Dự kiến đến năm 2030, Việt Nam sẽ có khoảng 30 cảng hàng không, điều này đòi hỏi nguồn nhân lực cần được đào tạo kịp thời để phát triển với tốc độ tăng trưởng của ngành.
TUYỂN DỤNG ĐA DẠNG CÁC VỊ TRÍ VIỆC LÀM
Theo Học viện Hàng không Việt Nam, hiện nhu cầu nhân lực hàng không tại Việt Nam đang rất lớn song cũng có nguy cơ thiếu hụt. Nhân lực của ngành chia thành 3 lĩnh vực chính gồm khai thác vận tải, khai thác cảng và đảm bảo hoạt động bay. Dự báo con số này sẽ đạt hơn 58.000 người vào năm 2025.
Là đơn vị tham gia đào tạo nhân lực trong lĩnh vực hàng không, bà Phạm Thị Mận, Giám đốc tuyển sinh của Học viện Sky Team, thuộc Công ty Cổ phần Học viện nhân lực Sky Team cũng nhìn nhận, ngành hàng không đang rất phát triển khi nhiều sân bay có kế hoạch mở rộng như Nội Bài, Tân Sơn Nhất…
Các sân bay mới cũng đang được xây dựng, đặc biệt khi Sân bay Long Thành khi đi vào hoạt động sẽ cần số lượng nhân lực rất lớn để đáp ứng vận hành, đặc biệt là đội ngũ nhân viên an ninh, tiếp viên…
Nhiều năm làm công tác đào tạo và tuyển dụng trong ngành, bà Mận đánh giá các vị trí an ninh hàng không cần tuyển dụng liên tục, song tiêu chí cũng rất khắt khe, nhất là yêu cầu về sức khỏe, chứng chỉ tiếng Anh.
“An ninh hàng không cần đảm bảo có sức khỏe tốt, không có hình săm, sẹo lồi. Các ứng viên nếu khám sức khỏe đạt yêu cầu chúng tôi mới nhận về đào tạo, hoặc liên kết đào tạo với Học viện Hàng không Việt Nam trong thời gian từ 9 – 12 tháng. Nếu các bạn đáp ứng được, có chứng chỉ về ngành an ninh hàng không sẽ đủ tiêu chuẩn và có thể ứng tuyển để làm việc tại các sân bay”, bà Mận thông tin.
Ngoài vị trí an ninh hàng không, đơn vị này cũng đào tạo nhiều vị trí khác để cung ứng cho các hãng như, tiếp viên hàng không, tiếp viên mặt đất, nhân viên mặt đất, nhân viên kỹ thuật, nhân viên lái xe, nhân viên chất xếp để tạo nhiều cơ hội lựa chọn công việc cho người lao động.
Theo bà Mận, trong đó với vị trí an ninh hàng không, thời gian đào tạo trung bình mất từ 9 tháng đến 1 năm, tiếp viên hàng không hoặc tiếp viên mặt đất từ 3 – 6 tháng, nhân viên lái xe từ 1 – 3 tháng và yêu cầu cần bằng B2, bằng B, C, E…
“Riêng các vị trí tiếp viên đều đòi hỏi tiếng Anh tốt. Với các bạn đã có tiếng Anh thì thời gian đào tạo có thể rút ngắn từ 1 - 3 tháng. Tuy nhiên, việc đào tạo này cũng rất đặc thù và toàn diện, từ dáng đi, cách ứng xử, giao tiếp. Các bạn cũng không được nói ngọng hay giọng địa phương, mà cần giọng chuẩn Hà Nội và Sài Gòn, song quan trọng nữa là cần sự nhanh nhẹn, có ngoại hình”, Giám đốc Học viện Sky Team nêu một số yêu cầu cụ thể.
Cùng với thời gian đào tạo, bà Mận cho biết, chi phí của một khóa đào tạo an ninh hàng không thường từ 90 – 150 triệu đồng, tiếp viên hàng không từ 55 - 60 triệu đồng, tiếp viên mặt đất từ 45 – 50 triệu đồng…
YÊU CẦU CAO, ĐÀO TẠO KHẮT KHE
Cũng theo Giám đốc Học viện Sky Team Phạm Thị Mận, ngành hàng không đang phát triển tăng nóng, ước tính từ nay đến năm 2030 sẽ có thêm khoảng 8 sân bay, đó là lí do đơn vị nhận được yêu cầu đào tạo thường không có chỉ tiêu cụ thể từ các hãng, bởi nhu cầu nhân lực đang rất dồi dào.
Tuy nhiên, bà Mận đánh giá, việc đào tạo, tuyển dụng cũng có những hạn chế nhất định. Bệnh truyền nhiễm hay viêm gan B là những yếu tố không được tuyển dụng trong ngành, thậm chí chiều cao cũng là một trở ngại.
“Nhiều bạn giao tiếp tiếng Anh tốt, hình thức ưa nhìn nhưng giới hạn chiều cao cũng rất khó để tuyển dụng, hoặc có đủ chiều cao nhưng lại mắc viêm gan B thì ngành cũng không chấp nhận”, bà Mận dẫn chứng.
Để có nguồn nhân lực đào tạo đáp ứng trong lĩnh vực này, bà Mận cho biết, đơn vị tìm kiếm qua nhiều kênh và luôn có sẵn đội thị trường đến các trường trung học phổ thông, cao đẳng, đại học để định hướng nghề từ sớm.
Cũng nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực đào tạo nghiệp vụ hàng không, bà Nguyễn Thị Hạ, Ủy viên Hội đồng xét tuyển Công ty Cổ phần Đào tạo huấn luyện nghiệp vụ hàng không Việt Nam chia sẻ với VnEconomy, đơn vị hiện đang cần tuyển dụng không giới hạn chỉ tiêu để cung ứng cho các sân bay, cảng hàng không.
Theo bà Hạ, với ngành hàng không, độ tuổi “vàng” để tuyển dụng là từ 18 – 28 tuổi, nữ cần cao từ 1.58m trở lên, nam từ 1.68m trở lên, tối thiểu cần có bằng tốt nghiệp phổ thông trung học, hoặc tốt nghiệp cao đẳng, đại học các ngành kỹ thuật, tiếng Anh từ Toeic 400 điểm, Toefl Itp 400 điểm. Với bằng cấp và các chứng chỉ tương ứng, ứng viên sẽ có cơ hội ở vị trí cao hơn. Tuy nhiên, mức lương cụ thể còn phụ thuộc vào từng hãng.
“Hàng không là ngành kinh tế đối ngoại, cần tuân thủ theo luật hàng không quốc tế, từ cách giao tiếp, đi đứng, chính vì thế, việc đào tạo sẽ rất khắt khe”, bà Hạ nói.
Mặc dù vậy, tùy theo từng đối tượng mà thời gian có thể rút ngắn, nhất là với các ứng viên đã có tố chất và một nền tảng tiếng Anh tốt.
“Có bạn chỉ cần 15 ngày bởi đã có sẵn tiếng Anh, nên chỉ mất thời gian đào tạo thêm một số nghiệp vụ hàng không chuyên ngành là có thể đi làm luôn. Ngược lại, có người mất ít nhất từ 1 - 2 tháng, thậm chí lâu hơn. Hàng tuần, hàng tháng, các hãng sẽ gửi chỉ tiêu tuyển dụng liên tục, nếu ứng viên đủ điều kiện sẽ được tuyển luôn”, bà Hạ cho hay.
Cũng theo bà Hạ, từ nay đến năm 2025, nước ta sẽ cần bổ sung thêm hàng chục nghìn nhân lực hàng không phục vụ cho các sân bay mới hoặc mở rộng phạm vi, vì thế sẽ đòi hỏi số lượng nhân sự rất lớn.
“Ngành hàng không có đặc thù so với các ngành nghề khác. Ở đâu đó có thể ghi nhận lĩnh vực này suy giảm, thậm chí ngừng hoạt động, nhưng khó có thể để các sân bay đóng cửa. Điều đó cho thấy cơ hội việc làm trong ngành này rất lớn và ổn định”, bà Hạ nhìn nhận.
Song muốn đáp ứng nhu cầu tuyển dụng liên tục của các hãng, bà Hạ cho rằng, đơn vị đào tạo cần luôn trong tâm thế sẵn sàng. Với Công ty Cổ phần Đào tạo huấn luyện nghiệp vụ hàng không Việt Nam, để có nhân sự chất lượng luôn có một hội đồng xét tuyển nhằm đánh giá từng ứng viên phù hợp ở vị trí nào, chứ không tuyển dụng ồ ạt.
Hội đồng xét tuyển đều là những chuyên gia có kinh nghiệm lâu năm trong ngành hàng không, vì thế mỗi ứng viên đã được tuyển dụng đều gần như đáp ứng 100% công việc.
Nhiều năm tham gia đào tạo và huấn luyện nghiệp vụ hàng không, điều chuyên gia này tâm đắc nhất đối người lao động trong ngành là cần dùng cái tâm của mình để phục vụ.
“Hàng không cũng là ngành phục vụ khách hàng. Bởi thế, giá trị của mỗi một nhân viên phục vụ là giá trị vô hình nhưng khách hàng nhận lại là hữu hình. Do đó, điều tiên quyết nhất là tinh thần phục vụ của mỗi một nhân viên hàng không. Khi mỗi người làm tốt phần việc của mình, đưa ra những giá trị vô hình tới cho khách hàng, thì chúng ta sẽ có một ngành hàng không thực sự vững mạnh”, chuyên gia Nguyễn Thị Hạ bày tỏ.
Để giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực hàng không, ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cũng cho rằng, các đơn vị, doanh nghiệp cần triển khai phương án tuyển dụng cụ thể để thu hút nguồn nhân lực tốt nhất, phù hợp nhất nhằm đảm bảo sự chủ động trong việc sản xuất kinh doanh.
“Đối với các ngôi trường lớn, uy tín, đã có kinh nghiệm, chỗ đứng trong lĩnh vực giảng dạy, cần đổi mới phương thức đào tạo chuyên môn ngành nghề để phù hợp hơn với tình hình của thị trường” ông Độ cho hay.