Tại sự kiện NLG Day 2022 vừa diễn ra tại TP.HCM, ông Trần Xuân Ngọc, Tổng giám đốc NLG cho biết doanh số 6 tháng đầu năm của NLG đạt 8.410 tỷ đồng, tăng 87% so với cùng kỳ năm 2021. Doanh thu đến từ 5 dự án: Mizuki Park (TP.HCM), Izumi City (Đồng Nai), Akari City (TP.HCM), Southgate (Long An) và Cần Thơ.
Với kế hoạch doanh thu năm 2022 là 23.375 tỷ đồng, gấp 4 lần năm trước, Công ty đã thực hiện 37% mục tiêu cả năm.
Dự kiến trong quý 3 và quý 4, NLG tiếp tục tung ra thị trường các sản phẩm thuộc 5 dự án trên. Cùng với đó, vào tháng 12, dự kiến 210 sản phẩm đầu tiên thuộc dự án Paragon Đại Phước (Đồng Nai) cũng sẽ được giới thiệu ra thị trường, ước tính doanh số 4.326 tỷ đồng.
Liên quan tới Paragon Đại Phước, ông Ngọc nói công ty có kế hoạch chuyển nhượng 50% vốn tại dự án này. Bên nhận chuyển nhượng là Nishi Nippon Railroad- đối tác Nhật Bản đã hợp tác lâu năm của NLG trong phát triển nhiều dự án. Thương vụ dự kiến đem về doanh thu 1.300 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 350 tỷ đồng cho công ty, ghi nhận ngay trong năm nay.
Cũng theo ông Ngọc, giai đoạn 2023 - 2024, NLG có thể tiếp tục bán vốn dự án tại Izumi City (Đồng Nai) hoặc giai đoạn 2, dự án Waterpoint (Long An). Việc bán vốn tại dự án giúp Nam Long có thêm dòng tiền ổn định, cùng với vốn tự có để triển khai xây dựng mà không phụ thuộc vốn ngân hàng.
Trước nhiều lo ngại về các động thái kiểm soát dòng vốn vào thị trường bất động sản, Chủ tịch Nguyễn Xuân Quang cho biết việc vay vốn, trả tiền, kế hoạch tài chính của Công ty hiện đang rất bình thường.
“Với kinh nghiệm đã trải qua ở thời điểm khó khăn của năm 2008, khi lãi suất lên tới 20% và Chính phủ hạn chế cho vay bất động sản, NLG sẽ dùng nguồn vốn tự có và vốn từ đối tác Nhật (Nishi Nippon Railroad và Hankyu Hanshin) để phát triển dự án, không lệ thuộc nhiều vào nguồn vốn vay với lãi suất bất thường” - ông Nguyễn Xuân Quang chia sẻ.
Theo ông Quang, vốn tín dụng được kiểm soát chặt chẽ hơn có thể gây ảnh hưởng chung tới thị trường nhưng lại là cơ hội cho những doanh nghiệp hoạt động nghiêm túc. Tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong 2 - 3 năm vừa qua khá là rủi ro. Đây là bài toán giải quyết không dễ cho các nhà phát triển bất động sản, cần thêm 2-3 năm tới để xử lý. Điểm đáng quan tâm là khả năng lãi suất sẽ tăng. Khi Mỹ tăng lãi suất, lạm phát toàn cầu sẽ tăng, ảnh hưởng tới thị trường bất động sản, đòi hỏi các nhà phát triển bất động sản, trong đó có NLG, phải có giải pháp hợp lý như chiến lược tài chính, sản phẩm phù hợp.
Hai đối tác Nhật Bản là Nishi Nippon Railroad và Hankyu Hanshin cũng đang kinh doanh rất tốt ở nước ngoài, trong đó đứng đầu là Việt Nam. Vì vậy, họ muốn đồng hành cùng NLG để mở rộng khả năng huy động vốn, đặt ra nhiều chỉ tiêu tham vọng trong 5 - 10 năm tới. Họ nhìn thấy ở Việt Nam việc sở hữu ngôi nhà đầu tiên còn rất hạn chế, điều này đã xảy ra cách đây 40 - 50 năm tại Nhật. Đó là cơ hội để phát triển nhà ở vừa túi tiền và đối tác Nhật muốn đồng hành cùng Nam Long để phát triển sản phẩm đó. Ngoài ra, 2 bên còn đang thảo luận để có thể hợp tác bất động sản thương mại.
Vừa qua, Nam Long đã huy động thành công 1.000 tỷ đồng trái phiếu từ IFC với lãi suất 9,35%/năm trong 7 năm, đã giải ngân 500 tỷ đồng để phát triển giai đoạn 2 dự án Waterpoint Long An. Ngoài ra, Công ty hiện có 2.000 tỷ đồng từ phát hành riêng lẻ trong năm 2021 bổ sung vào vốn tự có để phát triển các dự án bất động sản.
Được biết, năm 2021 NLG đạt 5.206 tỷ đồng doanh thu thuần, gấp 2.3 lần cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.640 tỷ đồng, tăng 61,5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.478 tỷ đồng, tăng 74%, trong đó lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là 1.071 tỷ đồng. Đây là năm đầu tiên NLG đạt lợi nhuận sau thuế trên 1.000 tỷ đồng và cổ phiếu Công ty đạt mức giá kỷ lục 65.200 đồng/cổ phiếu vào tháng 12/2021.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 7/7/2022, cổ phiếu NLG tiếp tục “ngược dòng” tăng gần 3% lên 36.550 đồng/cổ phiếu với khối lượng khớp lệnh đạt xấp xỉ 2.150.000 cổ phiếu.