Báo cáo thị trường lao động Hà Nội tháng 4/2025 vừa phát hành của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho thấy thị trường lao động Thủ đô chịu tác động của nhiều yếu tố đa chiều, song nhu cầu tuyển dụng ở một số ngành vẫn tăng lên.
THAY ĐỔI CƠ CẤU TUYỂN DỤNG THEO TRÌNH ĐỘ
Tháng 4/2025, theo ước tính của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, nhu cầu tuyển dụng trên toàn thành phố khoảng 55,6 nghìn vị trí, cho thấy các doanh nghiệp vẫn duy trì kế hoạch nhân sự, dù phải đối mặt với nhiều biến động kinh tế.
Trên cơ sở khảo sát, thu thập thông tin 8.291 việc làm trống của hơn 1.500 doanh nghiệp, Trung tâm nhận thấy lĩnh vực thương mại - dịch vụ tiếp tục chiếm tỷ trọng cao trong nhu cầu tuyển dụng, dù có sự điều chỉnh so với tháng trước.
Trong đó, nhóm ngành hoạt động dịch vụ khác tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất, với 61,53% (giảm 11,12% so với tháng trước); tiếp đến là ngành công nghiệp chế biến chế tạo, chiếm 12,71% (giảm 1,17%), xây dựng chiếm 12,25% (tăng 7,51%), và giáo dục đào tạo chiếm 4,41% (tăng 3,62%)...
Doanh nghiệp trong lĩnh vực này có xu hướng tập trung tuyển dụng các vị trí phố biến như: Nhân viên bán hàng, thu ngân, nhân viên kinh doanh, chăm sóc khách hàng, và kỹ thuật viên lắp đặt - bảo trì dịch vụ.
Sự sôi động của lĩnh vực thương mại - dịch vụ phản ánh nhu cầu tiêu dùng đang dần hồi phục và phát triển theo hướng đa kênh, trong đó thương mại điện tử và dịch vụ hậu cần (logistics) ngày càng đóng vai trò quan trọng.
Trong tháng qua, các doanh nghiệp tập trung tuyển dụng các nhóm nghề: Nhân viên dịch vụ và bán hàng, vị trí thợ/công nhân kỹ thuật, chuyên viên nghiệp vụ/kỹ thuật viên.
Đáng chú ý, cơ cấu nhu cầu tuyển dụng theo yêu cầu trình độ có sự thay đổi trong tháng 4. Theo đó, dù các doanh nghiệp chủ yếu tuyển dụng lao động có trình độ đại học trở lên, chiếm 38,91%, song giảm 11,52% so với tháng trước. Tiếp đến là lao động phổ thông, chiếm 19,71% tổng nhu cầu tuyển dụng (tăng 4,79% so với tháng trước); công nhân kỹ thuật không bằng chiếm 16,02% (tăng 5,38% so với tháng trước)...
Nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông và công nhân kỹ thuật không bằng trong các doanh nghiệp tăng đáng kể so với tháng trước, phản ánh sự phục hồi và mở rộng sản xuất của nhiều doanh nghiệp sản xuất và xây dựng cơ sở hạ tầng.
Về mức lương, các doanh nghiệp chủ yếu chi trả cho người lao động từ 5 - 10 triệu đồng (chiếm 56,9% tổng số nhu cầu tuyển dụng). Đây là mức lương phổ biến cho các vị trí như công nhân sản xuất, nhân viên bán hàng, lái xe taxi, xe tải, công nhân xây dựng...; tiếp đến là mức lương 10 - 20 triệu đồng, dành cho các vị trí đòi hỏi kinh nghiệm hoặc chuyên môn cao hơn, như kế toán, quản lý bán hàng và tiếp thị, kỹ sư xây dựng…
LAO ĐỘNG Ở CÁC DOANH NGHIỆP XUẤT KHẨU CÓ THỂ BỊ ẢNH HƯỞNG ĐẾN VIỆC LÀM
Về phía người lao động, trong tháng 4, toàn Thành phố Hà Nội có khoảng 39,6 nghìn người có nhu cầu tìm kiếm việc làm. Một bộ phận người lao động đang bị ảnh hưởng do các yếu tố kinh tế như xung đột địa chính trị và chính sách thuế quan của Hoa Kỳ, khiến nhiều doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực xuất khẩu, phải cắt giảm nhân sự, hoặc dừng hoạt động.

Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã khảo sát, thu thập thông tin 3.016 hồ sơ người tìm việc của người lao động, cho thấy mức lương mong muốn của người tìm việc chủ yếu ở phân khúc phổ thông, từ 5 - 10 triệu đồng, chiếm 84,81%, từ 10 - 20 triệu đồng chiếm 10,61%, mức lương trên 20 triệu đồng chỉ chiếm khoảng 1%...
Người lao động tìm việc chủ yếu tập trung ở nhóm từ 35 - 54 tuổi, chiếm 49,5% (giảm 1,2% so với tháng trước); theo sau là nhóm từ 25 - 34 tuổi chiếm 41,17% (tăng 1,8%)...
Trong tháng 4, nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động tập trung vào các nghóm nghề như: Thợ lắp ráp và vận hành máy móc, thiết bị; lao động giản đơn, và nhân viên trợ lý văn phòng.
Đây là các vị trí không đòi hỏi trình độ chuyên môn cao, nhưng phù hợp với số đông người lao động phổ thông và lao động có trình độ trung cấp. Trong khi đó, trình độ chuyên môn kỹ thuật của người tìm việc tập trung chủ yếu ở nhóm chưa qua đào tạo, chiếm 41,68%, vào các công việc như công nhân sản xuất, nhân viên bán hàng; công nhân kỹ thuật không có bằng/chứng chỉ nghề.
Về triển vọng trong thời gian tới, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội nhận định, thị trường lao động Thủ đô trong tháng 5/2025 được dự báo tăng trưởng chậm lại, do tác động tiêu cực của nhiều yếu tố bất lợi về kinh tế - xã hội trong khu vực và trên toàn cầu.
Đặc biệt, dù có sự tăng trưởng chung, các ngành sản xuất công nghiệp, nhất là những ngành có tỷ trọng xuất khẩu lớn sang thị trường Hoa Kỳ (như dệt may, điện tử, đồ gỗ...), tiềm ẩn nhiều rủi ro từ chính sách thuế quan.
Việc áp thuế có thể làm giảm tính cạnh tranh của hàng hóa, thu hẹp đơn hàng, buộc doanh nghiệp phải điều chỉnh quy mô sản xuất. Điều này trực tiếp đe dọa việc làm của người lao động trong các ngành này, có thể dẫn đến giảm nhu cầu tuyển dụng mới, cắt giảm giờ làm, thậm chí là sa thải lao động.
Tuy nhiên, một số ngành dự báo vẫn có nhu cầu nhân lực cao như y tế - chăm sóc sức khoẻ, tăng trưởng 4%; công nghệ thông tin tăng 3,5%; dịch vụ du lịch, lữ hành tăng 5%.