Ông Bùi Xuân Thái, chuyên gia đến từ Hiệp hội phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Việt Nam, cho biết trong các tình huống xảy ra sự cố cháy nổ, điều quan trọng trước tiên với người dân là phải thật bình tĩnh để nhận định tình hình đám cháy và xác định lối thoát nạn an toàn để ra ngoài.
Có một thực tế từ vụ cháy thương tâm thương tâm xảy ra tại chung cư mini ở phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội, nói riêng cũng như rất nhiều vụ cháy nổ khác nói chung, người dân thường rất hoảng hốt, lúng túng khi phải đối mặt với hỏa hoạn, dẫn đến những hậu quả xấu, thiệt hại nặng nề cả về người và vật chất. Xin ông chia sẻ những kinh nghiệm về những biện pháp phòng, chữa cháy nổ và tự thoát nạn khi xảy ra sự cố?
Trước hết, thay mặt Hiệp hội phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Việt Nam, tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới thân nhân, gia đình những người bị nạn trong vụ cháy vừa qua. Đây là vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng với số lượng người thương vong lớn nhất từ trước tới nay. Vụ cháy đã gây ra những đau thương, mất mát lớn đối với các gia đình các nạn nhân, tạo ra tâm lý hoang mang đối với người dân và dư luận xã hội.
Trong các tình huống cháy nổ nói chung, cháy nổ tại các ngôi nhà dạng ống nói riêng, điều quan trọng trước tiên với người dân trong ngôi nhà xảy ra hỏa hoạn là phải thật bình tĩnh và nhanh chóng thực hiện các bước xử lý như sau:
Thứ nhất: Người đầu tiên phát hiện đám cháy cần nhanh chóng báo động để mọi người trong nhà biết.
Thứ hai, khống chế đám cháy và/hoặc tổ chức thoát nạn:
Theo đó, quan sát đám cháy, nếu đám cháy nhỏ hoặc mới bùng phát thì ngắt ngay nguồn điện và sử dụng phương tiện chữa cháy ban đầu (như bình chữa cháy xách tay, nguồn nước trong nhà, chăn nhúng nước …) để nhanh chóng dập tắt đám cháy.
Trường hợp đám cháy đã lớn, không có khả năng đạp tắt bằng phương tiện chữa cháy ban đầu, cần gọi ngay đến số điện thoại 114 để báo cháy cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.
Đồng thời quan sát nguồn cháy và thực trạng đám cháy để xác định lối thoát nạn an toàn cho mọi người trong nhà nhanh chóng thoát ra ngoài. Cụ thể:
- Nếu cửa chính của căn nhà nếu chưa bị lửa, khói bao trùm thì nhanh chóng thoát ra qua lối cửa chính. Trong quá trình di chuyển, cần bình tĩnh, sử dụng mặt nạ phòng khói (nếu có) hoặc dùng khăn, áo thấm ướt thấm ướt bịt vào mũi và miệng, cúi thấp người để tránh hít phải khói, khí độc hoặc bị lửa tạt gây bỏng hoặc cháy quần áo.
- Nếu cửa chính tại tầng 1 đã bị lửa, khói bao trùm thì cần bình tĩnh, tìm lối thoát nạn an toàn khác như: di chuyển ra ban công; di chuyển lên tầng thượng hoặc lên mái và tìm cách thoát qua các nhà, công trình lân cận nếu có thể. Trong quá trình di chuyển, cần sử dụng khăn, áo thấm ướt bịt vào mũi, miệng nhằm hạn chế hít phải khói, khí độc.
Trường hợp gia đình đã chuẩn bị trước các phương án thoát nạn thì thực hiện theo phương án phù hợp nhất, như di chuyển ra ngoài ban công hoặc lên sân thượng và sử dụng các phương tiện như thang dây, dây hạ chậm (nếu có), hoặc trong trường hợp cấp thiết có thể sử dụng dây thừng hoặc các dây tự nối bằng các vật dụng như rèm vải, ga giường, quần,… để thoát xuống dưới và ra nơi an toàn. Tuy nhiên, trước khi dùng dây để tụt xuống cần phải đảm bảo dây chắc chắn và dây phải buộc vào các cấu kiện vững chắc.
- Đối với các nhà có lồng sắt bao bọc phía ngoài nhà, có thể thoát qua ô cửa trên các lồng sắt đó để sang các nhà, công trình liền kề. Nếu trên các lồng sắt đó không có sẵn các cửa thoát hiểm hãy bình tĩnh tìm kiếm các vật dụng như búa, rìu hoặc các vật dụng khác nhằm bẻ gãy hoặc banh rộng các ô trên lồng sắt để mọi người có thể chui qua và sang công trình liền kề hoặc xuống nơi an toàn với sự hỗ trợ của những người xung quanh.
- Trường hợp không thể thoát ra ngoài, cần hô hoán, tạo tiếng động hoặc các tín hiệu gây sự chú ý để người dân xung quanh biết và hỗ trợ.
- Người dân cần lưu ý: Tuyệt đối không chạy vào nhà vệ sinh để ẩn nấp, bởi rất dễ bị ngạt khói và bị lửa thiêu khi đám cháy lan ra toàn bộ căn nhà.
Trong thời gian gần đây, các vụ cháy tại các hộ gia đình có xu hướng ngày càng gia tăng về cả số lượng và thiệt hại gây ra, đặc biệt là thiệt hại về người. Hiệp hội phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ có những lưu ý gì đối với người dân cũng như hộ gia đình để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy?
Để đảm bản an toàn phòng cháy chữa cháy, ngoài các khuyến cáo của các cơ quan quản lý nhà nước, Hiệp hội phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Việt Nam khuyến cáo thêm người dân cũng như các hộ gia đình một số biện pháp sau:
Một là, mỗi hộ gia đình cần đảm bảo có 2 lối thoát nạn (bên trên và bên dưới). Đối với lối thoát nạn bên trên, các gia đình cần đánh giá tình trạng an ninh trên địa bàn để cân nhắc tháo bỏ chuồng cọp. Trường hợp không thể bỏ chuồng cọp thì cần bố trí cửa thoát hiểm có khóa trên các chuồng cọp đó. Nếu sử dụng khóa có chìa thì chìa khóa cần bố tại vị trí để mọi người trong gia đình dễ thấy, dễ lấy. Nếu sử dụng khóa số thì mã số mở khóa là số dễ nhờ để mọi thành viên trong gia đình cùng nhớ.
Hai là, thường xuyên kiểm tra việc sử dụng an toàn các thiết bị điện và hệ thống điện, bao gồm:
Kiểm tra hệ thống đường dây dẫn điện, nhất là các dây dẫn đi nổi. Trường hợp dây dẫn không đảm bảo an toàn thì cần thay thế dây mới đảm bảo đủ tải an toàn cho các thiết bị điện sử dụng trong nhà.
Kiểm tra các phích cắm và ổ cắm điện, thay thế các phích cắm, ổ cắm không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn về điện.
Kiểm tra các thiết bị sử dụng điện, nhất là quạt điện, điều hòa. Đảm bảo các thiết bị đạt tiêu chuẩn an toàn điện, dây dẫn không có mối nối để trách chập, cháy.
Ba là, mỗi gia đình cần trang bị tối thiểu 01 bình chữa cháy xách tay. Chủ hộ cần hướng dẫn cho mọi người trong nhà (kể cả trẻ em) sử dụng thành thạo bình chữa cháy xách tay.
Nếu có điều kiện thì trang bị thêm cho mỗi tầng 01 bình hoặc mỗi phòng 01 bình chữa cháy xách tay.
Trong bối cảnh quỹ đất hạn hẹp, đặc biệt tại các tỉnh thành lớn trong cả nước như: Hà Nội, TP.HCM, thì nhà ống là lựa chọn hợp lý của nhiều gia đình. Vậy với loại hình nhà ống, người dân cần những lưu ý ra sao khi xây dựng, bố trí đồ đạc, sinh hoạt để đảm bảo các điều kiện về phòng cháy chữa cháy, thưa ông?
Với các đặc thù của nhà ống như đã nêu trên, để đảm bảo các điều kiện về phòng cháy chữa cháy, người dân cần lưu ý các vấn đề sau đây khi xây dựng và bố trí đồ đạc sinh hoạt:
Về lối thoát nạn, cần đảm bảo bố trí đủ 02 lối thoát nạn gồm cửa ra vào chính và lối thoát nạn khẩn cấp bên trên (như lối ra ban công, lối lên trên sân thượng hoặc lối lên mái).
Về hệ thống điện trong nhà, khi xây dựng cần giám sát để thi công hệ thống điện đúng thiết kế; sử dụng vật tư như dây dẫn điện, công tắc điện, ổ cắm điện, phích cắm điện và thiết bị điện đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn điện.
Trang bị bình chữa cháy xách tay trong nhà, đặt nơi thuận tiện, dễ thấy, dễ lấy và hướng dẫn cho tất cả thành viên sử dụng thành thạo bình chữa cháy.
Nếu có điều kiện thì trang bị hệ thống báo cháy, thang dây, dây hạ chậm, mặt nạ phòng khói trong nhà.
Tuyệt đối không cất trữ hóa chất dễ cháy nổ (xăng, dầu,…) trong nhà.
Không để các hàng hóa, vật dụng, đồ dùng dễ cháy gần nguồn lửa, nguồn nhiệt.
Bố trí đồ đạc, vật dụng trong nhà một cách khoa học để không làm cản trở các lối thoát nạn trong nhà.
Đối với việc hướng dẫn các kỹ năng thoát nạn cho người dân khi xảy ra cháy nổ, Hiệp hội Phòng cháy chữa cháy & Cứu nạn cứu hộ Việt Nam đã đăng tải các tài liệu hướng dẫn kỹ năng thoát nạn trong các tình huống cháy nổ trên cổng thông tin điện tử và facebook của Hiệp hội.
Người dân có thể truy cập vào cổng thông tin điện tử của Hiệp hội tại địa chỉ www.vfra.org hoặc trang Facebook: Kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và thoát nạn để tham khảo các hướng dẫn thoát nạn này.