Điển hình là việc một ngân hàng lớn đã bị thiệt hại hàng chục tỷ đồng vì cấp tín dụng theo hình thức cho vay tín chấp.
Theo hồ sơ, Bùi Hồng Khanh (SN 1961) là cổ đông nắm giữ 57,6% cổ phần tại Công ty Thái Dương. Hội đồng quản trị Công ty Thái Dương bổ nhiệm Vũ Việt Long làm giám đốc, Quan Văn Việt là Phó giám đốc tài chính. Ngoài ra, Khanh còn góp vốn thành lập, điều hành 3 công ty gồm Công ty Nam Việt, Công ty Thái Dương, Công ty Đại Hùng và Công ty 318 để thực hiện một số dự án BOT.
Công ty Nam Việt vốn có quan hệ tín dụng với ngân hàng từ đầu 2013, sau đó đến khoảng tháng 5/2014 thì hết hạn mức vay vốn. Khanh sử dụng pháp nhân khác để vay vốn.
Trong năm 2017, Khanh trực tiếp chỉ đạo Long và Việt ký kết hợp đồng vay vốn ngân hàng số tiền 72,6 tỷ đồng để thanh toán tiền hàng.
Ngày 10/4/2017, Công ty Thái Dương ký hợp đồng vay vốn 17,5 tỷ đồng; thời hạn vay 6 tháng. Mục đích vay để thanh toán tiền hàng cho Công ty TNHH MTV Vận tải xây dựng Bảo Châu.
Công ty Thái Dương xuất trình hợp đồng ngày 21/12/2016 về cung cấp vật liệu thi công cho Công trình mở rộng quốc lộ 18 Quảng Ninh theo hình thức BOT.
Tương tự, ngày 30/6/2017, ngân hàng giải ngân khoản vay 15 tỷ đồng cho Công ty Thái Dương để doanh nghiệp thanh toán tiền hàng cho Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Xuân Thủy. Tiếp đến, ngân hàng còn giải ngân 2 lần khác. Tổng số tiền Công ty Thái Dương vay là 72,6 tỷ đồng.
Quá trình vay vốn trên hồ sơ thẩm định đều thể hiện, công ty đáp ứng đầy đủ các điều kiện vay. Đến ngày 27/2/2018, các cán bộ tín dụng ký biên bản kiểm tra sau vay, đề nghị Công ty Thái Dương bổ sung bản gốc hóa đơn VAT, biên bản giao hàng…
Tuy nhiên, công ty chỉ thanh toán hơn 6,7 tỷ đồng, còn dư nợ gốc, lãi hơn 65,8 tỷ đồng.
Xác minh tại các chi cục thuế thể hiện, giữa Công ty Bảo Châu và Công ty Thái Dương; Công ty Xuân Thủy và Công ty Thái Dương không có giao dịch mua bán hàng hóa. Công ty Bảo Châu, Công ty Xuân Thủy xuất hóa đơn giá trị gia tăng không hợp pháp để hoàn thiện hồ sơ vay cho Công ty Thái Dương. Sau đó Công ty Bảo Châu đã báo hủy các hóa đơn trên. Còn Công ty Xuân Thúy sử dụng hóa đơn trên để xuất cho các công ty khác.
Xác minh hoạt động của Công ty Thái Dương thấy rằng, hồ sơ kê khai thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ mua vào năm 2017 là hơn 47 tỷ đồng. Trong khi số tiền thuế giá trị gia tăng theo các hóa đơn Công ty Bảo Châu, Công ty Xuân Thủy số tiền hơn 64,1 tỷ đồng. Đến ngày 17/12/2019, Công ty Thái Dương bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Quá trình điều tra, Bùi Hồng Khanh khai nhận chỉ đạo Long và Việt ký 20 hợp đồng tín dụng vay vốn ngân hàng hơn 285 tỷ đồng, còn nợ hơn 203 tỷ đồng. Trong đó có 6 hợp đồng là vay tín chấp, không có tài sản bảo đảm.
Khanh thừa nhận nhờ Công ty Bảo Châu và Công ty Xuân Thủy ký hợp đồng kinh tế không có thật, xuất “khống” các hóa đơn giá trị gia tăng. Ngân hàng giải ngân tiền vào tài khoản 2 công ty này. Khanh chỉ đạo người rút séc tiền mặt để sử dụng vào các hoạt động khác.
Về phía ngân hàng, cán bộ tín dụng biết Công ty Thái Dương không đủ điều kiện được cấp tín dụng tín chấp, không có tài sản bảo đảm nhưng vẫn đề xuất giải ngân khi chưa thu thập đầy đủ các chứng từ gốc như hợp đồng kinh tế, hóa đơn…;không kiểm tra các hóa đơn, chứng từ dẫn đến cùng một số hóa đơn giá trị gia tăng được ghi nội dung ngày, giá trị tiền hàng, đơn vị mua hàng khác nhau nhưng vẫn được sử dụng để làm chứng từ giải ngân cho các khoản vay khác nhau; không kiểm tra sau vay dẫn đến 6 khoản vay của Công ty Thái Dương đều thành nợ xấu, không có khả năng thu hồi, gây thiệt hại hơn 65,8 tỷ đồng.
Cựu giám đốc chi nhánh ngân hàng thừa nhận giải ngân cho vay tín chấp vượt thẩm quyền, đồng thời không kiểm tra giám sát việc giải ngân, sử dụng vốn vay.
Với hành vi trên, Viện kiểm sát nhân dân Hà Nội đã truy tố bị can Bùi Hồng Khanh và các đồng phạm về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Một số cán bộ ngân hàng cũng bị truy tố về tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.