Theo đó, các bị cáo trong vụ án bị đưa ra xét xử về các tội danh “Sản xuất, buôn bán hàng giả”, “Sản xuất hàng giả”, “Buôn bán hàng giả”, “Nhận hối lộ”, “Môi giới hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Trong đó, bị cáo Cao Thị Minh Thuận (Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát) và đồng phạm bị truy tố và đưa ra xét xử về các hành vi Sản xuất, buôn bán hàng giả.
Bị cáo Trần Hùng (cựu Tổ trưởng Tổ 304 thuộc Tổng cục Quản lý Thị trường) bị truy tố và đưa ra xét xử về tội “Nhận hối lộ”.
Có 3 cựu cán bộ Đội Quản lý thị trường số 17 bị đưa ra xét xử về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Bị cáo Nguyễn Duy Hải (lao động tự do) bị đưa ra xét xử về tội “Môi giới hối lộ”.
Vụ án được xét xử công khai từ ngày 31/5, do Thẩm phán Mai Văn Quang làm Chủ tọa phiên tòa. Phiên xét xử này dự kiến diễn ra trong 7 ngày, cả thứ Bảy, Chủ nhật.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử, hiện có hơn 30 luật sư đăng ký tham gia bào chữa cho các bị cáo. Trong đó, bị cáo Trần Hùng có 5 luật sư tham gia bào chữa.
Cáo trạng thể hiện, năm 2021, Cao Thị Minh Thuận cùng đồng phạm sản xuất hơn 9,4 triệu quyển sách giả các loại liên quan Nhà xuất bản Giáo Dục, trị giá in trên bìa hơn 260 tỷ đồng. Nhóm này đã tiêu thụ hơn 6,3 triệu quyển; còn 3 triệu quyển chưa kịp bán thì bị cơ quan chức năng phát hiện, thu giữ.
Cơ quan điều tra làm rõ, Thuận đã tổ chức sản xuất và đặt mua các loại sách giáo khoa giả với số lượng lớn để bán cho một số đối tượng tại các tỉnh từ Quảng Bình trở về phía Bắc.
Để sản xuất sách giả, Thuận chỉ đạo nhân viên đặt in sách giả của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam tại Công ty cổ phần in Hà Nội do Hoàng Mạnh Chiến làm giám đốc; đặt in bản kẽm tại Công ty TNHH Tạp phẩm và Vật tư ngành in do Nguyễn Minh Đức Làm giám đốc; Công ty TNHH in và thương mại INP, do Nguyễn Mạnh Thắng làm giáo đốc và các đối tượng khác…
Các bị cáo đặt mua tem giả của Nguyễn Văn Toàn, giám đốc Công ty TNHH TM và in Lâm Anh và các đối tượng khác để dán lên sách giả.
Các bị cáo mua giấy in các loại, cung cấp bản kẽm cho các công ty và cá nhân để in sách, giao cho các xưởng gia công các bản in và tem giả để hoàn thiện sách rồi đưa ra kho cất giấu để bán ra thị trường.
Thuận cũng mua 5 ô tô tải làm phương tiện vận chuyển sách đi tiêu thụ. Với số lượng tiêu thụ hơn 6,3 sách giả thì giá trị sách theo giá bìa là hơn 164,2 tỷ đồng; giá trị theo hóa đơn bán lẻ (trừ chiết khấu) là hơn 73,3 tỷ đồng, nhóm này thu lời bất chính hơn 30 tỷ đồng
Cơ quan tố tụng xác định, Thuận là chủ mưu, điều hành toàn bộ hoạt động sản xuất, buôn bán sách giả.
Quá trình điều tra mở rộng vụ án, cơ quan điều tra xác định, năm 2020, Thuận đã bị Đội Quản lý thị trường số 17 phối hợp Tổ 304 nơi bị cáo Trần Hùng làm Tổ trưởng kiểm tra, thu giữ hơn 27.000 quyển sách giả. Tuy nhiên, vụ việc không được bị cáo Hùng báo cáo với Tổng cục trưởng mà trực tiếp chỉ đạo Cục Quản lý thị trường Hà Nội và đội Quản lý thị trường số 17 kiểm tra, xử lý.
Cao Thị Minh Thuận đã nhắn tin, điện thoại cho bị cáo Trần Hùng nhờ giúp đỡ xin xử lý nhẹ vụ việc.
Bị cáo Trần Hùng “đồng ý tha” với yêu cầu Thuận phải chỉ ra một số cơ sở in lậu. Sau đó, bị cáo Thuận tiếp tục liên hệ với Nguyễn Duy Hải đặt vấn đề chi tiền cho Trần Hùng để xin xử lý nhẹ vụ việc.
Cáo trạng thể hiện, bị cáo Trần Hùng đã hướng dẫn Hải về nói với Thuận phải thay đổi lời khai về nguồn gốc số sách, từ “sách mua bị thu giữ” sang “sách do người khác mang đến ký gửi” để được giảm nhẹ.
Ngày 15/7/2020, Hải cầm 300 triệu đồng đựng trong túi ni lông màu đen đến phòng làm việc của ông Trần Hùng. Tại đây, Hải gọi điện để ông Hùng nói chuyện với Thuận, nghe cụ thể hướng dẫn về cách khai báo.
Theo Viện kiểm sát, sau đó, bị cáo Hùng còn chỉ đạo cấp dưới tạo điện kiện giúp đỡ Thuận theo hướng xử lý hành chính vụ buôn sách lậu. Quá trình điều tra, bị cáo Trần Hùng không thừa nhận hành vi nhận hối lộ.
Tuy nhiên Viện kiểm cho rằng căn cứ lời khai của những người khác, các dữ liệu điện tử trích xuất từ điện thoại… có đủ cơ sở xác định Trần Hùng đã nhận 300 triệu đồng để xử lý nhẹ vụ buôn sách lậu.