Ngày 26/03/24, Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng ASIC Technologies và Keysight Technologies (Hoa Kỳ) tổ chức hội thảo “Công nghệ đo kiểm vi mạch bán dẫn trong đào tạo, nghiên cứu, phát triển và sản xuất” tại cơ sở Hà Nội của NIC, với mong muốn giới thiệu tổng quan về quy trình thiết kế vi mạch, đặc biệt là quy trình và công nghệ đo kiểm, thiết bị tiên tiến phục vụ cho đào tạo, nghiên cứu, phát triển và sản xuất vi mạch bán dẫn tới các trường đại học, doanh nghiệp và đơn vị liên quan chức năng.
Vi mạch bán dẫn hiện được xem là hạt nhân của ngành công nghiệp điện tử, đóng vai trò cốt lõi trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tại Việt Nam hiện nay, ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn được định hướng trở thành ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao, làm nền tảng cho sự phát triển chung và thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.
Quy trình thiết kế và thử nghiệm vi mạch tích hợp bán dẫn (IC) rất phức tạp, đòi hỏi độ chính xác, chuyên môn cao để đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật. Trong đó, việc đo kiểm, xác nhận để đảm bảo thành phẩm IC đã đóng gói đáp ứng được các tiêu chuẩn về độ tin cậy và hiệu suất mong muốn là vô cùng quan trọng.
Quy trình thiết kế IC bắt đầu bằng sử dụng phần mềm mô hình hóa và mô phỏng để đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật cho IC. Sau đó, thiết kế được chuyển sang giai đoạn mạch in IC và khắc lên mặt nạ IC, sau đó được đặt vào tấm Wafer. Sau khi kiểm tra Wafer, các thành phần được đóng gói và đo kiểm các chức năng để đảm bảo hoạt động chính xác.
Trong khuôn khổ hội thảo, các chuyên gia hàng đầu của Keysight đã trình bày về các giải pháp đo kiểm vi mạch bán dẫn để tối ưu hóa quy trình thiết kế và sản xuất, bao gồm 5 bước: (1) Thiết kế và mô phỏng; (2) Kiếm tra đặc tính linh kiến bán dẫn; (3) Đo kiểm IC số; (4) Đo kiểm IC hỗ hợp và (5) Đo kiểm IC tương tự.
Ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia, cho biết hoạt động hợp tác giữa khối Nhà nước - Doanh nghiệp, Nhà nước - Viện trường và Doanh nghiệp - Viện trường ngày càng đi vào chiều sâu, từng bước phát triển nguồn nhân lực bán dẫn thông qua các chương trình đào tạo, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ công cụ, phần mềm, kỹ thuật, góp phần đạt được mục tiêu 50 nghìn kỹ sư bán dẫn đến năm 2030.
Ông Sangho Oh, Giám đốc Giám đốc Khu vực Nam Châu Á, Keysight Technologies, cho biết quá trình đo kiểm có vai trò hết sức quan trọng trong quá trình thiết kế, sản xuất vi mạch bán dẫn, và chúng tôi cam kết cung cấp các công cụ và chuyên môn cần thiết nhằm đáp ứng được các yêu cầu hiện tại của ngành vi mạch rất sôi động tại Việt Nam. “Keysight sẵn sàng hợp tác với Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia để thúc đẩy ngành công nghiệp điện tử bán dẫn tại Việt Nam”, ông Sangho nói.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Anh Quân, Phó giám đốc ASIC Technologies, đại diện phân phối Keysight Technologies, cho biết định hướng phát triển về công nghiệp vi mạch bán dẫn của chính phủ là một xu thế tất yếu và đang được Nhà nước, các bộ - ban - ngành tạo điều kiện, đưa ra chủ trương và thúc đẩy xu hướng này diễn ra mạnh mẽ. Song hành với sự đẩy mạnh và phát triển về công nghệ, chúng ta cần có đội ngũ nguồn lực từ chất xám, từ tri thức, từ con người. Do đó, cần phải đẩy mạnh, đầu tư và phát triển chiều sâu trong giáo dục, nghiên cứu và phát triển.
Ông bày tỏ hy vọng hội thảo lần này sẽ giúp ích một phần phát triển cho đội ngũ nhân lực và công nghệ vi mạch bán dẫn của Việt Nam. Với định hướng phát triển của Chính phủ về việc xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn giai đoạn 2023-2030, cùng sự đầu tư của nhiều công ty công nghệ lớn trong lĩnh vực bán dẫn trong đó có Keysight, Việt Nam hoàn toàn có khả năng phát triển lĩnh vực vi mạch, bán dẫn.