February 14, 2023 | 11:17 GMT+7

Những doanh nghiệp nào sẽ phải trả nợ trái phiếu nhiều nhất trong năm 2023?

Khánh Linh -

Bất động sản là nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất với 37,6% tổng giá trị đáo hạn trái phiếu riếng lẻ trong năm, tương đương 102.570 tỷ đồng tăng 76,0% so với cùng kỳ...

 Công ty CP Saigon Glory là một trong ba doanh nghiệp bất động sản phải đáo hạn trái phiếu giá trị lớn 7.000 tỷ đồng năm 2023.
Công ty CP Saigon Glory là một trong ba doanh nghiệp bất động sản phải đáo hạn trái phiếu giá trị lớn 7.000 tỷ đồng năm 2023.

Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn ước tính giảm 40,3% so với Q4/2022 trong Q1/2023, đạt 30.655 tỷ đồng song tăng 246,7% so với quý 1/2022, theo số liệu thống kê mới nhất từ VnDirect.

Tuy nhiên, áp lực đáo hạn sẽ tăng mạnh trong Quý 2 và Quý 3 năm 2023 với giá trị lần lượt đạt 93.139 tỷ đồng tăng 203,8% so với quý trước; và tăng 169,0% so với cùng kỳ và 89.488 tỷ đồng tăng 49,9% so với cùng kỳ.

Sau giai đoạn thách thức này, giá trị đáo hạn trong Qúy 4/23 sẽ hạ nhiệt 33,4% so với quý trước về mức 59.571 tỷ đồng, tăng 16,0% so với cùng kỳ.

Trong năm 2023, ước tính giá trị đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp sẽ đạt khoảng 272.853 tỷ đồng tăng 76,6% so với cùng kỳ. Tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn của ngành Bất động sản, Tài chính – Ngân hàng, Khác lần lượt là 37,6%, 37,0% và 25,5%.

Thống kê này chỉ bao gồm các đợt phát hành Trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ từ năm 2019 tới nay và đã bao gồm các doanh nghiệp phát hành đã thực hiện mua lại trái phiếu trước thời gian đáo hạn.

Trong năm 2023, Bất động sản là nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất với 37,6% tổng giá trị đáo hạn trái phiếu riếng lẻ trong năm, tương đương 102.570 tỷ đồng tăng 76,0% so với cùng kỳ.

Các doanh nghiệp bất động sản có giá trị đáo hạn cao nhất trong 2023 bao gồm: Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va 14.476 tỷ đồng, Công ty CP Saigon Glory 7.000 tỷ đồng, và CT TNHH Phát triển Bất động sản An Khang 4.960 tỷ đồng.

Tài chính – Ngân hàng là nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn thứ hai với 37,0% tổng giá trị đáo hạn trong 2023, tương đương 100.824 tỷ đồng tăng 55,0% so với cùng kỳ. Các tổ chức tài chính có giá trị đáo hạn cao nhất trong 2023 gồm: Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng 13.650 tỷ đồng và NHTMCP Bưu điện Liên Việt 9.900 tỷ đồng.

Các ngành khác chiếm 25,5% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn trong 2023, đạt 69.459 tỷ đồng tăng 122,4% so với cùng kỳ. 

Những doanh nghiệp nào sẽ phải trả nợ trái phiếu nhiều nhất trong năm 2023? - Ảnh 1

Trước đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam bùng nổ trong giai đoạn 2020-2021, tuy nhiên những rủi ro đầu tư đã bộc lộ qua một số sai phạm xảy ra đầu năm 2022. Điều này khiến nhà đầu tư suy giảm niềm tin vào kênh dẫn vốn quan trọng này.

Nghị định 65, có hiệu lực từ ngày 16/9/2022, đặt ra các điều kiện và yêu cầu nghiêm ngặt hơn đối với việc phát hành trái phiếu riêng lẻ. Theo đó, tổ chức phát hành được phép cơ cấu lại nợ song vẫn phải đảm đúng mục đích sử dụng theo phương án phát hành. Xếp hạng tín nhiệm được yêu cầu bắt buộc trong một số trường hợp nhất định, chẳng hạn tổng giá trị trái phiếu vượt quá một ngưỡng hoặc tỷ lệ trái phiếu/vốn chủ sở hữu vượt quá một tỷ lệ nhất định.

Ngoài ra, quy định mới cũng nâng cao những tiêu chí công nhận nhà đầu tư chuyên nghiệp khi thời gian gần đây nhiều nhà đầu tư đã bị thiệt hại do thực hiện các khoản đầu tư  có rủi ro cao và không có đánh giá cẩn thận.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp trầm lắng trong năm 2022 với tổng giá trị phát hành giảm 64%, chỉ đạt 269.733 tỷ đồng. Trong đó, trái phiếu phát hành riêng lẻ chiếm 97%, đạt 261.934 tỷ đồng; phát hành ra công chúng đạt 7.799 tỷ đồng. Tài chính – Ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu, chiếm 56% tổng giá trị phát hành năm 2022 đạt 151.141 tỷ đồng giảm 45% so với cùng kỳ.

Nhóm bất động sản ghi nhận mức sụt giảm 79%, chỉ đạt 62.310 tỷ đồng, chiếm 23% tổng giá trị phát hành. Nhóm Tập đoàn đa ngành và các nhóm ngành Khác chiếm lần lượt 6,5% và 14,3% tổng giá trị phát hành trong 2022.

Trong 2022, top 5 các doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhiều nhất gồm có: NHTMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (24.366 tỷ đồng), Tập đoàn Vingroup và các công ty con (16.569 tỷ đồng); Tập đoàn Địa ốc NOVA và các công ty con (15.157 tỷ đồng), NHTMCP Quân Đội (13.820 tỷ đồng), NHTMCP Kỹ Thương Việt Nam (13.150 tỷ đồng).

Trong năm 2022, trong bối cảnh lãi suất điều hành và lãi suất tiền gửi tăng mạnh từ giữa năm, lãi suất phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng tăng ở nhóm ngành Tài chính – Ngân hàng, bao gồm chủ yếu là các NHTM và các công ty Chứng khoán.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate