Về hỗ trợ tiếp cận tín dụng, năm 2023 Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thanh Hóa đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản vay mới nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.
Đến nay, mặt bằng lãi suất tiền cho vay bình quân trên địa bàn tỉnh này giảm từ 1,5-3% so với cuối năm 2022, các tổ chức tín dụng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 266 khách hàng với giá trị nợ được cơ cấu là 1.274 tỷ đồng.
Cùng với đó Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thanh Hóa phối hợp với các sở, ban, ngành, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh tổ chức 3 hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp; các ngân hàng thương mại đã tổ chức 75 hội nghị, buổi đối thoại, gặp gỡ khách hàng vay vốn để cùng chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, hướng dẫn khách hàng trong tiếp cận tín dụng ngân hàng.
Tiếp đến về hỗ trợ thuế, phí và lệ phí, ngành Thuế Thanh Hóa đã thực hiện gia hạn tiền thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất cho doanh nghiệp với số tiền hơn 1.227 tỷ đồng; miễn giảm thuế đất, thuê mặt nước với số tiền 360 tỷ đồng; khoanh tiền nợ thuế cho 1.163 doanh nghiệp với số tiền 98,3 tỷ đồng; xóa nợ tiền thuế cho 983 doanh nghiệp với số tiền 35,7 tỷ đồng.
Theo ông Lê Đình Trúc, Giám đốc Hợp tác xã nông sản hữu cơ Trúc Phượng, huyện Như Thanh, cho biết doanh nghiệp được cho thuê gần 3ha đất để nuôi trồng nấm ăn và nấm dược liệu, ngành thuế đã tạo điều kiện hướng dẫn thực hiện giảm tiền thuê đất giúp doanh nghiệp. Tuy số tiền không lớn, nhưng trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, khoản tiền trên giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất.
Về hỗ trợ công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, Chương trình khuyến công quốc gia và chương trình khuyến công của tỉnh Thanh Hóa đã hỗ trợ cho 9 doanh nghiệp ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất chế biến lâm sản; hỗ trợ 1 doanh nghiệp thực hiện mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất, chế biến lâm sản; hỗ trợ 8 doanh nghiệp ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Tỉnh này cũng tích cực hỗ trợ chuyển đổi số và áp dụng công nghệ số cho các doanh nghiệp trên địa bàn.
Gần 1.200 doanh nghiệp tại tỉnh này đã được hỗ trợ miễn phí chữ ký số trong năm đầu hoạt động. Thanh Hóa hỗ trợ 432.000 tem truy xuất nguồn gốc cho các đơn vị, qua đó góp phần truy xuất nguồn gốc tạo, dựng thương hiệu cho nông sản thực phẩm an toàn của tỉnh, thúc đẩy liên kết giữa sản xuất - cung ứng và tiêu thụ thực phẩm an toàn.
Về hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hoá, năm 2023, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Hội nghị kết nối cung - cầu và trưng bày giới thiệu sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn tỉnh Thanh Hóa thu hút được 84 doanh nghiệp trong tỉnh và 22 doanh nghiệp của 16 tỉnh, thành phố trong cả nước tham gia. Tỉnh này cũng tổ chức 4 phiên chợ giới thiệu nông sản, thực phẩm an toàn trên địa bàn huyện Thiệu Hóa và huyện Quảng Xương với quy mô 30 gian hàng/phiên.
Ngoài ra, Thanh Hóa hỗ trợ 20 doanh nghiệp tham gia 9 hội chợ trong nước, 10 doanh nghiệp tham gia 3 phiên chợ kết nối cung - cầu về nông thôn tại các tỉnh, thành phố. Trong năm 2023, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức các đoàn xúc tiến đầu tư, thương mại tại các nước để giới thiệu các sản phẩm, hàng hóa tiêu biểu của tỉnh, nhằm tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường xuất khẩu cho các doanh nghiệp.
Tỉnh Thanh Hóa tăng cường hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực và hỗ trợ thông tin. Cụ thể, các ngành, địa phương, đơn vị đã tổ chức 77 lớp bồi dưỡng kiến thức về khởi sự doanh nghiệp và bồi dưỡng kiến thức về quản trị doanh nghiệp cho 3.850 học viên; 13 khóa đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực sản xuất, chế biến cho 195 học viên; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề cho 300 học viên là các chủ cơ sở, lao động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Thanh Hóa đã in, cấp phát miễn phí 3.000 cuốn cẩm nang hướng dẫn về trình tự thủ tục đăng ký doanh nghiệp, quy trình thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử và một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cho các đối tượng có nhu cầu sử dụng; hỗ trợ miễn phí chuyển phát kết quả thực hiện thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp cho trên 1.300 lượt doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tại Thanh Hóa còn có những khó khăn, hạn chế, như một số doanh nghiệp nhỏ và vừa không có tài sản đảm bảo hoặc tài sản đảm bảo có giá trị thấp, trong khi nhu cầu vay vốn lớn, dẫn đến khó khăn trong tiếp cận vốn vay tại các tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, kết quả thực hiện một số nội dung chính sách hỗ trợ doanh nghiệp còn thấp, như hỗ trợ chuyển phát kết quả thực hiện thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng chữ ký số. Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nguồn ngân sách trung ương triển khai còn chậm, như chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, chính sách hỗ trợ công nghệ cho doanh nghiệp.
Tại hội nghị tổng kết do Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa tổ chức vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi cam kết cam kết tỉnh sẽ luôn đồng hành hỗ trợ, tháo gỡ hiệu quả các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Đồng thời, lãnh đạo tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh hiệu quả, phát triển bền vững.