“Chúng ta đang dự kiến bỏ điều 165 của Bộ Luật hình sự là cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Vậy những vụ án đang chuẩn bị phúc thẩm về cố ý làm trái, đã bắt giam giữ về cố ý làm trái thì chúng ta xử lý như thế nào? Có thả ra không? Các cơ quan tiến hành tố tụng có phải đền không?”.
Hàng loạt câu hỏi đã được Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đặt ra sau một ngày thảo luận của Quốc hội về dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) ngày 17/6.
Viện trưởng đề nghị Quốc hội cần ra một nghị quyết sau khi bấm nút thông qua các dự án luật như Bộ luật Hình sự, Tố tụng hình sự để chuyển tiếp giữa hai dự án luật, mà tội cố ý làm trái nêu trên là một trong số các nội dung cần chuyển tiếp.
Liên quan đến vấn đề được tranh luận sôi nổi tại nghị trường về “quyền im lặng”, ông Bình nhấn mạnh, quyền của bị can, bị cáo là không phải đưa ra lời nhận tội hay những chứng cứ chống lại mình, đấy là quyền tự thân.
Còn luật cũng đã quy định các cơ quan tiến hành tố tụng không được ép buộc, tức là tác động tư bên ngoài như ép cung, nhục hình... để buộc bị can, bị cáo nhận tội.
Trước đó, đầu phiên thảo luận buổi chiều, đại biểu Phạm Trường Dân cho rằng quy định bị can, bị cáo không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội, thực chất đây là quyền im lặng.
Đại biểu Dân cho rằng đây là vấn đề cần phải được quan tâm, nếu không sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, nhất là bị động trong xử lý các tình huống khẩn cấp liên quan đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
Ông Dân đề nghị cần cân nhắc xem xét giữ nguyên quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo như Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành. Nghĩa là quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo được tự do trình bày lời khai, trình bày ý kiến của mình trong quá trình tham gia tố tụng còn trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc chức năng của cơ quan tiến hành tố tụng.
Người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh mình vô tội, người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền khai báo hoặc không khai báo, được bày tỏ ý kiến của mình về cáo buộc của các cơ quan tiến hành tố tụng, nếu thành khẩn khai báo thì được xem xét là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, ông Dân giải thích.
Vị đại biểu này cũng nhấn mạnh thái độ im lặng của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo không bị coi là tình tiết tăng nặng và cũng không đồng nghĩa với việc họ nhận tội. Việc im lặng của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo cần phải được tôn trọng, nhưng không nên khuyến khích họ im lặng.
Cũng bàn về quyền im lặng, đại biểu Đỗ Văn Đương lo ngại nếu đặt ra các quy định không khả thi, bó tay cơ quan điều tra thì lợi ích nhà nước, lợi ích xã hội bị xâm phạm, tội phạm sẽ lộng hành.
Theo đại biểu Đương, quy định hiện hành về quyền im lặng cũng đã rất tiến bộ, khai hay không khai là quyền, không phải là nghĩa vụ. Nhưng nghĩa vụ không khai báo không đồng nghĩa với nghĩa vụ không buộc phải chứng minh. Qua lời khai của anh, cơ quan điều tra đi xác minh là cơ quan điều tra chứng minh, không phải là bị can đi chứng minh.
Ông Đương nhấn mạnh, nếu bị can, bị cáo tự nguyện khai tội của mình thì chính là cơ hội để họ tự bào chữa, và chính là cơ hội để họ tự bảo vệ chính mình. Do đó, họ được hưởng khoan hồng theo chính sách nhân đạo.
“Trong khi bom khủng bố hẹn giờ chỉ còn vài giờ sẽ phát nổ, tổ chức tội phạm giết người cướp của đang chuẩn bị hành động, tại thời điểm bị bắt này thì chỉ có đối tượng đấy biết, nếu chậm 1 phút thì tai họa vô cùng, đấy là nhân đạo với một người sẽ giết nhiều người. Vậy tại sao lại khuyên người ta im lặng để gánh hậu quả”.
Sau phân tích trên, đại biểu Đương nói: “quyền im lặng của nghi can cần phải nhìn nhận một cách khách quan, đầy đủ trong bối cảnh cụ thể và nguồn gốc của nó ở đâu và thực sự có phải là tiến bộ không? Chúng ta không nên trích dẫn lung tung theo phim ảnh”.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate