May 19, 2023 | 13:58 GMT+7

Những rào cản khiến các siêu dự án tại Quảng Trị chưa thể khởi công

Nguyễn Thuấn -

Đây là những dự án trọng điểm của tỉnh Quảng Trị với tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Nhưng với nhiều lý do khác nhau trở thành rào cản, khiến các dự án này ì ạch trong thời gian dài...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Dự án Khu công nghiệp Quảng Trị được Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2021, do 3 nhà đầu tư liên doanh hợp tác thực hiện gồm: Công ty liên doanh TNHH khu công nghiệp Việt Nam – Singapor, Công ty Cổ phần đô thị Amata Biên Hòa (thuộc Tập đoàn Amata Thái Lan) và Tập đoàn Sumitomo Corporation Nhật Bản.

Dự án được thực hiện tại thị trấn Diên Sanh, xã Hải Lâm và xã Hải Trường, huyện Hải Lăng với quy mô trên 481ha. Tổng vốn đầu tư dự án hơn 2.000 tỷ đồng.

Theo thông tin từ Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị, đơn vị này đang phối hợp với nhà đầu tư thực hiện việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 đối với dự án. Cùng với đó, dự án đang hoàn thiện hồ sơ thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án để trình Bộ Xây dựng thẩm định.

Tuy nhiên, do thủ tục đấu nối giao thông dự án vào tuyến Quốc lộ 1A và tuyến đường sắt Bắc - Nam vẫn chưa hoàn thành nên thành phần hồ sơ thẩm định chưa đủ thành phần để trình Bộ Xây dựng tiến hành thẩm định.

Thêm một rào cản nữa khiến dự án chưa thể khởi công, bởi trong quá trình thực hiện việc đo đạc quy chủ thu hồi đất gặp rất nhiều khó khăn. Do người dân sử dụng đất không có giấy tờ theo quy định nên việc xác định loại đất, chủ sử dụng đất mất nhiều thời gian.

Đồng thời, phạm vi thu hồi đất để xây dựng dự án khá lớn trên 97ha, ảnh hưởng tới 551 thửa đất, nhiều loại đất, đối tượng sử dụng nên cơ quan chức năng mất khá nhiều thời gian cho công tác đo đạc, quy chủ, kiểm đếm.

Đặc biệt, đến nay vẫn còn một số hộ dân chưa chưa đồng ý với loại đất thu hồi, nhiều hộ dân xây dựng, làm nhà ở ổn định ngay trên đất nông nghiệp, đất nhà nước quản lý… nên khó khăn trong việc quy chủ, xác định tài sản hợp pháp khi lập biên bản kiểm kê.

Phía Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị đang đẩy nhanh tiến độ bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng để hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng giai đoạn 1, cũng như hoàn thành các thủ tục đầu tư có liên quan nhằm đảm bảo các điều kiện khởi công dự án trong Quý II/2023.

Tiếp đến là Dự án xây dựng cảng Mỹ Thủy. Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tháng 1/2019. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 14.200 tỷ đồng. Trong đó, vốn góp của nhà đầu tư hơn 2.100 tỷ đồng và vốn huy động từ nguồn khác là trên 12.000 tỷ đồng. Quy mô của dự án là 685ha bao gồm 10 bến cảng, có thể tiếp nhận tàu có tải trọng 100.000 tấn được đầu tư theo 3 giai đoạn. Khu bến cảng Mỹ Thủy phục vụ chủ yếu cho khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị và hàng hóa quá cảnh từ Lào, Đông Bắc Thái Lan trên tuyến Hành lang kinh tế Đông-Tây.

Phối cảnh Cảng Mỹ Thủy
Phối cảnh Cảng Mỹ Thủy

Giai đoạn 1 từ năm 2018-2025 đầu tư 4 bến có vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2 từ năm 2026-2031 đầu tư 3 bến với số vốn gần 5.000 tỷ đồng. Giai đoạn 3 từ năm 2032-2036 đầu tư 3 bến có số vốn trên 4.300 tỷ đồng.

Dự án này được khởi động từ tháng 2/2020, sau gần 3 năm dự án vẫn chưa triển khai thi công. Theo thông tin từ Cảng vụ Hàng hải Quảng Trị cho biết, hiện nay dự án còn vướng mắc tại khâu giải phóng mặt bằng do có khu vực liên quan tới khu dự trữ khoáng sản. Đối với mặt bằng liên quan tới khu vực dân sinh, hiện còn khoảng một số hộ dân chưa di dời và đang được UBND huyện Hải Lăng giải quyết.

Thời điểm hiện tại đơn vị tư vấn đã trình hồ sơ thiết kế kỹ thuật và hồ sơ thiết kế cơ sở. Chủ đầu tư dự án là Công ty CP Liên doanh cảng quốc tế Mỹ Thủy đang hoàn thiện hồ sơ đánh giá tác động môi trường. Dự kiến trong tháng 5 sẽ có phê duyệt đánh giá tác động môi trường.

Hiện nay chủ đầu tư đang hoàn thành các thủ tục pháp lý, cố gắng hoàn thành thủ tục hồ sơ liên quan, nhanh chóng triển khai thi công dự kiến trong quý II này.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate