November 04, 2021 | 09:39 GMT+7

Những chiếc đồng hồ màu cá hồi đã “hot” trở lại

Băng Sơn

Trong hơn một năm trở lại đây, mặt số màu cá hồi đang là một trong những tông màu thời thượng nhất. Nhưng ít ai biết rằng trong thế giới đồng hồ cơ khí, màu cá hồi đã từng xuất hiện từ rất lâu trước đây…

Những chiếc đồng hồ mặt số mang màu cá hồi ngày càng nhận được sự quan tâm đặc biệt, không chỉ từ những nhà sưu tầm hàng đầu mà cả những người đam mê nghệ thuật Haute Horlogerie. Năm 2019, màu cá hồi đã được Pantone Color Institute (Viện Màu sắc Pantone) bầu chọn là "Color of the Year - Màu sắc đặc trưng của năm".

Màu cá hồi là sự kết hợp giữa màu hồng và màu đỏ nhạt, xuất hiện rất nhiều trong đời sống xã hội của chúng ta. Nhiều thương hiệu đồng hồ lớn như A. Lange & Söhne, Montblanc, Grönefeld, Audemars Piguet hay Patek Philippe đều đã từng cho ra mắt những mẫu đồng hồ với màu mặt số này.

MẶT SỐ ĐỒNG HỒ NÊN CÓ MÀU GÌ?

Mặt số thường được xem như "bộ mặt" của một chiếc đồng hồ, là ấn tượng đầu tiên của người xem khi tiếp xúc với một chiếc đồng hồ. Đối với nhiều nhà sưu tầm đồng hồ thủ công sành sỏi, họ có thể đánh giá được giá trị của một chiếc đồng hồ chỉ đơn giản qua mặt số.

Đó luôn là nơi để các nghệ nhân thoả sức thể hiện ý tưởng của họ bất chấp chất liệu, bố cục, phông chữ, và đặc biệt, là màu sắc ở các chất liệu khác nhau dù là kim loại hay sứ, hoặc sơn mài...

Những chiếc đồng hồ màu cá hồi đã “hot” trở lại - Ảnh 1
Những chiếc đồng hồ màu cá hồi đã “hot” trở lại - Ảnh 2
 

Màu sắc của mặt số có thể định nghĩa hoặc phá vỡ vẻ đẹp của một chiếc đồng hồ. Dù vậy, không thể phủ nhận rằng màu sắc mặt số có thể tạo ra những sự kết hợp độc đáo, thú vị mà ít ai nghĩ tới. Xanh lam, đen hay trắng luôn là những màu sắc quen thuộc và an toàn hơn cả, được nhiều thương hiệu sử dụng trên mặt số đồng hồ.

Việc đưa những màu sắc lạ lẫm như xanh lục, vàng, đỏ hay cam có thể làm cho chiếc đồng hồ trở nên nổi bật hơn và thể hiện cá tính của người đeo. Ngoài ra, những phối màu khác như màu nâu lại được sử dụng để tăng độ vintage (cổ điển) cho đồng hồ, hay màu sâm-panh tạo cảm giác sang trọng, tinh tế.

Đặc biệt, màu sắc phá cách mang hơi hướng unisex đã vượt qua nhiều thời điểm khác nhau, chiếm một chỗ đứng vững chắc trong lòng những người yêu đồng hồ, một trong số đó là màu hồng cam nhạt, hay còn được gọi là màu hồng cá hồi.

Dòng 5270 của Patek Philippe ra mắt vào năm 2011.
Dòng 5270 của Patek Philippe ra mắt vào năm 2011.

Mặt số cá hồi trên những chiếc đồng hồ vintage chính là một trong những yếu tố quan trọng làm tăng giá trị và sức hút của chúng. Ví dụ rõ ràng nhất là chiếc Patek Philippe ref. 1518 màu cá hồi được đấu giá trong phiên đấu giá Geneva Watch Auction XI. Dòng 5270 của Patek Philippe đã được ra mắt vào năm 2011 để thay thế cho phiên bản 5970 dựa trên bộ máy Lemania huyền thoại. Lần này, ref. 5270 được ra mắt với mặt số cá hồi kết hợp thân vỏ platinum hoàn toàn mới.

Việc sử dụng mặt số cá hồi lần này cho thấy một bước đi khôn ngoan của Patek Philippe bởi nó gợi nhắc về những mẫu đồng hồ nổi tiếng trước đây như ref. 5101P hay ref. 5450P - hai chiếc đồng hồ với mặt số màu cá hồi và thân vỏ platinum.

Tuy là một phối màu được nhiều người săn đón, mặt số cá hồi không phải là loại mặt số phù hợp với tất cả mọi người. Đây cũng là điều khiến cho màu cá hồi trở nên đặc biệt thu hút đối với các nhà sưu tầm sành sỏi và những người đam mê nghệ thuật Haute Horlogerie.

NHỮNG “CHÚ CÁ HỒI” NỔI TIẾNG TRONG LỊCH SỬ

Trước đó, chiếc Patek Philippe ref. 5080 “Neptune” được ra mắt vào năm 1996 thuộc dòng đồng hồ thể thao xa xỉ vỏ thép của Patek Philippe, gần 20 năm sau khi bộ sưu tập Nautilus khuấy đảo thế giới đồng hồ.

Những chiếc đồng hồ màu cá hồi đã “hot” trở lại - Ảnh 3

Với thiết kế khác xa Nautilus, Neptune có thân vỏ và dây thép tinh xảo kết hợp cùng thiết kế mặt số độc đáo, góp phần tạo nên sức hấp dẫn riêng biệt cho mẫu Patek Philippe có tuổi đời khá ngắn này (đã ngưng sản xuất vào năm 2002). Dù có kích thước chỉ 36.5 mm, nhưng chiếc Neptune tạo cảm giác lớn hơn nhờ núm vặn lớn hơn thông thường. Patek Philippe ref. 5080 “Neptune” được sản xuất vào năm 1996 và là một trong những mẫu đồng hồ màu cá hồi đầu tiên của bộ sưu tập này.

Được giới thiệu lần đầu vào những năm 1930s, Rolex Bubbleback được biết đến là một trong những chiếc đồng hồ đầu tiên có cơ chế lên cót tự động với quả văng hoàn chỉnh. Quả văng tự động này khá dày, do đó hãng đã thiết kế mặt dưới nhô ra thay vì tăng kích thước của cả thân vỏ, tạo nên biệt danh "Bubbleback" cho mẫu đồng hồ này. Là phiên bản Oyster Perpetual đời đầu, Bubbleback là chiếc Rolex đầu tiên có cả ba từ "Oyster", "Perpetual" và "Chronometer" được in trên mặt số - ba từ nổi tiếng nhất trên những chiếc đồng hồ Rolex ngày nay.

Những chiếc đồng hồ màu cá hồi đã “hot” trở lại - Ảnh 4

Từ những năm 1930s, mặt số cá hồi đã xuất hiện trên mẫu đồng hồ Bubbleback của Rolex. Những tài liệu nghiên cứu cũng chỉ ra rằng phiên bản Bubbleback màu cá hồi thường xuất hiện tại thị trường Nam Mỹ. Sau đó, nhiều phiên bản mặt số và chất liệu khác nhau của Bubbleback đã được Rolex sản xuất cho đến giữa những năm 1950s.

Ra mắt vào năm 1956, Rolex Day-Date được coi là một trong những chiếc đồng hồ mang tính biểu tượng nhất do Rolex sản xuất và là chiếc đồng hồ lên cót tự động đầu tiên có chức năng hiển thị ngày. Với sự kết hợp giữa nhiều kim loại quý như platinum, vàng hồng và vàng trắng nguyên khối trên thân vỏ, Day-Date là chiếc đồng hồ từng được đeo bởi các Tổng thống, người nổi tiếng, các nhà lãnh đạo quyền lực hay thậm chí cả các vận động viên chuyên nghiệp (chiếc Rolex Day-Date của Jack Nicklaus - golf thủ vĩ đại nhất mọi thời, từng được bán tại sự kiện đấu giá Game Changer New York).

Những chiếc đồng hồ màu cá hồi đã “hot” trở lại - Ảnh 5

Mặc dù mẫu đồng hồ này có viền bezel được chia làm ba phần, nhưng được săn lùng nhiều nhất hiện nay vẫn là chiếc Rolex Day-Date ref. 1802 với viền bezel mỏng hơn. Phiên bản vỏ vàng trắng 18K của chiếc ref. 1802 sở hữu mặt số cá hồi chính là một trong số đó. Mặt số cá hồi kết hợp cùng vỏ vàng trắng tạo nên nét tương phản tuyệt đẹp, hấp dẫn và đầy mê hoặc.

Với sự nghiệp kéo dài hơn 50 năm, nghệ nhân đồng hồ Daniel Roth đã trải qua tất cả những thăng trầm trong ngành công nghiệp đồng hồ cơ khí. Sau khi trải qua những năm đầu tại Audemars Piguet, Daniel Roth đã đóng vai trò quan trọng tại Breguet trong những năm 1970s khi Breguet được mua lại bởi nhà kim hoàn Chaumet tại Paris. Khi Cuộc khủng hoảng Quartz diễn ra, Roth đã bắt đầu tạo dựng tiếng vang khi chế tác những mẫu đồng hồ phức tạp và được hoàn thiện tinh xảo, gây chú ý với những khách hàng trung thành của Breguet.

Những chiếc đồng hồ màu cá hồi đã “hot” trở lại - Ảnh 6

Năm 1989 là năm đột phá của Daniel Roth, khi ông trở thành một trong số ít các nghệ nhân đồng hồ độc lập có thể chế tác thủ công. Những chiếc đồng hồ Daniel Roth có thiết kế vỏ tonneau đặc trưng và chi tiết phức tạp được hoàn thiện vô cùng tỉ mỉ, kỹ lưỡng.

Thương hiệu Daniel Roth đã được mua lại bởi Bvlgari vào năm 2000. Chiếc Daniel Roth Skeleton Chronograph có chữ kí của Daniel Roth là một trong những mẫu đồng hồ cuối cùng được chế tác bởi chính tay ông trước khi Bvlgari mua lại thương hiệu. Là mẫu đồng hồ bấm giờ có mặt số skeleton (lộ máy), bộ máy đồng hồ được để lộ ra trên mặt số với cơ chế hiển thị ngày tại vị trí 6 giờ. Sự kết hợp giữa vỏ vàng trắng và mặt số cá hồi làm tăng thêm sức hút của một chiếc đồng hồ vốn đã rất hiếm ngày nay.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate