Sáng 24/12, Câu lạc bộ Nhà báo chứng khoán Việt Nam công bố 10 sự kiện chứng khoán nổi bật năm 2013. Năm 2013 đã ghi dấu nhiều thay đổi lớn trên thị trường, từ khung pháp lý tới cơ chế giao dịch và đặc biệt là những kết quả của việc tái cấu trúc các tổ chức tài chính trung gian.
1. Thị trường chứng khoán Việt Nam hồi phục mạnh mẽ
Theo số liệu từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các chỉ số giá chứng khoán đều tăng so với cuối năm 2012, VN-Index tăng trên 22,2%, HNX-Index tăng 19,3%. Sự gia tăng của các chỉ số chứng khoán trong năm 2013 đã đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường có mức độ phục hồi mạnh nhất thế giới.
Mức vốn hóa thị trường năm 2013 cũng tăng so với năm 2012, đạt khoảng 964.000 tỷ đồng (tăng 199.000 tỷ đồng so với cuối năm 2012), tương đương mức 31% GDP.
Năm 2013, thị trường chứng khoán Việt Nam mặc dù được dự báo sẽ phải chứng kiến sự thoái lui của nhà đầu tư nước ngoài, nhưng trên thực tế, tổng dòng vốn nước ngoài luân chuyển trong năm 2013 vẫn tăng 54% và giá trị danh mục tăng khoảng 3,8 tỷ USD so với cuối năm 2012. Số lượng tài khoản nhà đầu tư đạt khoảng 1,27 triệu tài khoản, trong đó số lượng tài khoản nhà đầu tư nước ngoài tăng 55%.
Trong năm 2013, dự thảo Quyết định về việc tham gia của các tổ chức, cá nhân nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam (thay thế Quyết định 55/2009/QĐ-TTg) - một văn bản điều chỉnh đối với đối tượng trực tiếp là nhà đầu tư nước ngoài, cũng được hoàn tất và trình Thủ tướng Chính phủ.
2. Lần đầu tiên hai công ty chứng khoán thực hiện hợp nhất
Ngày 9/12, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã trao giấy phép thành lập và hoạt động cho Công ty Chứng khoán MB (MBS) trên cơ sở hợp nhất Công ty Chứng khoán MB (MBS) và Công ty Chứng khoán VIT (VITSE). Sự kiện này ghi dấu ấn quan trọng trong quá trình thực hiện tái cấu trúc mạnh mẽ công ty chứng khoán trong năm 2013, trong đó có việc rút giấy phép hoạt động và thực hiện hợp nhất, sáp nhập công ty chứng khoán, cho phép mua lại để có công ty chứng khoán 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam.
Đây cũng là lần đầu tiên hai công ty chứng khoán thực hiện hợp nhất thành công và mở ra tiền lệ trong quá trình tái cấu trúc các công ty chứng khoán.
Cũng trong năm 2013, hoạt động tái cấu trúc các tổ chức trung gian được đẩy mạnh với việc hàng loạt công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ phải dừng hoạt động, rút giấy phép hoặc đưa vào diện kiểm soát đặc biệt như: Goldenbridge, SME, Tràng An, Hà Nội, Trường Sơn, công ty quản lý quỹ Sabeco…
3. Có chế tài việc chậm đưa cổ phiếu đã chào bán công khai lên sàn tập trung
Nghị định 108/2013/NĐ-CP ngày 23/9 có hiệu lực từ 15/11 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, trong đó bổ sung hành vi vi phạm cam kết đưa chứng khoán chào bán vào giao dịch trên thị trường có tổ chức trong thời hạn 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán.
Quy định mới sẽ chấm dứt hiện tượng các doanh nghiệp cổ phần hóa khất lần việc niêm yết cổ phiếu. Ngoài ra, nghị định mới cũng bổ sung các hành vi vi phạm mới như quy định cụ thể hành vi vi phạm quản trị công ty đại chúng, vi phạm quy định niêm yết chứng khoán quốc tế…
Trong năm 2013, hệ thống các quy định pháp lý của thị trường chứng khoán cũng tiến một bước dài với rất nhiều các Nghị định, thông tư và các văn bản quy định, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ đã được ban hành và có hiệu lực.
4. Kéo dài thời gian giao dịch, triển khai nhiều lệnh mới
Năm 2013 cả hai sở giao dịch chứng khoán Tp.HCM và Hà Nội (HSX và HNX) đã thực hiện nhiều cải tiến mới trong cơ chế giao dịch. Ngày 29/7, HNX áp dụng phiên khớp lệnh định kỳ đóng cửa vả triển khai các lệnh mới như ATC, MTL, MOK, MAK.
Trước đó, kể từ ngày 22/7, HSX cũng kéo dài thời gian giao dịch thêm 45 phút. Đây là một trong nhóm các giải pháp kỹ thuật để hỗ trợ thị trường đã được áp dụng khá thành công trong năm 2013 như: kéo dài thời gian giao dịch, thực hiện các lệnh giao dịch mới..., giảm phí lưu ký chứng khoán và trình Thủ tướng Chính phủ nới lỏng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.
5. Sôi động xu hướng thành lập quỹ mở
Quỹ mở phát triển nhanh chóng trên cơ sở chuyển đổi các quỹ đóng sang quỹ mở và thành lập mới. Năm 2013, sản phẩm quỹ mở bùng nổ với hàng loạt quỹ chính thức được thành lập.
Ban đầu là các quỹ đóng thực hiện chuyển đổi sang quỹ mở, tiếp đó là các quỹ mở chuyên đầu tư vào trái phiếu và các quỹ đầu tư cổ phiếu. Tính đến hết tháng 12, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã cấp phép thành lập cho 10 quỹ mở.
6. Hoàn thiên bộ chỉ số chứng khoán
Năm 2013, các bộ chỉ số chứng khoán theo Top 30, 70 và 100 đồng thời với các bộ chỉ số phân ngành của hai sở giao dịch chứng khoán đã được hoàn thành. Cả hai Sở HSX và HNX đều đã công bố tiêu chuẩn phân ngành, phân nhóm theo tiêu chí vốn hóa đối với các cổ phiếu niêm yết.
Trên cơ sở đó, hai sở giao dịch chứng khoán tiến hành xây dựng các chỉ số ngành. HNX đã chính thức đưa vào vận hành chỉ số cho 3 ngành đầu tiên là Tài chính, Xây dựng và Công nghiệp.
Các chỉ số chứng khoán ngành là cơ sở cho các sản phẩm phái sinh theo chỉ số trong tương lai. Việc triển khai phân ngành cổ phiếu niêm yết được xem như những viên gạch đầu tiên, đặt nền tảng cho việc phát triển các sản phẩm mới.
Cũng trong năm 2013, cơ quan quản lý đã triển khai việc nghiên cứu các sản phẩm mới để đưa vào vận hành (pháp lý về giao dịch quỹ ETF để thực hiện trên sở giao dịch chứng khoán; trình Chính phủ đề án về thị trường chứng khoán phái sinh).
7. Thị trường trái phiếu tăng trưởng kỷ lục.
Trong năm 2013, thị trường trái phiếu tăng trưởng gấp 2 lần so với năm ngoái, bình quân giao dịch trái phiếu Chính phủ đạt 1.600 tỷ đồng/phiên.
Thị trường trái phiếu đã trở thành kênh huy động và phân bổ vốn hiệu quả cho nền kinh tế trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng thu hẹp.
Từ tháng 3, HNX đã ban hành quy định và xây dựng đường cong lãi suất chuẩn cho trái phiếu Chính phủ, nhằm đáp ứng nhu cầu xây dựng một đường cong lãi suất chuẩn cho thị trường trái phiếu Việt Nam và cơ sở để các thành viên có thể định giá giá trị danh mục đầu tư.
8. Lần đầu tiên có hướng dẫn cụ thể về xử lý hình sự với 3 tội danh trong lĩnh vực chứng khoán
Thông tư liên tịch 10/2013 (TT10) hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ luật Hình sự (BLHS) về các tội phạm trong lĩnh vực thuế, tài chính - kế toán và chứng khoán, có hiệu lực từ ngày 15/8, hướng dẫn việc xử lý hình sự đối với 3 tội danh trong chứng khoán gồm: cố ý thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán; tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán và tội thao túng giá chứng khoán.
Với Thông tư này, ranh giới giữa tội danh hình sự và vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán đã rõ ràng hơn, thay vì trước đây tất cả đều được xử theo hành vi vi phạm hành chính.
9. Lần đầu tiên chấm điểm minh bạch quản trị của doanh nghiệp
Bắt đầu từ năm 2013, HNX đã thực hiện chấm điểm minh bạch các doanh nghiệp định kỳ hàng năm. Với hệ thống tiêu chí cụ thể phù hợp với thông lệ quốc tế, việc chấm điểm này sẽ giúp tạo động lực cho các doanh nghiệp niêm yết cải thiện chất lượng quản trị.
Trong năm 2013, chủ điểm được HNX lựa chọn là “công bố thông tin và minh bạch”, là một trong năm chủ điểm đánh giá quản trị công ty tốt mà các tổ chức quốc tế như OECD, IFC, WB… khuyến nghị đồng thời cũng là chủ điểm có tính chất bao trùm và phù hợp với thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn đầu thực hiện chương trình.
10. Số lượng doanh nghiệp hủy niêm yết cao kỷ lục
Trong năm 2013, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến làn sóng doanh nghiệp huỷ niêm yết lớn nhất từ trước đến nay trên cả 2 sàn, trong khi đó số lượng công ty niêm yết mới giảm.
Số lượng công ty niêm yết mới trong năm 2013 chỉ tăng 13 công ty (so với 25 công ty niêm yết mới năm 2012) và 37 công ty hủy niêm yết do không bảo đảm điều kiện niêm yết, vi phạm chế độ công bố thông tin, thực hiện tái cấu trúc công ty...).
Riêng tại sàn HSX, trong năm 2013 có 11 doanh nghiệp huỷ niêm yết (bao gồm cả tự nguyện và bắt buộc). Tại sàn HNX, năm 2013, số lượng huỷ niêm yết là 26 doanh nghiệp (trong đó có 16 doanh nghiệp bị huỷ niêm yết bắt buộc do không đủ điều kiện).