Năm 2023 ghi nhận có nhiều tuyến đường cao tốc được khởi công trên khắp cả nước. Tại miền Bắc là đường vành đai 4 xung quanh Hà Nội, miền Trung là các dự án đường cao tốc Bắc Nam, còn ở miền Nam là những tuyến đường kết nối với một số tỉnh thành lớn.
Theo chuyên gia về đô thị đánh giá, việc xây dựng, phát triển các tuyến đường có ý nghĩa quan trọng bởi “Cầu và đường mở đến đâu, giá bất động sản sẽ tăng đến đấy”. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó có đường giao thông xem như một bước đệm, tạo động lực thúc đẩy cho tiện ích khác phát triển. Qua đó, góp phần làm thay đổi diện mạo của khu vực, đồng thời thu hút thêm nguồn vốn đầu tư dự án từ doanh nghiệp trong và ngoài nước, tạo sức bật cho thị trường bất động sản địa phương.
Ngoài ra, dự kiến năm 2023, ba bộ luật liên quan đến thị trường bất động sản được sửa đổi, bao gồm: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản sẽ tháo gỡ một số vướng mắc về pháp lý cho thị trường hiện nay, cũng như bổ sung hành lang pháp lý cho các loại hình bất động sản mới như: officetel, condotel, biệt thự biển…
Về vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu bày tỏ: “Tôi có niềm tin với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cuối năm nay, các luật cơ bản gồm: Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản… sẽ thông qua có tính đồng bộ hơn, thống nhất hơn, giúp tháo gỡ khó khăn lớn nhất về pháp lý. Tuy nhiên, trong thời gian chờ, tôi mong Chính phủ có thể ban hành một số nghị định xử lý tình huống. Bởi hiện nay trước khó khăn của nền kinh tế, vấn đề cùng nhau vượt qua là quan trọng nhất. Rất cần sự đồng hành của các bộ ngành, doanh nghiệp, tổ chức tín dụng, người dân… nhằm tìm điểm cân bằng, hài hoà lợi ích giữa bên liên quan.
Đồng quan điểm, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng kỳ vọng năm 2023, sẽ giải quyết, tháo gỡ được từng bước những vướng mắc và dần tiến tới hoàn thiện thể chế cho thị trường bất động sản. “Giai đoạn hiện nay, các cơ chế chính sách rất cần phải xử lý, sửa đổi, bổ sung kịp thời, qua đó giúp thị trường bất động sản vượt qua khó khăn. Vì vậy đề nghị Chính phủ nhanh chóng ban hành để khắc phục mặt còn tồn tại hạn chế”.
Tương tự, dưới góc độ cơ quan tham mưu cho Chính phủ, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản Vương Duy Dũng cũng kỳ vọng Chính phủ sớm ban hành chính sách, cơ chế liên quan nhằm gỡ khó cho thị trường bất động sản. Chia sẻ thêm, ông cho biết: “Hiện nay, những vướng mắc của quy định pháp luật, với sự chỉ đạo tích cực, quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành đang rất khẩn trương hoàn thiện nội dung nghị định, quy định sửa đổi liên quan. Chính cách làm cùng tinh thần như vậy, thì vướng mắc liên quan sẽ sớm tháo gỡ, mà đồng bộ các ngành, chứ không riêng gì một ngành, lĩnh vực nào. Đấy là cơ sở, điều kiện thuận lợi để hy vọng thị trường bất động sản năm 2023 và thời gian tới phát triển ổn định hơn”.