October 28, 2024 | 13:02 GMT+7

Níu giữ quá khứ, Intel bị tụt hậu quá xa!

Ngô Huyền -

Từng là công ty bán dẫn lớn nhất thế giới, thống trị toàn ngành chíp, Intel hiện có quy mô chỉ bằng một phần ba mươi so với Nvidia theo vốn hóa thị trường, nhỏ hơn Qualcomm, Broadcom, Texas Instrument, AMD…

Theo các nhà phân tích, chuỗi sai lầm của Intel bắt nguồn từ văn hoá doanh nghiệp hình thành từ nhiều thập kỷ - luôn đặt lợi nhuận lên hàng đầu.
Theo các nhà phân tích, chuỗi sai lầm của Intel bắt nguồn từ văn hoá doanh nghiệp hình thành từ nhiều thập kỷ - luôn đặt lợi nhuận lên hàng đầu.

Năm 2005, trí tuệ nhân tạo vẫn còn là khái niệm xa lạ. Nhưng các giám đốc của Intel đã từng đứng trước một quyết định quan trọng có thể đã thay đổi vận mệnh của Intel thời điểm hiện tại.

Ông Paul Otellini, Giám đốc điều hành của Intel thời điểm đó, từng đề xuất với hội đồng quản trị việc mua Nvidia, một công ty mới nổi ở Thung lũng Silicon nổi tiếng với các chip được sử dụng cho đồ họa máy tính. Chi phí cho thỏa thuận này là 20 tỷ USD. Nhưng hội đồng quản trị Intel đã phản đối. Tờ New York Times đánh giá nếu khi ấy Intel mua lại Nvidia, đây sẽ là thương vụ mua lại hời nhất của Intel.

Đối mặt với sự hoài nghi từ hội đồng quản trị, ông Otellini, đã rút lui và đề xuất của ông cũng rơi vào quên lãng.

HAI VẬN MỆNH ĐỐI LẬP

Giờ đây, Nvidia sau gần 20 năm đã trở thành ông vua chip AI và là một trong những tập đoàn có giá trị nhất thế giới, trong khi Intel, từng là siêu cường bán dẫn, đang chao đảo và vật lộn trong cuộc đua AI.

Giá trị thị trường chứng khoán của Nvidia, trong nhiều năm chỉ bằng một phần nhỏ của Intel, hiện đã hơn 3 nghìn tỷ USD, thậm chí mới đây giá trị Nvidia đã vượt qua Apple trở thành công ty giá trị nhất thế giới. Trong khi đó, quy mô Nvidia ngày càng mở rộng, giá trị vốn hóa của Intel chỉ còn dưới 100 tỷ USD - khoảng 1/30 giá trị Nvidia. Doanh thu Intel đã giảm hơn 30% từ năm 2021 đến năm 2023.

 

Ông Craig Barrett, cựu CEO của Intel, từng so sánh hoạt động kinh doanh chip x86 với một bụi cây creosote – một loại cây đầu độc các nhà máy cạnh tranh xung quanh. Lợi nhuận cao trong một thời gian dài khiến Intel bị “che mắt” trên con đường đổi mới.

Thông tin Intel gần đây đã cắt giảm 15.000 việc làm, bị tụt hậu trong lĩnh vực AI là minh chứng cho những thách thức lớn hơn mà công ty hiện đang phải đối mặt. Theo các cuộc phỏng vấn với hơn hai chục cựu giám đốc, giám đốc hội đồng quản trị và nhà phân tích ngành của New York Times, Intel đã bỏ lỡ nhiều cơ hội, thực hiện những quyết định sai lầm và lỗ hổng trong quản trị.

Theo các nhà phân tích, chuỗi sai lầm của Intel bắt nguồn từ văn hoá doanh nghiệp hình thành từ nhiều thập kỷ - luôn đặt lợi nhuận lên hàng đầu. Các giám đốc điều hành của Intel từng nói đùa công ty là "sinh vật đơn bào lớn nhất hành tinh", một thế giới khép kín biệt lập.

Những năm 1980, chip của Intel cũng giống như phần mềm của Microsoft – những yếu tố quyết định ngành công nghiệp máy tính, nhưng Intel đã phí phạm vị thế dẫn đầu và bỏ qua những thay đổi lớn trong kiến trúc bán dẫn để tập trung thương mại những gì mình có.

Các khoản đầu tư vào thiết kế chip mới hơn luôn phải xếp sau việc bảo vệ và mở rộng trụ cột kiếm tiền của công ty - các thế hệ chip PC, được gọi là kiến ​​trúc x86.

"Công nghệ đó là viên ngọc quý của Intel - độc quyền và rất có lợi nhuận, và họ sẽ làm bất cứ điều gì trong khả năng của mình để duy trì điều đó", giáo sư kỹ thuật điện James Plummer tại Đại học Stanford và là cựu giám đốc của Intel cho biết. Cũng chính điều này đã khiến Intel rơi vào tình thế như hiện nay.

Ông Craig Barrett, một cựu CEO của Intel, từng so sánh hoạt động kinh doanh chip x86 với một bụi cây creosote – một loại cây đầu độc các nhà máy cạnh tranh xung quanh. Lợi nhuận cao trong một thời gian dài khiến Intel bị “che mắt” trên con đường đổi mới. 

BỎ LỠ NHỮNG LÀN SÓNG CƠ HỘI 

Sau khi huỷ bỏ thương vụ mua lại Nvidia, Intel tập trung vào một dự án nội bộ, có tên mã là Larrabee, để vượt lên trước các đối thủ cạnh tranh về đồ họa. Dự án được dẫn dắt bởi ông Pat Gelsinger, người đã gia nhập Intel vào năm 1979 và liên tục thăng tiến để trở thành Giám đốc Điều hành cấp cao.

Dự án trong 4 năm đã tiêu tốn hàng trăm triệu USD. Intel tự tin rằng dự án có thể giúp họ tiếp tục củng cố vị thế.  Năm 2008, khi phát biểu tại một hội nghị ở Thượng Hải, ông Gelsinger đã dự đoán "kiến trúc đồ họa ngày nay sắp kết thúc, Larrabee sẽ là tương lai”.

Tuy nhiên, dự án đã không thành công. Larrabee đã chậm tiến độ và hiệu suất đồ họa của nó bị tụt hậu. Vào năm 2009, Intel đã hủy bỏ dự án, chỉ vài tháng sau khi ông Pat Gelsinger tuyên bố sẽ từ chức để trở thành chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của EMC, một nhà sản xuất thiết bị lưu trữ dữ liệu.

Một thập kỷ sau khi rời Intel, ông Gelsinger vẫn tin rằng Larrabee đã đi đúng hướng. Ông cho rằng dự án có thể đã thành công nếu có thêm sự kiên nhẫn và đầu tư của công ty.

59 năm kể từ nhà sáng lập Intel đưa ra Định luật Moore, đến nay, định luật này vẫn được coi là quy tắc trong ngành công nghiệp bán dẫn. “Tôn chỉ” này từng giúp Intel thành công nhất hành tinh, với công nghệ sản xuất luôn đi trước một thế hệ (khoảng hai năm) so với những người khác.

Thế nhưng, sự chậm trễ trong đổi mới công nghệ và bỏ lỡ các cột mốc quan trọng như sản xuất chip cho điện thoại di động và cuộc cách mạng AI đã khiến Intel vấp ngã và dọn đường cho những tay chơi khác tiến lên trong cuộc đua. 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate