August 26, 2022 | 13:37 GMT+7

Những tháng cuối năm lợi nhuận công ty chứng khoán sẽ khó khăn, cả năm chỉ đi ngang hoặc giảm

Thu Minh -

Để có thể đạt được kết quả đi ngang trong năm 2022, giá trị giao dịch bình quân ngày trong nửa cuối năm cần duy trì khoảng 25.000 tỷ đồng và số dư cho vay margin cũng cần cao hơn mức 90.000 tỷ đồng...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Dữ liệu thu thập từ 25 công ty chứng khoán bao gồm 16 công ty niêm yết, 1 công ty Upcom và 8 công ty thị trường OTC thể hiện khoảng 90% doanh thu toàn ngành cho thấy, doanh thu ngành trong quý 2/2022 đạt 15.878 tỷ đồng đi ngang so với cùng kỳ năm ngoái nhưng giảm 12,3% so với quý trước.

THANH KHOẢN CẢ NĂM VÀO KHOẢNG 26.000 TỶ ĐỒNG

Lợi nhuận sau thuế cũng không khả quan với mức giảm lần lượt là 57% và 63,4%. Có 7 trên tổng số 25 công ty trong khảo sát ghi nhận lỗ kế toán, một  điều mà khó có thể bắt gặp trong năm 2021 với các công ty chứng khoán.

Mảng môi giới ghi nhận sự sụt giảm 2 con số liên tiếp trong 2 quý đầu năm. Trong khi đó, nghiệp vụ cho vay có doanh thu giảm 9% trong quý 2, sau khi có mức tăng 2% trong quý 1. Doanh thu từ hoạt động đầu tư tự doanh vẫn là động lực chính trong phát triển doanh thu của ngành, tuy nhiên tỷ trọng trong doanh thu tổng đã giảm so với trung bình năm 2021.

Những tháng cuối năm lợi nhuận công ty chứng khoán sẽ khó khăn, cả năm chỉ đi ngang hoặc giảm  - Ảnh 1

Tốc độ tăng trưởng về số lượng tài khoản mới vẫn hiện hữu khi tiếp tục lập kỷ lục mới với 476.711 tài khoản trong tháng 5 (+76% với đỉnh gần nhất) và bổ sung thêm 466.483 tài khoản trong tháng 6. Tuy nhiên, giá trị giao dịch trong quý 2 lại chuyển biến theo hướng ngược lại khi giảm còn 20.525 tỷ đồng mỗi ngày, thấp hơn mức giao dịch bình quân ngày trong năm 2021 là 26.589 tỷ đồng.

Ở thời điểm hiện tại, Vn-Index ghi nhận sự phục hồi sau khi đã chạm vùng đáy cũng như giá trị giao dịch đang được hỗ trợ bởi triển vọng sáng hơn cho kinh tế Việt Nam khi so sánh tương quan với các khu vực khác.

Vì vậy, trong báo cáo triển vọng ngành vừa cập nhật, Chứng khoán Kis vẫn duy trì dự báo về giá trị giao dịch cả năm 2022 sẽ khoảng 24-26 nghìn tỷ đồng mỗi ngày.

NHƯNG LỢI NHUẬN CHỈ CÓ THỂ ĐI NGANG HOẶC GIẢM

Thị trường chứng khoán chịu sự sụt giảm đáng kể trong quý 2 và hệ quả là giá trị giao dịch duy trì ở mức thấp do tâm lý của nhà đầu tư lo sợ xu hướng tăng đảo chiều. Chứng khoán Kis cho rằng không kỳ vọng một năm "như mơ" tương tự 2021 đối với các công ty chứng khoán với mức tăng vượt trội, mà thiên về các kịch bản với kết quả kinh doanh đi ngang hoặc giảm nhẹ.

Càng về nửa cuối năm, khi các kết quả kinh doanh nếu so trên cở sở cùng kỳ năm ngoái sẽ ngày càng tiêu cực do nền cực kỳ cao vào nửa cuối năm ngoái. Quý 3 và quý 4 năm 2021 là hai quý cao lịch sử về kết quả kinh doanh của các công ty chứng khoán.

Để có thể đạt được kết quả đi ngang trong năm 2022, giá trị giao dịch bình quân ngày trong nửa cuối năm cần duy trì khoảng 25.000 tỷ đồng và số dư cho vay margin cũng cần cao hơn mức 90.000 tỷ đồng.

Những tháng cuối năm lợi nhuận công ty chứng khoán sẽ khó khăn, cả năm chỉ đi ngang hoặc giảm  - Ảnh 2

Một số sự kiện dự kiến diễn ra vào cuối năm có ảnh hưởng đến ngành chứng khoán, thứ nhất, triển khai hệ thống KRX. Các cơ quan quản lý đã nhấn mạnh về nhiệm vụ hoàn thành thử nghiệm và đưa vào vận hành vào cuối năm nay. Khi hệ thống KRX được triển khai, khả năng xử lý lệnh sẽ được mở rộng và các sản phẩm tài chính mới sẽ được đưa vào nghiên cứu phát triển.

Ở mốc thời gian gần hơn, VSD đã cắt giảm thời gian bù trừ thanh toán từ T+2 còn T+1,5, triển khai từ cuối tháng 08. Đây là giải pháp nhằm cải thiện hoạt động giao dịch khi nhà đầu tư có thể nhận được tiền và chứng khoán giao dịch sớm hơn nửa ngày. Điều đó sẽ có những tác động tích cực tới giá trị giao dịch trong khi chúng ta trông chờ hệ thống KRX.

Thứ hai, thị trường trái phiếu. Xu hướng mới khi mà các công ty chứng khoán đang hưởng lợi từ việc phân phối lại trái phiếu doanh nghiệp và thị trường này khá tiềm năng nếu thị trường tài chính Việt Nam phát triển trong tương lai.

Các nhà lập pháp đang tiến hành sửa đổi lại Nghị định 153, điều luật quy định về điều kiện cũng như các quy trình hoạt động đối với trái phiếu doanh nghiệp. Thêm vào đó, thị trường trái phiếu sẽ được tập trung về sở giao dịch Hà Nội và được lưu ký ở VSD. Cả hai kế hoạch này đều có thời gian hoàn thành trong năm nay.

Nếu việc triển khai đúng theo kế hoạch, thị trường trái phiếu kỳ vọng tăng trưởng về giá trị phát hành và giá trị giao dịch trong năm tới. Vì vậy, các công ty chứng khoán đã phát triển hệ thống giao dịch trái phiếu và đang có lợi nhuận tốt từ mảng này sẽ đi trước một bước trong việc gặt hái những kết quả tốt.

Thứ ba, mục tiêu nâng hạng thị trường Việt Nam lên thị trường mới nổi trong năm nay có vẻ chưa chắc chắn. Sau khi hệ thống KRX đưa vào hoạt động, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn nhiều việc cần làm để đáp ứng được những tiêu chí phân loại thị trường mới nổi. Chúng ta vẫn cần phải mở các rào cản đối với vốn ngoại, thành lập Đối tác Bù trừ Trung tâm (CCP), chuẩn bị giải pháp bán khống và phát triển hơn thị trường các sản phẩm phái sinh.

Vì vậy, câu chuyện nâng hạng thị trường sẽ kỳ vọng ở tương lai xa hơn và chưa thể diễn ra sớm.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate