July 03, 2025 | 18:49 GMT+7

Những điều chưa biết về “Henry Ford” của ngành ô tô Trung Quốc

Nam Nguyễn

Li Shufu (Lý Thư Phúc), chủ tịch của Zhejiang Geely Holding Group, thường được ví như “Henry Ford” của Trung Quốc. Tỷ phú này có nhiều điểm tương đồng với huyền thoại ngành ô tô Henry Ford, người đã đặt nền móng trong cuộc cách mạng hóa ngành công nghiệp ô tô Mỹ và có ảnh hưởng rất lớn đến ngành ô tô thế giới.

Xuất thân bình dân, tự lực cánh sinh

Những điều chưa biết về “Henry Ford” của ngành ô tô Trung Quốc - Ảnh 1

Tỷ phú Lý Thư Phúc có nhiều điểm tương đồng với huyền thoại ngành ô tô Henry Ford.

Giống như Henry Ford, trước khi trở thành tỷ phú, Lý Thư Phúc, sinh năm 1963, ông chủ của “gã khổng lồ” ngành ô tô Geely cũng xuất thân trong một gia đình thuần nông ở thành phố Thái Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Lý Thư Phúc tốt nghiệp Đại học Yanshan thuộc tỉnh Hà Bắc với bằng kỹ sư. Năm 19 tuổi, ông dùng 100 nhân dân tệ (16 USD) mà cha cho để mua một chiếc máy ảnh và bắt đầu kinh doanh nhiếp ảnh, chụp ảnh khách du lịch. Sau đó, Li thành lập studio của riêng mình để bán các phụ kiện máy ảnh thủ công.

Đam mê nhiếp ảnh nhưng ông đã chuyển sang thiết kế và sản xuất các bộ phận cho tủ lạnh và Geely đã ra đời năm 1986. Li đã vấp phải rất nhiều cạnh tranh của những doanh nghiệp địa phương. Nhu cầu lớn về linh kiện đã thu hút nhiều nhà đầu tư, nhưng hầu hết trong số họ đã bỏ cuộc vì vấn đề kỹ thuật. Tuy nhiên, Li không lùi bước. Ông đã tìm đến các chuyên gia và nhà máy lớn để tìm công nghệ cốt lõi và thành lập nhà máy của riêng mình. Sản phẩm của ông sau đó được bán trên toàn quốc và dần đưa ông đến con đường thành công. Khi đó Li mới 23 tuổi.

Năm 1989, Nhà nước Trung Quốc bắt đầu quản lý chặt ngành công nghiệp tủ lạnh. Chỉ những nhà máy được chỉ định mới được phép sản xuất tủ lạnh và các linh kiện liên quan. Trong khi đó, Li không có giấy phép cần thiết, đã buộc phải đóng cửa nhà máy của mình.

Năm 1994, xe máy nhập khẩu đắt tiền trở nên rất phổ biến ở Trung Quốc. Li nhận thấy sự phổ biến này và đã quyết định sản xuất xe máy. Tuy nhiên, theo chính sách của Nhà nước, các doanh nghiệp phải được Bộ Công nghiệp chế tạo máy (MMBI) thời điểm đó, chấp thuận. Cơ hội để một công ty tư nhân nhỏ được chấp thuận là cực kỳ mong manh. Li đã đến MMBI để xin cấp phép và ông không thành công.

Cơ hội lại đến khi Li đến Hàng Châu và cứu trợ một nhà máy xe máy do nhà nước sở hữu gần như phá sản. Xoay chuyển tình thế của nhà máy, Li đã giám sát quá trình phát triển thành công động cơ 4 thì cho xe máy. Không lâu sau, xe máy của Li đã được bán ở 22 quốc gia, bao gồm Mỹ, Đức và Ý.

Trong ba năm, doanh số bán xe máy thương hiệu Geely đứng đầu trong số các loại xe máy cùng loại tại Trung Quốc. Bản thân Geely bước đầu đã trở thành công ty tư nhân lớn thứ tư thời điểm đó.

Thời cơ đến, Li nung nấu quyết định tham gia vào sản xuất ô tô.

Sản xuất ô tô cho thị trường đại chúng

Những điều chưa biết về “Henry Ford” của ngành ô tô Trung Quốc - Ảnh 2

Chiếc xe Haoqing đầu tiên chính thức xuất xưởng tại Linh Hải, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử Geely Auto.

Lý Thư Phúc cũng như Henry Ford, ông đã tạo nên Geely - thương hiệu tiên phong làm ra ô tô Trung Quốc giá rẻ, phá vỡ thế độc quyền của các hãng xe đắt tiền chỉ giành cho người giàu, mang lại giấc mơ sở hữu xe cho tầng lớp bình dân.

Bằng chứng là trong những năm 2000, trong khi xe từ Toyota, Honda, hay các liên doanh giá cao, Geely bán xe chỉ vài ngàn USD.

Thời điểm đầu, Li chỉ tìm thấy ba kỹ sư trước đây làm việc cho các nhà máy ô tô. Ông gọi họ đến văn phòng và giới thiệu cho họ ý tưởng sản xuất ô tô của mình. Li và ba kỹ sư đã trở thành lực lượng nghiên cứu và phát triển cốt lõi của Geely những ngày đầu tiên.

Sau khi đến thăm các nhà máy ô tô và trường đại học, Li đã nảy ra một ý tưởng táo bạo hơn. Thay vì chỉ sản xuất ô tô, ông muốn thiết kế thương hiệu của riêng của chính mình. Nhưng con đường không dễ dàng với Lý Thư Phúc khi sản phẩm chưa đảm bảo chất lượng vì nhiều yếu tố từ kỹ thuật đến công nghệ.

Sau nhiều thất bại, China FAW Group, nhà sản xuất ô tô số một tại Trung Quốc, đã đồng ý hỗ trợ nghiên cứu và phát triển của Geely. Nhưng lại có vấn đề liên quan đến quyền sản xuất.

Li một lần nữa cần sự chấp thuận từ MMBI. Doanh nghiệp của ông sẽ cần được chấp thuận cho từng loại ô tô mà họ muốn sản xuất. Nhưng giấy phép sản xuất ô tô được kiểm soát chặt chẽ và rất khó để có được.

Ông đã thành lập một liên doanh với nhà máy ở Tứ Xuyên. Ông dự định sản xuất ô tô nhưng bị từ chối. Vào thời điểm này, Li không có giấy phép cần thiết để sản xuất bất kỳ loại ô tô nào. Ông đã thiết kế một số ô tô nhỏ gọn. Sau rất nhiều nỗ lực, cuối cùng Li cũng đã nhận được sự chấp thuận của MMBI để sản xuất ô tô.

Một năm sau, Li đã mua lại toàn bộ cổ phần của nhà máy Tứ Xuyên và xây dựng nhà máy Geely chính thức đầu tiên của mình tại thành phố Linhai, tỉnh Chiết Giang. Vào tháng 8/1998, mẫu ô tô nhỏ gọn thương hiệu Haoqing đã được sản xuất thành công. Một năm sau, ông thành lập nhà máy ô tô Geely thứ hai tại Khu phát triển kinh tế Ninh Ba.

Geely vào thời mới khởi nghiệp chủ yếu sản xuất các loại xe giá rẻ Geely Haoqing, Merrie, Ulion, Meirenbao, Maple, Beauty Leopard và China Dragon.

Không lùi bước

Những điều chưa biết về “Henry Ford” của ngành ô tô Trung Quốc - Ảnh 3

Trung tâm R&D tại Ninh Ba của Geely, với diện tích 415 mẫu Anh, tích hợp các hoạt động nghiên cứu và phát triển, thử nghiệm, kiểm soát chất lượng, phát triển phối hợp với nhà cung cấp và các dự án độc lập.

Khi Li lần đầu tiên tham gia vào ngành công nghiệp ô tô, rất ít bạn bè ủng hộ ông. Nhưng Li đã làm ngơ và giữ vững lập trường của mình. Ông chắc chắn rằng người tiêu dùng Trung Quốc cần những chiếc xe tiết kiệm mà các nhà máy sản xuất lớn không muốn sản xuất vì biên lợi nhuận hẹp.

Là một công ty tư nhân, tự chủ tài chính, Geely đã chọn bắt đầu ở quy mô phù hợp theo doanh số dự kiến. Công suất sản xuất ban đầu được đặt ở mức 25.000 xe, điều này đã giảm các khoản đầu tư ban đầu và chi phí liên quan.

Thực tế, mọi việc không dễ dàng như vậy. Chính phủ chưa bao giờ cho phép một công ty tư nhân sản xuất ô tô trước đây. Do đó, Geely không thể quảng bá sản phẩm mới hoặc thậm chí nâng cấp xe nhỏ gọn của mình. Hơn nữa, người tiêu dùng vẫn có hoài nghi vào giá của họ, vốn thấp hơn đáng kể so với giá do các công ty nhà nước hoặc công ty liên doanh Trung-nước ngoài.

Li đã phải đến nhiều cơ quan chức năng để xin giấy phép để công ty của mình có thể tồn tại. Ông đã từng nói chuyện với một viên chức một cách rất chân thành rằng: "Xin hãy để tôi thử. Đó là ước mơ của tôi. Tôi sẽ trả tiền cho mọi thứ và chấp nhận mọi rủi ro. Chỉ cần cho tôi cơ hội để tự mình thắng hoặc thua".

Vào ngày 30 tháng 10 năm 2001, 10 ngày trước khi Trung Quốc gia nhập WTO, Ủy ban Hợp tác Kinh tế và Thương mại Nhà nước đã bất ngờ ban hành thông báo công nhận một loại xe do Geely sản xuất. Và Geely đã trở thành một trong những cơ sở sản xuất ô tô tầm cỡ quốc gia.

Việc giảm giá xe nhỏ gọn do các doanh nghiệp nhà nước sản xuất đã kích thích thị trường xe hơi của Geely. Đến cuối năm 2001, Geely đã chứng kiến ​​doanh số tăng mạnh. Xu hướng tăng này tiếp tục đến năm 2002. Li từng đặt mục tiêu tăng sản lượng lên 2 triệu xe một năm vào năm 2015 từ 100.000 xe vào năm 2004. Trong số đó, ​​1,4 triệu xe sẽ được xuất khẩu hoặc sản xuất ở nước ngoài vào thời điểm đó.

Trong giới kinh doanh của Trung Quốc, Lý Thư Phúc là một người gây tranh cãi. Những suy nghĩ táo bạo, ý tưởng sáng tạo và tính cách kiên định của ông khiến nhiều người thậm chí không “ưa. Lý Thư Phúc vẫn kiên trì với ước mơ sản xuất ô tô, mọi người coi ông là “điên” khi chưa từng có một công ty tư nhân nào tham gia vào ngành này ở Trung Quốc. Tuy nhiên, Li đã đột phá vào ngành công nghiệp ô tô tỷ dân. Mặc dù việc Trung Quốc gia nhập WTO đã mang lại lợi ích rất lớn cho Li, nhưng không ai có thể phủ nhận rằng thành công của ông bắt nguồn từ sự sáng tạo và quyết tâm của ông.

Xây dựng nền công nghiệp ô tô bản địa

Lý Thư Phúc cũng có điểm tương đồng với Henry Ford với những cải tiến vượt bậc. Nếu như Henry Ford nổi tiếng với phương pháp mới trong sản xuất, đẩy mạnh công nghiệp ô tô của Mỹ lên tầm cao mới thì ở Trung Quốc, Lý Thư Phúc ngay từ đầu đã có tư duy khác biệt, một mình một hướng đi, từng bước vạch ra kế hoạch đầu tư xây dựng cả hệ sinh thái hoàn chỉnh lâu dài cho ngành ô tô Trung Quốc.

Những điều chưa biết về “Henry Ford” của ngành ô tô Trung Quốc - Ảnh 4

BMA (B-segment Modular Architecture) là nền tảng mô-đun nhỏ gọn được Geely phát triển độc lập, kết tinh từ 4 năm nghiên cứu với sự tham gia của gần 100 chuyên gia từ hơn 20 quốc gia. Với khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn khắt khe của châu Âu và hỗ trợ lái xe tự hành cấp độ L2 và L3, BMA mang lại một trải nghiệm lái thông minh và an toàn vượt trội.

Trên tinh thần “tự chủ” là cốt lõi, Geely luôn đặt đổi mới công nghệ là yếu tố trọng tâm trong chiến lược phát triển dài hạn của mình. Không như nhiều đối thủ, trong cả thập kỷ qua, Geely đã đầu tư hơn 140 tỷ NDT (20 tỷ USD) cho hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ kỹ thuật ô tô.

Geely đã thành lập các trung tâm R&D và thiết kế trên toàn cầu tại Thượng Hải, Hàng Châu, Ninh Ba, Gothenburg, Coventry, California, Frankfurt, v.v…, với hơn 30.000 nhân viên R&D và hơn 32.000 bằng sáng chế. Geely vận hành các nhà máy sản xuất xe và hệ thống truyền động đẳng cấp thế giới tại Trung Quốc, Mỹ, Vương quốc Anh, Thụy Điển, Bỉ và Malaysia, đồng thời sở hữu mạng lưới bán hàng và dịch vụ trên toàn thế giới bao gồm hơn 4.000 chi nhánh.

Đến tháng 09/2024, Geely thậm chí đã phóng thành công 30 vệ tinh quỹ đạo thấp lên bề mặt Trái đất, phủ sóng 90% địa cầu với dịch vụ liên lạc 24/7. Theo kế hoạch, con số sẽ tăng lên 72 vệ tinh vào cuối 2025 và hướng tới phát triển mạng lưới 6.000 vệ tinh để cung cấp dịch vụ thông tin liên lạc di động và tín hiệu băng thông rộng tốc độ trên toàn cầu.

Geely cũng đã đưa ra nhiều cải tiến công nghệ đáng chú ý, bao gồm các giải pháp tối ưu hóa động cơ và hệ thống truyền động, các nền tảng kiến trúc như CMA, BMA, SPA và SEA.

Trong công nghệ pin, Geely cũng mạnh tay đầu tư xây dựng một nhà máy sản xuất pin xe điện với công suất sản xuất hàng năm theo kế hoạch là 42 gigawatt giờ (GWh) tại thành phố Ganzhou ở phía đông Trung Quốc, tổng vốn đầu tư vào dự án của nhánh công nghệ Geely được cho là 30 tỷ nhân dân tệ (4,61 tỷ USD).

Geely gần đây còn tiếp tục giới thiệu hệ thống công nghệ "AI toàn miền cho xe thông minh" mang tính đột phá tại CES 2025. Geely đặt mục tiêu tạo ra "Trí tuệ tự động cho tính di động" bản địa, ấm áp, đồng cảm và liên tục phát triển. Các phát triển AI tiên tiến được xây dựng trên hệ thống này bao gồm mô hình giọng nói lớn đầu cuối, khung gầm kỹ thuật số AI, buồng lái thông minh và công nghệ lái xe thông minh. Những cải tiến này sẽ dần xuất hiện trong các mẫu xe tương lai của Geely và bằng công nghệ của chính Geely.

Vươn ra toàn cầu

Hành trình trở thành Tập đoàn ô tô toàn cầu của Geely cũng như Henry Ford từng làm với Ford. Geely tạo ra những cú sốc với những thương vụ M&A chiến lược và các mối quan hệ đối tác.

Những điều chưa biết về “Henry Ford” của ngành ô tô Trung Quốc - Ảnh 5

Ông Lý Thư Phúc, Chủ tịch của Zhejiang Geely Holding Group và ông Lewis Booth, CFO của Ford Motor Company, tại Lễ ký kết thỏa thuận mua cổ phần thương hiệu Volvo từ Ford. Ảnh: Volvo.

Cú sốc lớn nhất có lẽ là vào năm 2010, Geely đã khiến cả ngành ô tô toàn cầu kinh ngạc khi mua lại Volvo Cars từ tay Ford Motor Company với giá 1,8 tỷ USD. Thương vụ này không chỉ giúp Geely tiếp cận được những công nghệ tiên tiến về an toàn và thiết kế mà còn tăng độ tin cậy cho thương hiệu trên thị trường quốc tế. Đây cũng là thương vụ mua lại lớn nhất ở nước ngoài của một nhà sản xuất ô tô Trung Quốc thời điểm bấy giờ.

Hành trình của Geely vươn ra toàn cầu chưa dừng lại ở Volvo. Năm 2018, Geely trở thành đối tác chiến lược của Daimler - hãng mẹ của Mercedes-Benz và mua lại 9,69% cổ phần của hãng này, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong chiến lược quốc tế hóa và đổi mới công nghệ. Geely chính thức trở thành cổ đông lớn thứ hai của thương hiệu xe sang Đức vào tháng 3/2018. Cùng thời gian này, Geely đã sở hữu 51% cổ phần của Lotus, một hãng xe thể thao của Anh Quốc.

Cuối tháng 5/2017, Geely tiếp tục mua lại 49,9% cổ phần của hãng xe Proton từ Tập đoàn DRB-Hicom (Malaysia), đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong việc thâm nhập sâu hơn vào thị trường Đông Nam Á.

Bên cạnh việc thực hiện các thương vụ M&A và hợp tác với các thương hiệu lớn trên toàn cầu, Geely còn tập trung vào việc nghiên cứu, phát triển các thương hiệu xe cao cấp là Lynk & Co và Zeekr. Trong đó, Lynk & Co là thương hiệu xe kết hợp phong cách hiện đại và công nghệ kết nối tiên tiến, được ra mắt năm 2016. Sau 8 năm ra mắt, Lynk & Co đã và đang rất được ưa chuộng tại thị trường khó tính bậc nhất thế giới như châu Âu, Mỹ và Trung Đông.

Những điều chưa biết về “Henry Ford” của ngành ô tô Trung Quốc - Ảnh 6

Geely của tỷ phú Lý Thư Phúc hiện đang sở hữu một hệ sinh thái toàn diện với đa dạng các thương hiệu.

Trong khi đó Zeekr - Thương hiệu xe điện cao cấp tập trung vào thị trường xe năng lượng mới (NEV). Hiện tại, Zeekr đã có mặt tại hơn 30 thị trường, bao gồm các quốc gia châu Âu (Thụy Điển, Hà Lan…), cũng như tại châu Á, châu Úc và Trung Đông. Kể từ khi ra mắt vào năm 2021, Zeekr đã giao hơn 310.000 xe trên toàn cầu trong vòng 33 tháng – một kỷ lục đối với các nhà sản xuất xe thuần điện.

Lý Thư Phúc không phải ngẫu nhiên được ví như “Henry Ford” của Trung Quốc. Trong ngành công nghiệp ô tô khổng lồ của quốc gia tỷ dân, Lý Thư Phúc nổi bật lên bởi tinh thần tự lực cánh sinh, dám liều lĩnh mạnh tay đầu tư, tự chủ nhiều công nghệ đa ngành (chip, phần mềm, AI, vệ tinh), là người đầu tiên kết nối ô tô Trung Quốc tới tiêu chuẩn hoá toàn cầu, biến một công ty tư nhân nội địa thành một đế chế xuyên biên giới và đặc biệt là tầm nhìn xây dựng hình ảnh Geely không chỉ là một hãng xe Trung Quốc mà là một hãng xe toàn cầu. Ngoài ra, tỷ phú này còn nổi bật với trách nhiệm trong lĩnh vực giáo dục, môi trường và cam kết phát triển bền vững.

Ông Lý Thư Phúc hiện được Forbes xếp hạng là một trong những người giàu nhất Trung Quốc. Tính đến tháng 4/2025, ông đứng ở vị trí 107 trên bảng xếp hạng Forbes với tài sản 18,7 tỷ USD.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate