Đây là nội dung quyết định số 14/2021 của UBND tỉnh Ninh Thuận về việc phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.
Trong tổng nguồn vốn cần huy động, nguồn vốn từ xã hội hóa (từ các tổ chức, thành phần kinh tế, hộ gia đình, cá nhân và vốn vay ngân hàng) là trên 9.505 tỷ đồng; nguồn vốn từ trung ương trên 124,6 tỷ đồng; ngân sách địa phương 37,8 tỷ đồng; vốn vay ngân hàng chính sách xã hội 210,8 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, tỉnh sẽ tập trung xây dựng 18.800 căn nhà ở riêng lẻ với tổng diện tích 2,2 triệu m2; xây dựng gần 2.000 căn nhà ở thương mại với tổng diện tích khoảng 235.600 m2 và 236 căn nhà công vụ với diện tích khoảng 9.440 m2 nhằm đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho các đối tượng cư dân khác nhau.
Tỉnh cũng thực hiện hỗ trợ xây dựng hơn 1.110 căn nhà ở cho người có công với cách mạng với diện tích hơn 50.000 m2; xây hơn 7.000 căn nhà ở cho hộ nghèo tổng với diện tích khoảng 327.000 m2; 770 căn nhà ở cho công nhân với diện tích gần 37.000 m2 và gần 2.400 căn nhà ở xã hội, tương ứng với diện tích khoảng 118.000 m2 nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tự do và người thu nhập thấp.
Mục tiêu đến năm 2025, diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh đạt khoảng 25m2 sàn/người, tăng tỷ lệ nhà kiên cố lên 62%, nhà ở bán kiên cố đạt 37,2%, nhà ở đơn sơ còn 0,8%.
Đến năm 2030, diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh tăng lên 30 m2 sàn/người; nâng tỷ lệ nhà ở kiên cố lên 71%, nhà ở bán kiến cố chiếm khoảng 28,6%, nhà ở đơn sơ giảm, còn 0,4%.