Từ ngày 1/7, Luật cư trú sửa đổi bắt đầu có hiệu lực với nhiều điểm mới tác động tới cuộc sống của mọi người dân.
Luật Cư trú 2020 cơ bản kế thừa quy định của Luật hiện hành, đồng thời sửa đổi, bãi bỏ và làm rõ hơn các quy định trước đây nhằm bảo đảm tốt hơn nữa quyền tự do cư trú của công dân; góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự trong tình hình mới; đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến công tác đăng ký, quản lý cư trú và đáp ứng yêu cầu ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong công tác quản lý cư trú mà trọng tâm là xây dựng, quản lý cư trú qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Luật Cư trú năm 2020 có 7 chương, 38 điều và có một số nội dung mới, sửa đổi, bổ sung so với Luật Cư trú năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2013), trong đó, Chương IV của luật quy định việc đăng ký, quản lý thường trú từ phương thức thủ công bằng sổ giấy sang phương thức quản lý hiện đại bằng công nghệ thông tin, thông qua việc sử dụng mã số định danh cá nhân để truy cập, cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Bên cạnh đó, Luật Cư trú sửa đổi bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương nhằm tạo sự bình đẳng trong quản lý cư trú đối với mọi công dân, bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013.
Liên quan tới Luật này, ngày 29/6, Chính phủ ban hành Nghị định số 62/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều Luật Cư trú có hiệu lực từ 1/7, trong đó, có hướng dẫn về giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp.
Theo Nghị định, công dân khi đăng ký cư trú cần chứng minh chỗ ở hợp pháp bằng một trong các loại giấy tờ, tài liệu sau: Giấy tờ, tài liệu chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà hoặc tài sản gắn liền với đất do cơ quan có thẩm quyền cấp (trong đó có thông tin về nhà ở); giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng (đối với trường hợp công trình phải cấp giấy phép xây dựng và đã xây dựng xong).
Ngoài ra, để đăng ký cư trú, công dân cũng có thể sử dụng hợp đồng mua bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước hoặc giấy tờ về hóa giá thanh lý nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước; hợp đồng mua nhà ở hoặc giấy tờ chứng minh việc đã bàn giao nhà ở, đã nhận nhà ở của doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nhà ở đầu tư xây dựng để bán; giấy tờ về mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi nhà ở phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai và nhà ở;...
Bên cạnh Luật Cư trú, từ tháng 7, một số luật và chính sách khác cũng bắt đầu có hiệu lực.
Từ ngày 1/7, Nghị định 20/2021/NĐ-CP ban hành ngày 15/03/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội cũng có hiệu lực. Nghị định điều chỉnh mức chuẩn trợ giúp xã hội lên 360.000 đồng/tháng.
Cũng từ ngày 1/7, Nghị định số 61/2021/NĐ-CP ban hành ngày 25/06/2021 quy định chi tiết một số điều của Nghị quyết số 130/2020/QH14 của Quốc hội về việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.
Từ ngày 10/7, Nghị định số 55/2021/NĐ-CP ban hành ngày 24/05/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong đó, đối với vi phạm quy định về cải tạo, phục hồi môi trường trọng hoạt động khai thác khoáng sản.
Từ tháng này, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); Luật Thỏa thuận quốc tế cũng chính thức có hiệu lực.