January 06, 2021 | 12:21 GMT+7

Nikkei: Việt Nam, Singapore và Đài Loan là “bộ ba” chống Covid-19 thành công

An Huy

Trong lúc cả thế giới đang chật vật xoay sở với làn sóng Covid mới, Việt Nam cùng với Đài Loan và Singapore đã thành công trong việc hạn chế số ca lây nhiễm trong cộng đồng ở mức gần như bằng 0

Người Đài Loan đeo khẩu trang trong một sự kiện đón năm mới 2021 - Ảnh: Reuters/Nikkei.
Người Đài Loan đeo khẩu trang trong một sự kiện đón năm mới 2021 - Ảnh: Reuters/Nikkei.

Tờ báo Nhật Bản Nikkei nhận xét rằng Việt Nam, Singapore và Đài Loan là những ví dụ tiêu biểu về thành công trong chống Covid-19 tại khu vực châu Á.

Tháng trước, Đài Loan phát hiện ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng đầu tiên sau 8 tháng, nâng tổng số ca nhiễm trong cộng động ở nước này kể từ khi có dịch lên 56 ca. Con số này của Đài Loan thấp hơn nhiều so với của các quốc gia và vùng lãnh thổ khác trong khu vực, và là kết quả của việc Đài Loan thực hiện nghiêm ngặt quy định cách ly bắt buộc 14 ngày đối với người nhập cảnh từ nước ngoài.

Năm ngoái, một lao động nhập cư người Philippines đã bị nhà chức trách Đài Loan phạt 100.000 Đài tệ, tương đương 3.577 USD, vì bước chân ra khỏi phòng khách sạn cách ly đúng 8 giây đồng hồ. Vụ việc xảy ra vào tháng 11 năm ngoái được phát hiện thông qua camera giám sát và được truyền thông Đài Loan đưa tin rộng rãi.

Trong lúc cả thế giới đang chật vật xoay sở với làn sóng Covid mới, Đài Loan cùng với Việt Nam và Singapore đã thành công trong việc hạn chế số ca lây nhiễm trong cộng đồng ở mức gần như bằng 0 - báo Nikkei nhấn mạnh.

"Bộ ba" quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á này là những câu chuyện thành công hiếm hoi về kiểm soát lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng bằng cách sử dụng các biện pháp xét nghiệm và cách ly nghiêm ngặt, bài báo viết.

Người vi phạm quy định cách ly ở Đài Loan có thể bị phạt tới 1 triệu Đài tệ, theo quy định đặc biệt có hiệu lực từ tháng 2 năm ngoái. Những người có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 bắt buộc phải điều trị tại bệnh viện và được chính quyền trang trải mọi chi phí, thay vì điều trị tại nhà.

Theo Nikkei, Việt Nam thậm chí còn áp dụng những biện pháp mạnh mẽ hơn. Ngoài quy định cách ly bắt buộc 14 ngày đối với người nhập cảnh, Việt Nam còn công khai thông tin cá nhân của những ca nhiễm mới, bao gồm tuổi, nghề nghiệp, nơi cư trú và những hoạt động gần nhất, để truy dấu nhanh những tiếp xúc gần. Những biện pháp quyết liệt này giúp Việt Nam khống chế tổng số ca nhiễm từ đầu dịch tới nay ở ngưỡng dưới 1.500 ca, bao gồm cả những ca lây nhiễm trong cộng đồng và nhập cảnh từ bên ngoài.

Ở Singapore, sau một thời gian vật lộn với số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh ở lao động nhập cư, Singapore đã kiểm soát được số ca nhiễm mới trong cộng đồng hàng ngày ở mức gần 0 trong thời gian gần đây, nhờ xét nghiệm và truy dấu tiếp xúc nghiêm ngặt.

Đảo quốc với 5,7 triệu dân này đã tiến hành khoảng 5,4 triệu lượt xét nghiệm Covid-19. Chính phủ Singapore hiện vẫn yêu cầu xét nghiệm 2 tuần một lần đối với lao động nước ngoài trong các ký túc xá. Gần 80% dân số Singapore đã được trang bị ứng dụng theo dõi tiếp xúc trên điện thoại di động hoặc thiết bị theo dõi tiếp xúc có kích thước khoảng bằng lòng bàn tay.

Với nguy cơ lây nhiễm giảm xuống, vào cuối tháng 12 vừa qua, Singapore nới lỏng một số quy định chống dịch. Theo đó, nước này cho phép tối đa 8 người được ngồi chung bàn tại các nhà hàng, thay vì 5 người như quy định trước đó.

Kinh nghiệm rút ra từ dịch SARS vào năm 2003 đã giúp ích nhiều cho Đài Loan và Singapore trong cuộc chiến chống Covid-19. Đài Loan đã tăng số giường để cách ly tại các bệnh viện. Y tá, bác sỹ tại các bệnh viện Đài Loan cũng được huấn luyện kỹ về tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 và thực hiện các khâu chuẩn bị khác ngay khi dịch vừa bắt đầu vào tháng 1 năm ngoái.

Thách thức đặt ra hiện nay đối với Việt Nam, Đài Loan và Singapore, cũng như các quốc gia khác ở châu Á, là ứng phó với nguy cơ của một làn sóng Covid-19 mới.

Sau một thời gian nhìn chung đã kiểm soát được virus, Thái Lan gần đây xuất hiện một làn sóng lây nhiễm mới, với hơn 1.000 ca nhiễm trong tháng 12 có liên quan đến một chợ hải sản gần Bangkok. Tổng số ca nhiễm ở Thái Lan đã tăng hơn gấp đôi chỉ trong 2 tuần qua, lên con số khoảng 9.000 ca tính đến ngày 5/1.

Phần đông những người ở ổ dịch Covid-19 mới của Thái Lan là lao động nhập cư từ Myanmar. Thái Lan có quy định nghiêm ngặt về nhập cảnh để chống dịch, nhưng dường như virus lây lan từ những người nhập cảnh trái phép. Đầu tuần này, Chính phủ Thái Lan đã siết các biện pháp chống dịch, yêu cầu các trường học đóng cửa và giảm số giờ hoạt động trong ngày của các cơ sở kinh doanh tại 27 tỉnh và thủ đô Bangkok. Tại Bangkok, ăn uống tại các nhà hàng, quán ăn vào buổi tối cũng đã bị cấm từ ngày 5/1.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate