March 08, 2024 | 10:25 GMT+7

Những nguyên nhân khiến người dân phải chi tiền túi cho y tế ở mức cao

Nhật Dương -

Hiện nay, tỷ lệ chi tiền túi tại Việt Nam vẫn tương đối cao, chiếm khoảng 45% chi phí y tế. Nguyên nhân do tăng sử dụng dịch vụ y tế; giá dịch vụ y tế cũng chưa được tính đúng, tính đủ...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tổng kết thực hiện Luật Bảo hiểm y tế giai đoạn 2009 – 2023, Bộ Y tế đánh giá, vẫn còn những khó khăn về quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, phần nào khiến tỷ lệ chi từ tiền túi của người dân cho y tế vẫn ở mức cao.

CHI TIỀN TÚI VẪN CHIẾM KHOẢNG 45%

Bộ Y tế cho biết, mục đích của bảo hiểm y tế là chia sẻ rủi ro, tăng cường bảo vệ tài chính cho người có thẻ bảo hiểm y tế.

Theo quy định tại Điều 21 Luật Bảo hiểm y tế và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật, phạm vi quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, bao gồm: Chi phí dịch vụ kỹ thuật khám chữa bệnh, thuốc, máu, dịch truyền, vật tư y tế, hóa chất khi người tham gia bảo hiểm y tế đi khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ, sinh con tại cơ sở khám chữa bệnh.

Ngoài ra, Quỹ Bảo hiểm y tế còn chi trả chi phí vận chuyển người bệnh từ tuyến huyện lên tuyến tỉnh và tuyến trung ương đối với một số đối tượng ưu tiên, như người thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng, trẻ em dưới 6 tuổi…, trong trường hợp cấp cứu, hoặc khi đang điều trị nội trú phải chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật.

Quỹ cũng trích một phần chi phí từ số thu bảo hiểm y tế cho các đơn vị trường học, cơ quan/tổ chức để phục vụ công tác khám chữa bệnh trong chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Hằng năm, bình quân Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả từ 87% - 89% tổng chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, người tham gia bảo hiểm y tế có trách nhiệm đồng chi trả từ 11% - 13%.

Nhìn chung, quyền lợi về khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tương đối toàn diện và ngày càng được mở rộng. Việc tham gia bảo hiểm y tế đã góp phần giảm chi tiêu tiền túi của hộ gia đình cho chăm sóc sức khỏe.

Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, hiện nay, tỷ lệ chi tiền túi tại Việt Nam hiện vẫn tương đối cao, chiếm khoảng 45% chi phí y tế.

NHIỀU NGUYÊN NHÂN CẦN THÁO GỠ

Theo Bộ Y tế, một trong những nguyên nhân gây tăng chi phí tiền túi là do tăng sử dụng dịch vụ y tế. Theo khảo sát, người có thẻ bảo hiểm y tế có mức sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh ngoại và nội trú cao hơn đối tượng khác.

Số tiền cùng chi trả cũng như số tiền tự trả cho thuốc, vật tư tiêu hao hoặc các dịch vụ ngoài danh mục bảo hiểm y tế dẫn tới tăng mức trả tiền túi.

Hoạt động khám chữa bệnh. Ảnh minh họa: Tuấn Dũng.
Hoạt động khám chữa bệnh. Ảnh minh họa: Tuấn Dũng.

Bên cạnh đó, việc giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng, tính đủ làm tăng chi phí trả tiền túi. Một số bệnh viện gặp khó khăn trong việc mua sắm thuốc, vật tư y tế, dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, không đủ thuốc cần thiết cho người bệnh sử dụng.

Công tác đấu thầu thuốc và quản lý thuốc chưa đảm bảo, một số thuốc cần nhưng không được cung ứng nên bệnh nhân phải mua bên ngoài.

Đặc biệt quan trọng là chất lượng dịch vụ y tế tại tuyến y tế cơ sở vẫn còn hạn chế, nên người bệnh bỏ qua tuyến xã, huyện vượt lên tuyến trên và tiếp tục chịu chi phí cao hơn.

Ngoài ra, một số nơi có tình trạng chỉ định người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế sử dụng các thiết bị xã hội hóa, trong khi vẫn có máy đầu tư ngân sách, điều này làm cho người bệnh phải chi trả phần chênh lệch giữa hai mức giá.

Đáng chú ý, một số cơ sở khám chữa bệnh có tình trạng chưa minh bạch về tài chính, sử dụng hai biểu mẫu thanh toán khác nhau cho cùng một người bệnh, biểu mẫu thanh toán với cơ quan Bảo hiểm xã hội ghi đúng những nội dung Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả, song ghi thanh toán cho người bệnh thì liệt kê các khoản mà người bệnh phải đóng thêm.

Điều này gây khó khăn cho các cơ quan trong việc bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế.

Nguyên nhân nữa là một số chi phí đã tính vào kết cấu giá như (quần áo mũ phẫu thuật, tiền công tiêm, công khám của bệnh nhân nội trú...), nhưng một số cơ sở khám chữa bệnh vẫn tính và yêu cầu người bệnh phải chi trả.

Để giảm chi tiền túi cho y tế, Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa XII cũng đã nêu rõ, mục tiêu đến năm 2025 là giảm tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình cho y tế xuống còn 35%.

Phạm vi quyền lợi và mức hưởng bảo hiểm y tế là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến mức chi trả tiền túi từ hộ gia đình.

Hiện nay, quyền lợi bảo hiểm y tế (về thuốc, bao gồm cả thuốc tân dược và thuốc y học cổ truyền, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế) được xác định trên cơ sở đáp ứng với nhu cầu khám chữa bệnh của người tham gia bảo hiểm y tế; sự thay đổi về mô hình bệnh tật; sự phát triển của khoa học công nghệ trong lĩnh vực y tế; khả năng cân đối Quỹ Bảo hiểm y tế và khả năng chi trả của người tham gia. Đồng thời hướng tới mục tiêu giảm chi tiền túi từ hộ gia đình cho chi tiêu y tế.

Tại dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) đang được lấy ý kiến, Bộ Y tế cũng đề xuất điều chỉnh quyền lợi bảo hiểm y tế, theo hướng giảm chi phí điều trị, chi phí nằm viện, giảm tải bệnh viện.

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số quy định về phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế, và điều chỉnh tỷ lệ chi trả bảo hiểm y tế đối với một số trường hợp đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế không đúng cấp chuyên môn kỹ thuật khám chữa bệnh.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate