May 21, 2021 | 09:34 GMT+7

Nhu cầu nhân lực công nghệ điện tử tăng mạnh

Nhĩ Anh -

Cách mạng công nghiệp 4.0, kỷ nguyên số với các xu hướng công nghệ mới và sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong lĩnh vực điện tử viễn thông đang đòi hỏi nhu cầu rất lớn về số lượng cũng như chất lượng nguồn nhân lực...

Sự gắn kết giữa nhà trường với các doanh nghiệp sẽ tạo ra được nguồn nhân lực giỏi, có chất lượng và gắn liền với thực tế.
Sự gắn kết giữa nhà trường với các doanh nghiệp sẽ tạo ra được nguồn nhân lực giỏi, có chất lượng và gắn liền với thực tế.

Với doanh thu hơn 120 tỷ USD trong năm 2020, ngành công nghiệp công nghệ số này đang có khoảng 58.000 doanh nghiệp hoạt động và giải quyết việc làm cho hơn một triệu lao động. Lĩnh vực điện tử viễn thông, công nghệ thông tin trong những năm qua có mức tăng trưởng cao, ước khoảng 10%/năm.

NHU CẦU NHÂN LỰC NGÀY CÀNG TĂNG

Điện tử viễn thông đang có những thay đổi mạnh mẽ trong bối cảnh kỷ nguyên số hiện nay. Xu hướng công nghệ kết nối vạn vật (IoT), robot tự động hóa, phân tích dữ liệu lớn, điện toán đám mây đi kèm trí tuệ nhân tạo (AI) đang mở ra những cơ hội phát triển lớn. Phát triển đột phá công nghệ này phải dựa trên nền tảng của ngành công nghiệp điện tử viễn thông. Ngành này đã trở thành trung gian và đóng vai trò trung tâm của nhiều ngành mũi nhọn như cơ điện tử, tự động hóa, công nghệ thông tin, kỹ thuật máy tính...

Chia sẻ về xu hướng thay đổi trong một hội thảo gần đây, các chuyên gia cho rằng Việt Nam đang trở thành công xưởng sản xuất hàng điện tử của thế giới, là một trong những nước đứng đầu về sản xuất điện thoại và linh kiện. Lĩnh vực điện tử thu hút hơn 10 tỷ USD vốn FDI từ các tập đoàn lớn như Samsung, Foxconn, Panasonic, Intel... tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới hàng năm cho nhân lực lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ICT trong nước cũng có bước phát triển mạnh mẽ tạo ra những điểm sáng trong bức tranh của ngành công nghiệp điện tử viễn thông như Viettel, FPT, VNPT, VinGroup...

Theo đại diện Tổng công ty công nghệ cao Viettel, hơn 50% nhân lực kỹ sư của doanh nghiệp là chuyên ngành điện tử viễn thông, còn lại là công nghệ thông tin và công nghệ vật liệu... Mỗi năm doanh nghiệp tuyển khoảng 100 kỹ sư mới ra trường.

Còn một doanh nghiệp FDI thì cho rằng trong bối cảnh xu hướng hội tụ công nghệ và đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ngày càng tăng, các doanh nghiệp công nghệ điện tử nước ngoài đã đầu tư vào Việt Nam hàng tỷ USD trong những năm gần đây kéo theo các doanh nghiệp phụ trợ khác tham gia. Do đó, nhu cầu nguồn nhân lực là rất lớn và các doanh nghiệp rất quan tâm tới vấn đề số lượng cũng như chất lượng nguồn nhân lực điện tử viễn thông ở Việt Nam.

 

Các doanh nghiệp FDI mang đến vốn đầu tư, công nghệ và kỹ năng quản trị. Còn phát triển một ngành vẫn phải phụ thuộc vào nội lực của các doanh nghiệp trong nước. Để có thể phát triển ngành này, một trong những yêu cầu quan trọng là phải đảm bảo số lượng và chất lượng nhân lực.

Trước xu hướng phát triển hiện nay, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này ngày càng đa dạng, yêu cầu ngày càng tăng, nhất là trong nghiên cứu - phát triển. Tuy nhiên, Việt Nam đang thiếu hụt lượng lớn nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành.

Để đáp ứng nhu cầu này, các chuyên gia cho rằng công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực bậc đại học đóng vai trò vô cùng quan trọng. Theo Sách Trắng công nghệ thông tin và truyền thông năm 2020, trên toàn quốc có 240 trường đại học, trong đó 158 trường đào tạo Công nghệ thông tin và Truyền thông, chiếm 65%. Chỉ tiêu tuyển sinh năm qua là 68 nghìn với 82% trúng tuyển. Điều này cho thấy nhu cầu xã hội đối với ngành này vô cùng lớn.

Trong xu hướng chuyển đổi số như hiện nay, nhu cầu nhân lực cho lĩnh vực điện tử viễn thông, CNTT rất lớn và vẫn còn rất thiếu. Đại diện một trường đại học chia sẻ, hàng năm, các doanh nghiệp đến tuyển dụng nhân sự hiện vẫn rất nhiều. Nhân lực ra trường thỏa mãn nhu cầu của doanh nghiệp vẫn không đủ cả về số lượng và chất lượng...

Những thách thức của kỷ nguyên số cũng là cơ hội cho các trường đổi mới sáng tạo trong đào tạo, nhất là lĩnh vực điện tử viễn thông. Thực tế phát triển hiện nay cũng đòi hỏi sự thay đổi trong quan hệ giữa trường đại học và vai trò của doanh nghiệp sử dụng lao động để đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao theo yêu cầu.

Các chuyên gia cho rằng ngay từ khi còn đang học, học sinh sinh viên cần phải được tiếp cận và giải các bài toán nhỏ thì khi ra trường mới có thể giải được các bài toán lớn theo nhu cầu đặt ra của xã hội và doanh nghiệp. Vì vậy, các doanh nghiệp và nhà trường cần phải hợp tác với nhau và đưa ra các bài toán nhu cầu cụ thể.

GẮN KẾT CHẶT CHẼ NHÀ TRƯỜNG VÀ DOANH NGHIỆP

Chia sẻ với Tạp chí Kinh tế Việt Nam, ông Trần Việt Hùng, nhà sáng lập Got It, cho rằng ở nhiều nước, các trường đại học kết hợp với doanh nghiệp làm sản phẩm để kỹ sư vào dạy cho sinh viên hình dung những hoạt động thực tế của doanh nghiệp. Sự gắn kết giữa nhà trường với các doanh nghiệp phải rất chặt chẽ, như một đối tác, người đồng hành trong đào tạo, giảng dạy. Có như vậy mới có thể tạo ra được nguồn nhân lực giỏi, có chất lượng và gắn liền với thực tế.

Ở góc độ nhà tuyển dụng, đại diện một doanh nghiệp nhận xét, kiến thức của sinh viên điện tử viễn thông rất tốt nhưng tính thực tế, cách nhìn nhận giải quyết vấn đề lại hạn chế. Do đó, kỹ năng cho sinh viên phải được các trường đặt cao hơn nữa ngay từ những năm đầu tiên và liên tục rèn luyện trong các năm tiếp theo.

 

Doanh nghiệp là đơn vị sử dụng nguồn lao động nhân lực chất lượng cao do các trường cung cấp. Do đó, việc phối hợp với các doanh nghiệp, để từ nhu cầu thực tế của doanh nghiệp phản ánh vào chương trình đào tạo là rất quan trọng.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Thanh, Viện trưởng Viện Điện tử- viễn thông, Đại học Bách khoa Hà Nội

Theo PGS.TS. Nguyễn Hữu Thanh, Viện trưởng Viện Điện tử- viễn thông, Đại học Bách khoa Hà Nội, trong thời gian qua, mối quan hệ gắn kết này đã được các trường cải thiện, nhất là với các doanh nghiệp R&D, doanh nghiệp công nghệ trong ngành điện tử viễn thông như Viettel, VNPT, FPT, Samsung... Tuy nhiên, trong tương lai, các doanh nghiệp và nhà trường cần tập trung đi sâu vào hợp tác nghiên cứu, gắn kết với nhau nhiều hơn để cùng giải quyết các bài toán thực tế theo nhu cầu đặt ra.

Một số ý kiến nhận xét hiện nay đào tạo ở các trường còn đi sau nhu cầu xã hội. Chính vì vậy, các trường phải định vị lại các chương trình đào tạo để sinh viên có năng lực phát triển theo nhu cầu của xã hội. Như thế, nhân lực ngành điện tử viễn thông sẽ đến với tất cả các ngành khác.

Nhấn mạnh việc kết nối giữa nhà trường với doanh nghiệp và xã hội là rất quan trọng, GS.TS. Chử Đức Trình, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, cho rằng nếu các nhà trường không thấy mình là một mắt xích trong quy trình này, chưa định vị được mình trong chuỗi dây chuyền này là chưa thành công. Các trường đại học phải trở thành một mắt xích sáng tạo, chủ động trong chuỗi quan hệ doanh nghiệp - nhà trường và xã hội.

Theo TS. Chử Đức Trình, trường đặc biệt quan tâm đến vấn đề giao tiếp giữa doanh nghiệp - nhà trường và xã hội, từ đó thiết kế các chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Nhà trường cũng chủ động định vị xu hướng đào tạo chứ không thụ động chạy theo xu hướng xã hội.

Bên cạnh đào tạo, trang bị kiến thức nền tảng vững chắc, nhà trường cũng tạo điều kiện cho sinh viên rèn luyện các kỹ năng mềm. Các doanh nghiệp đã đồng hành với các trường ngay từ khi đào tạo để bổ sung thêm các kỹ năng, kiến thức thực tế cho sinh viên. Trong thời quan qua, Trường Đại học công nghệ đã đồng hành với nhiều doanh nghiệp lớn như Viettel, FPT, Samsung, Panasonic...

Liên quan đến những phản ánh của doanh nghiệp khi tuyển chọn các kỹ sư mới ra trường phải đào tạo lại, đại diện Đại học Công nghệ cho rằng nhà trường đào tạo sinh viên theo bức tranh chung của xã hội. Do đó, doanh nghiệp khi tuyển dụng sẽ phải đào tạo bổ sung các kỹ năng để phù hợp với yêu cầu, văn hóa đơn vị.

Còn theo ông Thanh, vai trò và sứ mệnh của các trường đại học là đào tạo sinh viên không đi vào nhu cầu cụ thể của một doanh nghiệp mà làm sao để kỹ sư ra trường có thể đáp ứng được yêu cầu của một ngành. Mỗi doanh nghiệp sẽ có nhu cầu và yêu cầu khác nhau khi chọn lựa nhân lực.

Việc sinh viên ra trường phải đào tạo lại gần như không tránh khỏi nhưng làm thế nào để hạn chế thấp nhất thời gian đào tạo lại. Ông Thanh cho rằng để thành công nhà trường và doanh nghiệp phải phối hợp với nhau cùng đào tạo theo nhu cầu cụ thể. Các kiến thức thực tế từ doanh nghiệp sẽ rất tốt cho sinh viên.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate