lệ an toàn vốn…

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố thống kê các chỉ tiêu cơ bản trong hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng tính đến cuối tháng 12/2020.

Theo đó, tính đến 31/12/2020, tổng tài sản có toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã đạt gần 14,02 triệu tỷ đồng, tăng 11,45% so với cuối năm trước.

Tổng tài sản có của nhóm ngân hàng thương mại tư nhân đến cuối tháng 12 đã lên tới 6,053 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 16,13% so với cuối năm trước, chiếm 43,17% tổng tài sản toàn hệ thống.

Trong khi tổng tài sản của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước (gồm Agribank, VietinBank, Vietcombank, BIDV, Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu, Ngân hàng Đại Dương) chỉ tăng 6,47% trong năm qua, lên 5,79 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 41,3%.

Bên cạnh đó, tổng vốn điều lệ toàn hệ thống cũng ghi nhận tăng, 7,89% so với cuối năm trước, đạt mức 660.601 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức tăng này chủ yếu tập trung ở nhóm ngân hàng thương mại tư nhân với mức tăng 317.133 tỷ đồng, tăng 11,39%.

Nhưng nếu xét theo giá trị phần trăm, khối công ty tài chính, cho thuê lại dẫn đầu khi ghi nhận mức tăng trưởng vốn điều lệ lên tới 14,17%, tương đương tăng lên 30.556 nghìn tỷ đồng.

Trái lại, nhóm ngân hàng thương mại nhà nước có mức vốn điều lệ gần như giữ nguyên là 155.271 tỷ đồng, nhích nhẹ 0,08% so với năm trước.

Thống kê một số chỉ tiêu cơ bản của hệ thống ngân hàng đến cuối tháng 12/2020
Thống kê một số chỉ tiêu cơ bản của hệ thống ngân hàng đến cuối tháng 12/2020

Tại chỉ tiêu vốn tự có của nhóm áp dụng Thông tư 22/2019/TT-NHNN là 282,86 nghìn tỷ đồng, CAR ở mức 10,41% và vốn tự có của nhóm áp dụng Thông tư 36/2014/TT-NHNN (công ty tài chính, cho thuê tài chính) là 44,18 nghìn tỷ đồng và CAR là 19,03%.

Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn toàn hệ thống cập nhật đến cuối tháng 12/2020 ở mức khá thấp là 25,79%; tiếp tục giảm so với mức 27,35% hồi cuối năm 2019, cũng như nằm rất sâu dưới ngưỡng cho phép hiện nay là 40%.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, tỷ lệ trên ở mức thấp do tính bình quân với tham số kéo xuống bởi nhóm ngân hàng nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài do nhóm này không dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. 

Trong khi đó, tỷ lệ này tại các ngân hàng thương mại nhà nước là 29,88% và ngân hàng thương mại tư nhân là 28,18%; tại các công ty tài chính, cho thuê tài chính là 35,52%.

Chỉ số ROA, ROE tại thời điểm cuối quý 3/2020 và đã loại bỏ các tổ chức tín dụng có vốn chủ sở hữu âm khi tính
Chỉ số ROA, ROE tại thời điểm cuối quý 3/2020 và đã loại bỏ các tổ chức tín dụng có vốn chủ sở hữu âm khi tính

Đáng chú ý, về khả năng sinh lời của các ngân hàng, số liệu cập nhật đến hết quý 3/2020 cho thấy, tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) cao nhất thuộc về nhóm công ty tài chính, cho thuê với 2,19%, đứng thứ hai là Ngân hàng Chính sách xã hội (0,99%) và quỹ tín dụng nhân dân với ROA đạt 0,87%.

ROA của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước ở mức khá thấp, đạt 0,66%, chỉ đứng trên Ngân hàng Hợp tác xã (0,24%) và thấp hơn ROA trung bình của toàn hệ thống là 0,75%. ROA của nhóm ngân hàng thương mại tư nhân nhỉnh hơn khi đạt 0,78%.

Như vậy, chỉ sau một năm từ 2019 đến 2020, khối ngân hàng tư nhân đã bứt tốc và bỏ xa khối ngân hàng nhà nước ở hàng loạt chỉ tiêu như tổng tài sản, vốn điều lệ, chỉ số ROA đều cao hơn; chỉ số an toàn tốt hơn khi tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn và tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi thấp hơn. 

Hiện, nhóm ngân hàng thương mại nhà nước có duy nhất tiêu chí tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) tốt hơn nhóm ngân hàng thương mại tư nhân.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate