Agriseco vừa đưa ra dự báo lợi nhuận thị trường sẽ hồi phục mạnh trong Quý 1/2024 trên nền thấp của quý 1/2023. Quý 1 năm ngoái là quý có lợi nhuận giảm mạnh nhất 18,9% trong cả năm 2023 bởi hầu hết các nhóm ngành ghi nhận kết kết quả kinh doanh đi lùi.
Trong đó lợi nhuận khối Phi tài chính ghi nhận giảm hơn 42,2%. Bước sang Quý 1/2024, Agriseco đánh giá các doanh nghiệp có triển vọng lợi nhuận tăng trưởng tích cực nhờ: Nhu cầu tiêu dùng trong nước được kỳ vọng phục hồi; Các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc có tín hiệu khả quan; Chi phí tài chính giảm trong bối cảnh mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp.
5 nhóm ngành có tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận cao trong Quý 1/2024, xếp theo thứ tự kỳ vọng tăng trưởng mạnh nhất như sau: Thép, Cao su, Chứng khoán, Bản lẻ và Chăn nuôi.
Theo đó, với nhóm thép, kỳ vọng lợi nhuận ngành thép Q1/2024 sẽ phục hồi mạnh mẽ trên mức nền thấp cùng kỳ với các luận điểm sau: Nhu cầu nội địa tăng trở lại nhờ đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và thị trường bất động sản trong nước ấm dần lên; Các thị trường xuất khẩu lớn của ngành thép Việt Nam như EU, các nước Đông Nam Á kỳ vọng cải thiện khi nền kinh tế phục hồi; Giá nguyên vật liệu đầu vào như than, quặng sắt hạ nhiệt giúp cải thiện biên lợi nhuận; Mặt bằng lãi suất hạ nhiệt cũng giúp các doanh nghiệp thép tiết giảm được chi phí lãi vay.
Thứ hai là nhóm cao su, tại thị trường giao ngay, bình quân 2 tháng đầu năm 2024, giá cao su thế giới đạt xấp xỉ 1.600 USD/tấn, cao hơn 12% so với cùng kỳ 2023 và cao hơn 15% so với bình quân cả năm 2023.
Ngành cao su trong nước cũng hưởng lợi khi giá trị xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2024 đạt 427 triệu USD tăng 21% so với năm ngoái, đơn giá xuất khẩu tương ứng tăng 12% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, thị trường Trung Quốc phục hồi tích cực khi giá trị xuất khẩu tăng 14% so với cũng kỳ, tiếp tục là thị trường xuất khẩu cao su chính của Việt Nam với tỷ trọng khoảng 74% tổng kim ngạch.
Thứ ba là ngành chứng khoán, kỳ vọng kết quả kinh doanh Quý 1/2024 của ngành chứng khoán sẽ phục hồi trong bối cảnh thị trường chứng khoán có diễn biến tích cực kể từ đầu năm với VN-Index tăng 11,5% và thanh khoản bình quân đạt hơn 20.500 tỷ đồng trên sàn HSX tăng 107% so với cùng kỳ.
Điều này được kỳ vọng sẽ giúp kết quả kinh doanh mảng Môi giới và Tự doanh chứng khoán tăng trưởng mạnh.
Hệ thống KRX khi vận hành chính thức sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho thị trường chứng khoán và giá cổ phiếu các công ty chứng khoán. Việc triển khai hệ thống mới sẽ đem đến nhiều tiện ích hơn như cho phép giao dịch bán khống, giao dịch T+0, làm rút ngắn thời gian thanh toán và thúc đẩy hoạt động giao dịch trở nên sôi động hơn.
Ngoài ra, lãi suất dự báo tiếp tục duy trì ở mặt bằng thấp giúp thúc đẩy dòng tiền tìm đến các kênh đầu tư sinh lời với thanh khoản dồi dào như thị trường chứng khoán sẽ là yếu tố hỗ trợ cho ngành chứng khoán không chỉ trong quý 1 mà kéo dài trong cả năm 2024.
Thứ tư là nhóm bán lẻ, lợi nhuận các doanh nghiệp bán lẻ đã bắt đầu phục hồi từ Quý 3, Quý 4/2023. Agriseco kỳ vọng đà phục hồi tiếp tục duy trì và các doanh nghiệp bán lẻ sẽ lấy lại được tăng trưởng dương so với cùng kỳ trong Quý 1/2024 khi nền kinh tế đang có các dấu hiệu khởi sắc hơn giúp cải thiện sức cầu đối với các sản phẩm bán lẻ tiêu dùng.
Mặt bằng lãi suất tiếp tục duy trì ở mức thấp để hỗ trợ nền kinh tế sẽ giúp kích thích nhu cầu tín dụng tiêu dùng qua đó thúc đẩy doanh số các nhà bán lẻ. Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ như giảm thuế VAT sẽ hỗ trợ nền kinh tế nói chung và ngành bán lẻ nói riêng cải thiện sức cầu.
Cuối cùng là các doanh nghiệp chăn nuôi sẽ phục hồi từ mức nền thấp của cùng kỳ năm 2023 nhờ giá lợn hơi tiếp tục xu hướng tăng và đang ở mức gần 60.000 đồng/kg, cao hơn khoảng 20% so với cùng kỳ; Giá một số loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như giá lúa mỳ, giá ngô đã giảm từ 20 – 30% so với cùng kỳ năm 2023
Trong cả năm 2024, các doanh nghiệp chăn nuôi sẽ được hưởng lợi nhờ Luật chăn nuôi 2020 về việc nghiêm cấm hành vi chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư sẽ chính thức có hiệu lực từ 2025. Điều này khiến nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ phải bỏ nghề, qua đó giúp các doanh nghiệp lớn, hoàn thiện chuỗi giá trị chiếm thêm thị phần.