July 03, 2025 | 08:49 GMT+7

Những nền kinh tế ít trẻ em nhất thế giới năm 2025

Hoài Thu -

5 vị trí dẫn đầu đều là các nền kinh tế Đông Á gồm Hồng Kông, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Singapore...

Tại nhiều nền kinh tế thu nhập cao trên thế giới, số lượng trẻ em ngày càng ít hơn. Tỷ lệ sinh giảm, tuổi thọ tăng lên và người nhập cư đang thay đổi cơ cấu tuổi tại nhiều nơi.

Đồ thị thông tin dưới đây gồm 36 nền kinh tế có tỷ lệ trẻ em trong tổng dân số dưới 20%, dựa trên dữ liệu dự báo từ Báo cáo Triển vọng Dân số Thế giới năm 2025 của Liên hợp quốc (UN).

Những nền kinh tế ít trẻ em nhất thế giới năm 2025 - Ảnh 1

Tình trạng ít trẻ em có thể là một chỉ báo quan trọng về sự sụt giảm lực lượng lao động, sự thay đổi trong nhu cầu tiêu dùng và áp lực tăng lên với hệ thống hưu trí trong tương lai.

Từ đồ thị có thể thấy, 5 vị trí dẫn đầu đều là các nền kinh tế Đông Á gồm Hồng Kông, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Singapore. Cả 5 nền kinh tế này đều có một điểm chung là tỷ lệ sinh thấp hơn mức sinh thay thế, mật độ đô thị cao, xu hướng kết hôn muộn và chi phí nhà ở đắt đỏ. Mức sinh thay thế là mức sinh bình quân mà một phụ nữ cần đạt được trong đời để đảm bảo duy trì dân số ở mức ổn định.

Nổi bật trong số này là Hàn Quốc, nơi có tỷ lệ sinh giảm xuống mức thấp nhất thế giới là 0,72 trẻ/phụ nữ vào năm 2023. Nhà chức trách nước này thời gian qua đã gấp rút triển khai các biện pháp như trợ cấp tiền mặt và chăm sóc trẻ để hỗ trợ các hộ gia đình giảm bớt chi phí liên quan tới việc nuôi dạy trẻ.

Nhờ vậy, vào tháng 4/2025, số lượng trẻ em được sinh ra tại Hàn Quốc tăng lên 20.717 trẻ, tăng 8,7% so với năm trước - mức tăng cao nhất kể từ năm 1991 trở lại đây. Dù tỷ lệ sinh vẫn thấp hơn mức sinh thay thế, sự gia tăng này tiếp tục xu hướng tích cực bắt đầu từ năm ngoái, khi tỷ lệ sinh đã tăng 10 tháng liên tiếp.

Ngoài top 5, các nền kinh tế châu Âu thống trị các vị trí còn lại với Italy (14,6 %), Bồ Đào Nha (15,6%) và Đức (16,6%) dẫn đầu. Tại các nền kinh tế này, tỷ lệ sinh duy trì ở mức thấp dai dẳng từ những năm 1990. Người nhập cư chỉ bù đắp được phần nào cho tình trạng già hóa dân số tại lục địa này.

Tại Italy, độ tuổi trung bình của dân số được dự báo sẽ tăng lên 50 tuổi vào năm 2030, tạo ra gánh nặng lớn về tài chính cho hệ thống hưu trí vốn đang chịu nhiều áp lực hiện nay.

Trong khi đó, các nền kinh tế nhỏ hơn như Andorra, San Marino, and Monaco dù cũng gặp thách thức về nhân khẩu học như các quốc gia láng giềng nhưng thị trường không đủ lớn để nhập khẩu lao động cách dễ dàng.

Đáng chú ý, không có nền kinh tế châu Phi, Nam Á hay Mỹ Latin nào có mặt trong danh sách này. Nigeria, Ấn Độ và Brazil đều có dân số trẻ. Hơn 50% dân số của Nigeria là người dưới 18 tuổi.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate