Mới đây, tổ chức nghiên cứu kinh tế Economist Intelligence Unit (EIU) công bố Chỉ số Đáng sống Toàn cầu (Global Liveability Index) 2022 xếp hạng chất lượng sống tại các thành phố trên thế giới.
Xếp hạng này đánh giá 172 thành phố dựa trên 5 nhóm tiêu chí gồm sự ổn định, văn hoá và môi trường, y tế, giáo dục, và hạ tầng.
Các thành phố thuộc khu vực Scandinavia chiếm ưu thế áp đảo trong danh sách những thành phố đáng sống nhất (Most Liveable Cities) nhờ sự ổn định và cơ sở hạ tầng hiện đại. Cư dân tại những thành phố này được hưởng chăm sóc y tế tốt và có nhiều cơ hội để trải nghiệm các hoạt động văn hoá và giải trí. Các thành phố ở Áo và Thuỵ Sỹ cũng thường đạt vị trí cao trong xếp hạng về chất lượng sống nhờ nền kinh tế thị trường xã hội đạt tới mức độ phát triển cao tại hai quốc gia này.
Có 18 quốc gia xuất hiện trong top 10 thành phố đáng sống nhất và top 10 thành phố có cuộc sống tệ nhất thế giới mà EIU vừa công bố. Tuy nhiên, Mỹ không hề xuất hiện trong cả hai nhóm này. Đó là bởi thành phố Atlanta của Georgia được EIU đánh giá là thành phố đáng sống nhất ở Mỹ nhưng chỉ đạt vị trí 26 trong xếp hạng chung. Tiếp đó là thủ đô Washington DC ở vị trí thứ 30.
Vị trí số 1 của top những thành phố đáng số nhất thuộc về thủ đô Vienna của Áo. Thành phố này đạt 95,1/100 điểm, trong đó sự ổn định đạt 95 điểm; y tế 83,3 điểm; văn hoá và môi trường 98,6 điểm; giáo dục 100 điểm; và hạ tầng 100 điểm.
Vienna từng đạt vị trí số 1 vào các năm 2018 và 2019, nhưng tụt xuống vị trí 12 vào năm 2021.
Sau Vienna, các thành phố còn lại trong top 10 thành phố đáng sống nhất thế giới năm nay của EIU còn có
2. Copenhagen, Đan Mạch
3. Zurich, Thuỵ Sỹ
4. Calgary, Canada
5. Vancouver, Canada
6. Geneva, Thuỵ Sỹ
7. Frankfurt, Đức
8. Toronto, Canada
9. Amsterdam, Hà Lan
10. Osaka, Nhật Bản và Melbourne, Australia (đồng hạng)
Ở chiều ngược lại của xếp hạng chất lượng sống các thành phố trên thế giới, thủ đô Damascus của Syria là nơi có cuộc sống tệ nhất. Syria xếp thứ 172/172 thành phố trong danh sách, đạt 20 điểm về sự ổn định; 29,2 điểm về y tế; 40,5 điểm về văn hoá và môi trường; 33,3 điểm về giáo dục; và 32,1 điểm về cơ sở hạ tầng.
Nối tiếp Damascus, những cái tên còn lại trong top 10 thành phố có chất lượng sống tệ nhất thế giới năm 2022 của EIU bao gồm:
2. Lagos, Nigeria
3. Tripoli, Libya
4. Algiers, Algeria
5. Karachi, Pakistan
6. Port Moresby, Papua New Guinea
7. Dhaka, Bangladesh
8. Harare, Zimbabwe
9. Douala, Cameroon
10. Tehran, Iran
Điểm chung của các thành phố trong nhóm “đội sổ” này là đều có một vài vấn đề nghiêm trọng về xã hội và mối lo an toàn. Chẳng hạn, phân tích của EIU nói rằng Damascus đứng ở vị trí cuối cùng của xếp hạng là do bất ổn xã hội, chủ nghĩa khủng bố và xung đột. Thủ đô Lagos của Nigeria cũng lọt top có chất lượng sống tệ nhất thế giới vì sự lan tràn của tội phạm, khủng bố, bất ổn, bắt cóc và tội phạm hàng hải.