Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 kéo dài đã gây trì hoãn sự phục hồi tăng trưởng kinh tế ở Đông Nam Á, khi Thái Lan trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong số 6 nền kinh tế lớn nhất khu vực chứng kiến tổng sản phẩm trong nước (GDP) suy giảm trong quý 1/2021 so với cùng kỳ năm ngoái.
Đợt dịch mới bùng phát đang phủ bóng lên dự báo tăng trưởng kinh tế của các nước trong khu vực - theo báo Nikkei.
Văn phòng Hội đồng Phát triển kinh tế và xã hội Quốc gia Thái Lan (NESDC) ngày 17/5 cho biết nền kinh tế nước này giảm 2,6% trong quý 1 so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là quý thứ tư liên tiếp kinh tế Thái Lan suy giảm, nhưng mức giảm đã thu hẹp so với cú giảm 4,2% ghi nhận trong quý 4/2020.
NESDC cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Thái Lan 2021 còn 1,5-2,5% từ mức 2,5-3,5% đưa ra trong lần dự báo trước. Đây là lần thứ hai cơ quan này hạ dự báo tăng trưởng kinh tế 2021, sau lần giảm từ mức 3,5-4,5% vào tháng 11/2020.
“Đại dịch có thể sẽ được kiểm soát từ sau tháng 6. Tiêm chủng diễn ra suôn sẻ là một nhân tố quan trọng để kinh tế Thái Lan tăng trưởng”, Tổng thư ký NESDC Danucha Pichayanan nói trong một cuộc họp báo.
Trong quý 1, Thái Lan phải ứng phó với làn sóng Covid-19 thứ hai và thứ ba, khiến nhiều hoạt động kinh tế bị hạn chế. Làn sóng Covid thứ ba ở Thái Lan - bắt đầu từ cuối tháng 3 - hiện vẫn đang diễn ra, với ảnh hưởng kinh tế được cho là sẽ rõ nét hơn trong quý 2 này.
Ngành du lịch, trụ cột của kinh tế Thái Lan, vẫn đang tê liệt. Chính phủ nước này muốn mở cửa sớm, nhưng những làn sóng Covid đã khiến kế hoạch không thể diễn ra như dự kiến.
Không chỉ Thái Lan, một số nền kinh tế lớn khác ở Đông Nam Á cũng suy giảm trong quý 1, gồm kinh tế Philippines giảm 4,2%; Indonesia giảm 0,7%; và Malaysia giảm 0,5%. Cả ba nền kinh tế này đều trải qua đợt dịch bùng phát trong quý 1, khiến các hoạt động kinh tế bị gián đoạn.
Trong số 6 nền kinh tế lớn của khu vực, duy chỉ có kinh tế Singapore và Việt Nam là tăng trưởng trong quý đầu năm, với mức tăng tương ứng là 0,2% và 4,5%.
“Cả hai nền kinh tế này đều hưởng lợi từ sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành sản xuất và thương mại”, chuyên gia kinh tế Sung Eun Jung của Oxford Economics phát biểu. “Việt Nam và Singapore cũng kiểm soát Covid tốt hơn, giúp duy trì được sự phục hồi của nhu cầu nội địa”.
Theo Nikkei, triển vọng phục hồi của kinh tế Đông Nam Á đang trở nên bấp bênh do làn sóng Covid mới. Do ổ dịch ở sân bay Changi, Singapore phải siết chặt các biện pháp kiểm soát, gần như phong toả, từ đầu tuần này cho tới ngày 13/6.
Tiến độ tiêm chủng ngừa Covid ở mỗi nước sẽ quyết định chi tiêu của người dân. Hôm 5/5, Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã đưa ra dự báo kinh tế dựa trên các kịch bản. Nếu 100 triệu liều vaccine được tiêm trong năm 2021 và Thái Lan đạt miễn dịch cộng đồng trong quý 1/2022, thì tăng trưởng kinh tế có thể đạt 2% trong 2021 và 4,7% trong 2022.
Nếu tới quý 3/2022 mới đạt miễn dịch cộng đồng, thì tăng trưởng kinh tế Thái Lan chỉ đạt 1,5% trong 2021 và 2,8% trong 2022. Nếu Thái Lan đạt miễn dịch cộng đồng vào quý 4/2022, thì nền kinh tế sẽ chỉ tăng 1% và 1,1% tương ứng trong 2021 và 2022.
“Tốc độ chiến dịch tiêm chủng khá chậm trong khu vực và sự xuất hiện của các biến chủng mới có thể làm gia tăng độ bấp bênh đối với tiến trình phục hồi kinh tế”, chiến lược gia Margaret Yang thuộc Daily FX nhận định. “Chúng tôi đang nhận thấy triển vọng phục hồi không đồng đều giữa các ngành nghề khác nhau và giữa các quốc gia khác nhau. Khoảng cách này sẽ duy trì trong quý 2, khi các nền kinh tế vật lộn với virus, lạm phát và thất nghiệp”.