March 27, 2023 | 12:44 GMT+7

Những "cú huých" giúp thị trường bất động sản vượt qua khó khăn

Thanh Xuân -

Với các chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn mà Chính phủ đang quyết liệt thực hiện, nhiều chuyên gia tin tưởng thị trường bất động sản sẽ diễn biến theo kịch bản tích cực khi đón nhận những "cú huých" mạnh mẽ…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Sau thời gian dài gặp khó khăn về nguồn vốn và pháp lý, hiện nay nhiều dấu hiệu cho thấy vấn đề này cũng dần được khơi thông…

LÃI SUẤT HẠ NHIỆT

Ngày 14/3/2023, Ngân hàng nhà nước ban hành Quyết định số 313/QĐ-NHNN đã điều chỉnh lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,5%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng, và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của ngân hàng nhà nước đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng giảm từ 7,0%/năm xuống 6,0%/năm; riêng lãi suất tái cấp vốn giữ nguyên 6%/năm.

Các chuyên gia cho rằng, lãi suất hạ nhiệt sẽ đem lại nhiều tác động tích cực đến cả bên bán, lẫn bên mua trên thị trường bất động sản. Đó là nhu cầu mua bất động sản của khách hàng khởi sắc; tạo tâm lý tích cực cho thị trường bất động sản; đặc biệt chi phí vốn giảm và giá bán hấp dẫn hơn khi chủ đầu tư được tiếp cận nguồn vốn vay có mức lãi suất hợp lý…

Ngoài ra, với Nghị định  08/2023/NĐ-CP do Chính phủ ban hành, về việc: “Sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế”, cũng tạo ra hành lang pháp lý cần thiết để xử lý một số điểm nghẽn hiện nay trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Ví như cho phép tổ chức phát hành trái phiếu thỏa thuận cùng trái chủ gia hạn thời điểm đáo hạn tối đa là 2 năm. Thực tế từ trước, một số tổ chức phát hành tự thảo thuận cùng trái chủ, nhưng do chưa có cơ sở pháp lý cụ thể, nên việc thỏa thuận gặp nhiều khó khăn và tỷ lệ thành công thấp. Nhưng nay hành lang pháp lý được thiết lập, nhằm bảo đảm quyền lợi cho cả đôi bên, nên tình hình dự báo sẽ tốt lên. Mặt khác, Nghị định 08 chấp thuận cho tổ chức phát hành thanh toán nghĩa vụ nợ và lãi trái phiếu bằng tài sản hợp pháp khác. Với quy định như vậy mà áp dụng trong bối cảnh doanh nghiệp đang gặp khó khăn về dòng tiền, chắc chắn là mở ra một lựa chọn khả thi cho doanh nghiệp…

Cùng với những tín hiệu kể trên, hiện nay, nhiều địa phương đang tích cực vào cuộc rà soát, tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án bất động sản. Theo Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ, các địa phương được yêu cầu phải nhanh chóng rà soát lập danh mục dự án nhà ở, bất động sản trên địa bàn; đánh giá cụ thể lý do, nguyên nhân đối với dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai, hoặc chậm triển khai. Trên cơ sở đó, tập trung tháo gỡ vướng mắc về pháp lý, thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án nhà ở nhằm cải thiện nguồn cung cho thị trường.

Đồng thời khẩn trương có kết luận đối với dự án bất động sản đã và đang rà soát thủ tục pháp lý để dự án sớm tiếp tục triển khai....; tích cực, chủ động tổ chức họp, làm việc trực tiếp với từng doanh nghiệp, từng dự án, nhất là dự án lớn để lắng nghe khó khăn của doanh nghiệp, của dự án rồi kịp thời tháo gỡ…

LÀ TRỢ LỰC QUAN TRỌNG

Theo đại diện Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), hàng loạt quyết sách mới từ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đang góp phần giải quyết vướng mắc cho thị trường bất động sản. Đây là trợ lực quan trọng để thị trường có thể vượt qua khó khăn hiện tại, đi đến hồi phục và phát triển trong thời gian tới.

“Những nỗ lực này giúp tháo gỡ “điểm nghẽn” từ tài chính đến pháp lý và được quy định rõ ràng về trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp. Mọi thứ minh bạch là cơ sở cho nhà đầu tư trái phiếu, bất động sản hay chứng khoán thêm niềm tin rót vốn vào thị trường”, vị đại diện HoREA chia sẻ.

Còn đối với doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, đánh giá các quy định sẽ giúp doanh nghiệp không lâm vào cảnh “chết lâm sàng” mà mở ra hy vọng và có thêm thời gian thích hợp để tái cấu trúc sản phẩm. “Doanh nghiệp cần nghiên cứu đưa nhà ở xã hội vào chiến lược kinh doanh của mình, kể cả doanh nghiệp lớn chuyên phát triển nhà ở cao cấp. Nhà ở xã hội chính là sản phẩm tạo ra sự bền vững, ổn định lâu dài”, chuyên gia nêu ý kiến.

Nhấn mạnh thêm, TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, trong thời điểm hiện nay, doanh nghiệp không nên triển khai tràn lan dự án mà cần giảm bớt trường hợp không thể "ôm". Từ đó tập trung đầu tư vào dự án cụ thể, trọng điểm nhằm chủ động giải quyết vấn đề vốn của chính doanh nghiệp mình. Thậm chí, ngay từng dự án nếu không bán được phải đặt câu hỏi tại sao như vậy? Nếu giá cao, chấp nhận hạ giá và hạ thì phải hạ giá thế nào cho phù hợp thị trường.

Ông Thịnh lưu ý rằng dù Chính phủ rất tích cực gỡ vướng cho thị trường bất động sản, bao gồm cả sự quyết tâm đồng hành, chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp, nhưng về phía doanh nghiệp cũng phải tự vận động để cứu chính mình.

Theo các chuyên gia, quyết sách mới đây của Chính phủ là chỉ báo về sự hồi phục cho thị trường bất động sản. Nhìn từ kinh nghiệm những giai đoạn khủng hoảng trước đây, khoảng một năm sau khi có chỉ báo, thị trường sẽ cân bằng. Như vậy có nghĩa hết quý 1/2024, thị trường bất động sản có thể phục hồi.

Tuy nhiên về lâu dài, cơ quan chức năng vẫn cần hoàn thiện hệ thống pháp luật. Trong đó, Luật Đất đai (sửa đổi) nếu được thông qua, có hiệu lực như kế hoạch vào nửa cuối năm 2024 sẽ là bước ngoặt lớn cho ngành bất động sản, khi tháo gỡ được các nút thắt pháp lý liên quan đến việc phê duyệt dự án nhà ở mới, nguồn cung nhà ở mới sẽ thực sự phục hồi.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate