November 06, 2012 | 14:06 GMT+7

Những điều ít biết về bầu cử Tổng thống Mỹ

Hồng Ngọc

Nếu Obama và Romney có cùng số phiếu đại cử tri, Mỹ có thể có tổng thống người Cộng hòa, còn cấp phó là người đảng Dân chủ

Thế giới đang dõi xem ai trong số hai ứng viên Barack Obama và Mitt Romney sẽ trở thành tổng thống tiếp theo của nước Mỹ - Ảnh: SAI.<br>
Thế giới đang dõi xem ai trong số hai ứng viên Barack Obama và Mitt Romney sẽ trở thành tổng thống tiếp theo của nước Mỹ - Ảnh: SAI.<br>
4 năm một lần, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ lại trở thành tâm điểm chú ý của dư luận Mỹ cũng như cộng đồng quốc tế. Ngoài "nội tình" cuộc bầu cử, những thông tin bên lề cũng được báo chí khai thác triệt để.

Năm nay, hãng tin BBC đã công bố một danh sách những điều ít người biết về các cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ trong lịch sử và năm 2012, như thứ ba luôn được ấn định là ngày bầu cử, các ứng cử viên không được đeo kính râm trong mùa tranh cử, thậm chí cả lúc đi nghỉ ngơi hay những quy định thú vị ở các bang.

Ngày bầu cử luôn vào thứ Ba

Bất kể số lượng cử tri có ở mức thấp nhất hay có tới 1/4 số cử tri không thể đi bỏ phiếu vì quá bận rộn, thì các cuộc bầu cử cũng không thể diễn ra vào dịp cuối tuần. Thứ ba sau ngày thứ hai đầu tiên của tháng 11 đã được mặc định ngày bầu cử Tổng thống Mỹ kể từ năm 1845 cho tới tận bây giờ.

Hồi giữa thế kỷ 19, Mỹ khi ấy còn là một nước nông nghiệp, nên người dân phải mất rất nhiều thời gian để cưỡi ngựa hoặc chạy xe do ngựa kéo để có thể tới được những điểm bỏ phiếu gần nhất. Thứ 7 là ngày làm việc ở nông trang, chủ nhật là ngày nghỉ ngơi, thứ 4 lại là phiên chợ. Do đó chỉ còn thứ 3 là phù hợp.

Không được đeo kính râm

Rất hiếm chính khách Mỹ bị lọt vào ống kính máy ảnh khi đang đeo kính râm, đặc biệt là trong giai đoạn tranh cử, thậm chí cả khi đang nghỉ ngơi. Nhiều bức ảnh cho thấy "sự kỳ lạ" này, chẳng hạn như Obama chơi golf để nắng rọi cả vào mắt, hay Romney dù rất chói vẫn không đeo kính ngồi ở ghế sau một chiếc môtô lướt trên mặt nước ở New Hampshire.

Theo Parker Geiger, một nhà tư vấn hình ảnh ở Atlanta, nếu mắt một người bị che giấu, người khác sẽ ít tin tưởng anh hay chị ta hơn. "Bạn sẽ không phán đoán được người đó. Không có sự tiếp xúc bằng ánh mắt, thì làm sao bạn xây dựng được lòng tin ở người khác. Kính râm tạo ra rào cản giữa bạn và người khác. Mắt là cửa sổ của tâm hồn, nếu tôi không nhìn thấy tâm hồn bạn, thì làm sao tôi tin tưởng bạn".

Bỏ phiếu cho "không ai trong số ở trên"

Nếu bạn không thích những món hàng trên kệ của cửa hàng, thì đừng có trả tiền mua nó. Việc bầu cử ở tiểu bang Nevada của Mỹ cũng diễn ra theo lý như vậy, các nhà tổ chức cho phép cử tri được quyền đánh dấu chọn lựa của mình vào ô "không ai trong số trên".

Lựa chọn này đã xuất hiện trên lá phiếu bầu tổng thống ở bang Nevada từ năm 1976 và đã có rất nhiều cử tri chọn ô này. Trong cuộc bầu cử thượng nghị sĩ năm 2010, khoảng 2,25% cử tri đã có sự lựa chọn “không”, thay vì bỏ phiếu cho ứng viên Đảng Dân chủ Harry Reid hoặc đối thủ Đảng Cộng hòa Sharon Angle. Kết quả là ông Reid đã chiến thắng.

Ngón tay cái của ông Obama

Một đặc điểm dễ nhận thấy trong cả ba cuộc tranh luận trên truyền hình giữa đương kim Tổng thống Mỹ và đối thủ đảng Cộng hòa Mitt Romney, là cách dùng ngón tay cái của ông Obama. Tại các cuộc tranh luận này, ông Obama thường đưa tay của mình ra, với ngón cái đặt trên bàn tay nắm hờ, mỗi khi cần nhấn mạnh một điểm nào đó.

Theo chuyên gia ngôn ngữ cơ thể Patti Wood, cử chỉ này không tự nhiên có trong giao tiếp thông thường, mà có thể đã được Obama tập luyện để giúp ông trở nên mạnh mẽ hơn. "Đó là một vũ khí biểu tượng", bà Wood nói. "Người diễn thuyết tập luyện làm thế để trông mạnh mẽ hơn, thu hút sự chú ý của cử tọa. Khi diễn thuyết, biểu hiện này được dùng để nhấn các điểm mạnh và khiến người nói trở nên mạnh mẽ hơn".

Chức danh trọn đời

Mitt Romney là Thống đốc bang Massachusetts trong suốt 4 năm. Ông đã rời nhiệm sở gần 6 năm trước. Tuy nhiên, đến giờ ông vẫn được gọi là Thống đốc Romney, nhưng có vẻ đó là một chức danh danh dự chứ không phải là một chức danh chính trị.

Mỹ chỉ có một tổng thống trong một thời điểm, nhưng Bill Clinton và George Bush luôn được gọi là Tổng thống Clinton và Tổng thống Bush, thậm chí là trong cùng một câu viết với Obama (tiếng Việt thường thêm chữ "cựu" hoặc "nguyên" ở trước các chức danh này - PV). Hay trong chiến dịch tranh cử sơ bộ của Đảng Cộng hòa, Newt Gingrich thường được gọi là Chủ tịch Hạ viện, dù ông đã rời chức vụ này gần 14 năm.

Theo bạn, ai sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cuối năm nay?
  • Đương kim Tổng thống Barack Obama

  • Ứng viên Mitt Romney


Người thua vẫn có thể vào Nhà Trắng

Trong lịch sử nước Mỹ, đã có tới 4 lần ứng viên nhận ít phiếu hơn trở thành tổng thống. Nguyên nhân là bởi người chiến thắng cần giành được đa số phiếu đại cử tri, vốn được chia cho các bang theo dân số và phần lớn thực hiện theo cách người chiến thắng giành được toàn bộ số phiếu đại cư tri của bang đó..

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ thực chất là 51 cuộc đua riêng rẽ (ở 50 bang và ở thủ đô Washington DC) và người giành được 270 lá phiếu đại cử tri sẽ trở thành tổng thống. Gần đây nhất, vào năm 2000, George Bush đã giành được nửa triệu phiếu phổ thông, ít hơn đối thủ Al Gore, nhưng ông lại giành chiến thắng vì có được 271 phiếu đại cử tri.

Tổng thống, phó tổng thống có thể thuộc 2 đảng

Nhiều chuyên gia phân tích rằng, chính trị Mỹ đang ở tình trạng bị chia rẽ sâu sắc nhất trong hơn một thế kỷ qua. Điều này có thể dẫn tới một kết cục rằng, Romney có thể trở thành Tổng thống Mỹ, trong khi đương kim Phó tổng thống Joe Biden sẽ tái cử chức vụ này.

Theo Hiến pháp Mỹ, nếu các ứng viên tổng thống giành được số phiếu đại cử tri bằng nhau (269 phiếu), kết quả cuối cùng sẽ do Hạ viện gồm 435 thành viên quyết định. Nếu xảy ra trường hợp đó trong năm bầu cử này, Romney sẽ được chọn do đảng Cộng hòa đang kiểm soát Hạ viện. Trong khi đó Thượng viện với đảng Dân chủ chiếm đa số sẽ chọn Biden.

Chỉ một phần ba nước Mỹ quyết định

Vào ngày 6/11 (giờ địa phương), cuộc bầu cử sẽ được quyết định bởi chưa đầy 1/3 dân số Mỹ. Lý do là cử tri tại phần lớn các bang, bao gồm 4/5 bang đông dân nhất, dành sự ủng hộ vững chắc cho phe Cộng hòa hoặc Dân chủ, khiến các ứng viên không quan tâm lắm đến việc vận động tranh cử ở đó.

Thay vào đó, các ứng viên dồn sức cho một số bang mà cử tri chưa quyết định bỏ phiếu cho ai trong nỗ lực giành được 270 phiếu đại cử tri cần thiết để thắng cử. Vì thế, có thể nói cuộc bầu cử được quyết định bởi khoảng 30% dân số sống tại những bang này. Đối với 70% số người Mỹ sống ở California, Texas, Georgia, New York, Illinois và 35 bang an toàn khác, phiếu của họ tính vào tổng phiếu đại cử tri đoàn, nhưng họ không được cho là sẽ quyết định cuộc bầu cử.

Không cần đăng ký vẫn có thể đi bỏ phiếu

Bắc Dakota là bang duy nhất mà cử tri không cần phải đăng ký vẫn có thể đi bầu. Đây là một trong những bang đầu tiên thông qua việc đăng ký làm cử tri trong thế kỷ 19, nhưng quy định này đã bị hủy bỏ vào năm 1951. Quyết định kể trên có thể được giải thích là do bang có những cộng đồng thôn quê gắn bó mật thiết với nhau, nên các nhân viên bầu cử biết rõ về những người đi bỏ phiếu tại địa phương mình

"Hệ thống bỏ phiếu của Bắc Dakota cũng như việc không đăng ký cử tri, bắt nguồn từ đặc điểm thôn quê với các phân khu nhỏ. Các phân khu nhỏ này được thiết lập là để đảm bảo rằng các ban bầu cử nắm được những ai đi bỏ phiếu vào Ngày Bầu cử và dễ dàng phát hiện những ai không đi bầu ở phân khu đó", trang web của chính quyền bang có đoạn viết.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate